Bạch Hạc Môn hơn trăm nhân mạng toàn bộ bị tàn sát. Duy nhất gia đình chưởng môn nhân Bạch Hạc Môn là Tả Giám Bạch phá đặng vòng vây thoát khỏi cuộc tàn sát lưu lạc chân trời góc bể, 8 năm đằng đẵng tránh sự truy sát của toàn thể cao thủ giang hồ. Than ôi! Thâm sơn cùng cốc, sa mạc, biên ải, gia đình họ Tả đi tới đâu thì sự truy sát kéo theo tới ngay nơi đó.
Sinh Tử Kiều! Nơi hiểm ác nhất trần gian. Chỉ khi nào vượt qua chiếc cầu này gia đình họ Tả may ra có thể thoát được sự truy tung cũa cửu đại môn phái. Nhưng chuyện trong thiên hạ hầu hết là trái với mong muốn. Gia đình họ Tả vừa đến chân Sinh Tử Kiều thì cũng là lúc gót sắt các cao thủ giang hồ và cửu đại phái truy sát tới nơi. Họ Tả kiêu dũng tử chiến cùng các cao thủ để niềm tin duy nhất của họ là Tả Thiếu Bạch, đứa con thứ của Tả Giám Bạch, vượt qua Sinh Tử Kiều.
Tả Thiếu Bạch có vượt qua được Sinh Tử Kiều hay không? Tại sao họ Tả và Bạch Hạc Môn bị toàn thể cao thủ trong giang hồ truy sát? Mời các huynh đệ tỷ muội hãy theo dõi Thiên Kiếm Tuyệt Ðao!
***
Tứ Không mừng rỡ:
- Thế thì đệ tử Thiếu Lâm xin đi tiên phong.
Nhấc trượng, lão tăng thẳng bước vào.
Khi ấy, bọn Cao Quang và tám đệ tử Thiếu Lâm đã sớm nhóm lửa, mười mấy ngọn đuốc cháy sáng dẫn đường. Tứ Không, Thiếu Bạch và Văn Quyên đều xuất lãnh thuộc hạ hàng đội thứ lớp rầm rập tiến vào động tối. Quần hùng thấy con thủy đạo hun hút đi thẳng vào lòng núi, càng tin là đường dẫn đến Thánh cung.
Bỗng nhiên, tận đầu thủy đạo ầm ầm vang mấy tiếng long óc. Quần hùng phân vân, rồi chợt ùn ùn đổ xô nhau chạy về phía trước.
Đến cuối đường, vừa lúc thấy có một vùng sáng chóe, trong tiếng ì ầm, hai cánh cửa đá đồ sộ từ từ di động sang hai bên. Mọi người reo vang, chạy túa ra khỏi đường hầm. Cảnh vật bên ngoài hiện ra khác hẳn. Dưới ánh mặt trời, chỉ thấy cỏ non xanh bát ngát, bọc kín lấy một vùng thủy cốc, cỏ cây tươi tốt sáng rực như tranh, chênh chếch về mé trái là một tòa cung điện đỏ chói xanh mởn cỏ hoa.
Văn Quyên nhìn đăm đăm tòa điện nguy nga giữa sơn cốc, lâm râm khấn:
- Gia gia có linh xin phù hộ cho hài nhi sớm rửa được hận.
Hốt nghe Tứ Không nói lớn:
- Cuộc chiến hôm nay địch không chết, ta chết, vậy phàm đệ tử Thiếu Lâm phải xông lên chiến tử không lùi!
Quần tăng hăng hái dạ rang.
Thiếu Bạch bỗng chỉ về phía trước, trầm giọng:
- Có bóng địch nhân kìa!
...
***
Cổ Long tên thật là Hùng Diệu Hoa. Năm sinh chưa được xác định, có tài liệu nói ông sinh năm 1936, có tài liệu nói năm 1937. Có tài liệu nói ông sinh tại Hồng Kông, có tài liệu nói ông sinh ở Trung Hoa lục địa. Tuy nhiên, quê quán (tổ tịch) của ông là ở Giang Tây, Trung Quốc. Ông là một tác gia tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng mọi thời đại, là người khởi nguồn cho dòng tiểu thuyết kiếm hiệp tân phái.
Cổ Long bắt đầu viết văn từ rất sớm. Từ khi học năm thứ hai ở Bộ Sơ trung, Trường Cao cấp Trung học, thuộc Đại học Sư phạm Đài Loan, ông đã bắt đầu phiên dịch các tác phẩm văn học ngắn của Tây phương. Bản dịch đầu tiên của ông gửi đăng ở tạp chí Thanh niên Tự do và kiếm được một ít nhuận bút. Tuy nhiên, sự nghiệp văn chương của Cổ Long chính thức bắt đầu là vào thời gian cuối cấp II. Năm 1956, Cổ Long đã viết bài văn "Từ miền Bắc đến miền Nam" gửi đăng ở tạp chí "Ánh mai" do Ngô Khải Vân chủ biên và nhận được khoản nhuận bút kha khá. Bắt đầu từ đó, Cổ Long tiếp tục viết thêm nhiều bộ tiểu thuyết và văn xuôi, tuy nhiên các tác phẩm thuở ấy chỉ thuần về văn học và chủ yếu là viết về tình yêu nam nữ.
Trong suốt cuộc đời của Cổ Long, có lẽ bị ảnh hưởng từ gia đình mà ông rất sợ cô độc. Bởi thiếu thốn tình yêu thương trong gia đình, ông giao thiệp với bạn bè rất rộng và đối xử với họ rất tốt. Ông uống rượu nhiều và thường kết giao với bạn bè qua bàn rượu, vì vậy mà quan hệ bạn bè của Cổ Long khá phức tạp. Những người bạn cùng học với ông ở Trường chuyên khoa Anh ngữ “Đạm Giang” kể lại rằng ông có quan hệ tốt với bạn học và cũng rất quí trọng tình bạn. Vì vậy mà trong rất nhiều tác phẩm của Cổ Long, tên của các bạn học thời ấy đã được Cổ Long sử dụng làm tên nhân vật, thậm chí là mô tả tướng mạo, tính cách đều rất sát với con người thật.
Mời các bạn đón đọc
Thiên Kiếm Tuyệt Đao của tác giả
Cổ Long.