Cảm hứng là có thật, nhưng nó chỉ đến khi ta làm việc.
- Pablo Picasso
Pablo Picasso là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỉ XX với nhiều tác phẩm đắt giá. Theo các nhà thống kê, ông có tới 26.075 tác phẩm được trưng bày, xuất hiện trước công chúng (chưa tính tới những tác phẩm chưa được tìm thấy hoặc công bố). Thử thực hiện một phép tính đơn giản, Picasso sống đến 91 tuổi, vị chi là 33.403 ngày. Nếu so sánh với số tác phẩm được công chúng biết tới ở trên thì trung bình mỗi ngày ông lại sáng tạo thêm được một tác phẩm mới, tính từ khi ông 20 tuổi cho đến tận lúc qua đời. Nói một cách đơn giản thì Picasso đã sáng tạo không ngừng nghỉ mỗi ngày, trong liên tục 71 năm.
Picasso chính là ví dụ sinh động cho thấy khả năng sáng tạo vô hạn của con người, cùng nỗ lực không ngừng để vượt qua giới hạn của bản thân. Bạn có biết ngọn nguồn của mọi sự sáng tạo đều nằm trong chính con người chúng ta, nó vẫn ở yên đó chờ được chúng ta thức tỉnh?
Trong cuốn sách Thói quen làm nên sáng tạo, tác giả Twyla Tharp, một biên đạo múa tài năng bậc nhất nước Mỹ, đã cho chúng ta thấy tiềm lực phi thường của con người trong việc đánh thức khả năng sáng tạo. Thông qua những câu chuyện làm nghề, quan điểm triết học sâu sắc và hiểu biết rút ra từ cuộc sống hằng ngày, bà đã chứng minh được rằng sáng tạo không phải là năng lực do Chúa trời ban tặng mà nó là cốt tủy được hình thành từ sự kỷ luật, gian khổ rèn luyện để hình thành những thói quen làm nên sáng tạo. Hãy đọc sách để thấy thành công luôn bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất và sáng tạo chỉ đến khi được đầu tư công sức và thời gian theo đúng nghĩa.
Trân trọng giới thiệu đến bạn cuốn sách vô cùng hữu ích này!
**
Twyla Tharp, một trong những biên đạo múa vĩ đại nhất nước Mỹ, bắt đầu sự nghiệp từ năm 1965 và đến nay, bà đã dàn dựng hơn 130 vở múa cho vũ đoàn của mình, cũng như cho Vũ đoàn Ba lê Joffrey, Vũ đoàn Ba lê New York, Vũ đoàn Ba lê Opera Paris, Vũ đoàn Ba lê Hoàng gia London và Nhà hát Ba lê Mỹ. Sử dụng âm nhạc của tất cả tác giả từ Bach, Beethoven và Mozart đến Jelly Roll Morton, Frank Sinatra và Bruce Springteen, bà là người tiên phong trong việc kết hợp múa hiện đại và ba lê với âm nhạc đại chúng. Trong lĩnh vực điện ảnh, bà từng cộng tác với Milos Forman trong phim Hair, Ragtime và Amadeus. Trong lĩnh vực truyền hình, bà chỉ đạo chương trình Baryshnikov by Tharp từng giành được hai giải Emmy. Trên sân khấu Broadway, bà đã đạo diễn phiên bản nhà hát của vở Singin’ in the Rainvà đến năm 2003, bà giành giải Tony cho vở Movin’ Out, tác phẩm bà tự tay dàn dựng, đạo diễn và biên đạo trên nền các bài hát của Billy Joel. Bà cũng từng nhận giải thưởng MacArthur Fellowship. Năm 1993, bà được kết nạp vào Viện Nghệ thuật và Khoa học Mỹ. Năm 1997, bà trở thành thành viên danh dự của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Mỹ. Bà đã nhận được 18 học vị tiến sĩ danh dự. Bà sống và làm việc ở thành phố New York.
Mark Reiter đã cộng tác để cho ra đời 12 cuốn sách, tính cả Thói quen làm nên sáng tạo. Ông cũng là đại diện cho các tác giả tại Bronxville, New York.
***
Tôi bước vào một căn phòng trắng
Tôi bước vào một phòng tập nhảy nằm ở trung tâm Manhattan. Đó là căn phòng trắng rộng lớn. Tôi mặc một chiếc áo nỉ cùng cái quần jeans bạc phếch và đi đôi giày thể thao Nike. Bao quanh bốn bức tường là những tấm gương cao gần hai mét rưỡi. Một chiếc đài nằm trong góc. Sàn nhà sạch trơn, không vương tì vết, nếu không tính hàng nghìn vệt miết cùng dấu chân còn lưu lại sau những buổi tập của các vũ công. Ngoài mấy tấm gương, chiếc đài, những vệt miết và tôi, căn phòng hoàn toàn trống trải.
Năm tuần nữa, tôi sẽ bay tới Los Angeles cùng một nhóm sáu vũ công để tham gia sô diễn kéo dài tám đêm liên tiếp trước 1.200 khán giả mỗi tối. Đó là nhóm nhảy của tôi. Tôi là một biên đạo múa. Tôi đã có trong tay một nửa chương trình – một vở ba lê kéo dài 50 phút cho toàn bộ sáu vũ công trên nền bản xô-nát số 9 của Beethoven dành cho đàn piano, bản “Hammerklavier”. Tôi đã sáng tác tiết mục này từ hơn một năm trước và đã dành mấy tuần vừa qua để luyện tập với cả nhóm.
Nửa còn lại của chương trình vẫn còn là một ẩn số. Tôi không biết mình sẽ sử dụng bản nhạc nào. Tôi không biết mình sẽ làm việc với vũ công nào. Tôi còn chưa có ý tưởng về trang phục, thiết kế ánh sáng, hay nhạc công. Tôi cũng chưa nắm được thông tin về thời lượng của tiết mục, dù nó phải đủ dài để lấp đầy nửa còn lại của chương trình và mang đến cho khán giả thứ họ xứng đáng được nhận.
Thời lượng của tiết mục sẽ quyết định khoảng thời gian tập luyện mà tôi cần. Thời gian này bao gồm việc liên lạc với vũ công, lên thời gian biểu tại phòng tập và khởi động quá trình luyện tập – tất cả đều dựa trên sự sáng tạo của tôi ở căn phòng trắng trống trơn này trong vài tuần tới.
Các vũ công mong mỏi tôi sẽ thành công vì vũ đạo của tôi chính là sinh kế của họ. Các đại diện ở Los Angeles cũng kỳ vọng điều tương tự vì họ đã bán ra rất nhiều vé cùng lời hứa hẹn rằng khán giả sẽ được chứng kiến điều mới lạ và lý thú từ bàn tay tôi. Chủ rạp cũng mong như thế; vì nếu tôi không tới, rạp hát của ông ấy sẽ trống trơn suốt cả tuần. Như vậy là có rất nhiều người, bao gồm cả những người tôi còn chưa gặp bao giờ, đang gửi gắm niềm tin vào khả năng sáng tạo của tôi.
Nhưng ngay lúc này, tôi không hề nghĩ tới những chuyện ấy. Tôi đứng trong một căn phòng với nghĩa vụ phải sáng tác ra tiết mục múa thật đặc sắc. Các vũ công sẽ có mặt ở đây chỉ trong vài phút nữa. Chúng tôi sẽ phải làm gì?
Đối với một số người, căn phòng trống biểu trưng cho thứ gì đó sâu sắc, huyền bí và đáng sợ: Nhiệm vụ khởi đầu từ hai bàn tay trắng và nỗ lực để kiến tạo nên cái gì đó trọn vẹn, đẹp đẽ và viên mãn. Nó cũng không khác gì việc một nhà văn mở ra một trang soạn thảo trắng trên máy tính của mình; hay một họa sĩ đối mặt với tấm toan trống trơn; một nghệ sĩ điêu khắc trân mắt nhìn một tảng đá thô; một nhạc sĩ ngồi trước cây đàn piano, ngón tay bâng quơ lướt trên những phím đàn. Một số người cảm thấy khoảnh khắc này – khoảnh khắc trước khi sự sáng tạo khởi phát – quá đỗi đau đớn tới độ họ không tài nào đối mặt nổi với nó. Họ đứng dậy và rời bỏ chiếc máy tính, tấm toan, cây đàn; họ đánh một giấc, đi mua sắm, nấu bữa trưa hoặc làm đủ mọi việc lặt vặt trong nhà. Họ trì hoãn. Trong hình thái cực đoan nhất, nỗi kinh hoàng ấy khiến con người ta tê liệt hoàn toàn.
Khoảng không trống vắng có lẽ chỉ tầm thường vậy thôi. Nhưng tôi đã đối mặt với nó trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật. Đó là công việc của tôi. Đó cũng là sự nghiệp của tôi. Nói tóm lại: Việc lấp đầy khoảng không trống trơn đó đã giúp tôi tạo dựng được tên tuổi cho mình.
Tôi là một vũ công kiêm biên đạo múa. Trong 35 năm qua, tôi đã sáng tác 130 vở múa và ba lê. Một số vở tốt, số khác lại dở tệ. Tôi đã làm việc với các vũ công ở hầu hết mọi không gian và môi trường mà các bạn có thể tưởng tượng ra. Tôi đã tập dượt trên đồng cỏ. Tôi đã kinh qua hàng trăm phòng tập, một số phòng rất xa hoa bởi chính sự mộc mạc chân phương và rộng lớn của nó; nhiều phòng thì bẩn thỉu, đầy sỏi sạn rác rưởi, chuột chạy rầm rập quanh bốn chân tường. Tôi đã làm việc tám tháng trời tại một phim trường ở Prague, biên đạo các bài múa và chỉ đạo các cảnh opera cho bộ phim Amadeus (tạm dịch: Sự đố kỵ của thiên tài) của Milos Forman. Tôi đã tổ chức dàn dựng các cảnh quay dùng ngựa trong Công viên Trung tâm của thành phố New York cho phim Hair (tạm dịch: Mái tóc). Tôi đã làm việc với các vũ công đến từ các nhà hát ở London, Paris, Stockholm, Sydney và Berlin. Tôi đã điều hành công ty của riêng mình suốt ba thập kỷ. Tôi đã sáng tác và đạo diễn một sô diễn rất thành công ở Broadway. Tôi đã làm việc chăm chỉ trong nhiều năm và không ngừng sáng tạo đến mức tới thời điểm này, tôi không chỉ thấy thách thức và lo lắng, mà còn có cảm giác bình yên và hứa hẹn khi đứng trước một căn phòng trắng trống trải. Nó đã trở thành mái nhà của tôi.
Sau rất nhiều năm, tôi đã học được rằng sáng tạo là một công việc toàn thời gian với những mô thức thường nhật của riêng nó. Đó là lý do tại sao các nhà văn, chẳng hạn, thích thiết lập các nền nếp cho chính mình. Những người làm việc năng suất nhất bắt đầu công việc từ sáng sớm, khi không gian yên ắng, chuông điện thoại chưa reo và tâm trí họ đang tĩnh tại, tỉnh táo, chưa bị vẩn đục vì lời ra tiếng vào của mọi người. Có thể họ sẽ đặt cho mình một mục tiêu – viết 1.500 chữ, hoặc ngồi trước bàn làm việc cho tới trưa – nhưng bí mật thực sự nằm ở chỗ họ làm việc đó hằng ngày. Nói cách khác, họ có kỷ luật. Theo thời gian, khi nền nếp thường nhật dần biến thành bản năng thứ hai, kỷ luật cũng thay hình đổi dạng thành thói quen.
Thực tế này đúng với mọi cá nhân hoạt động sáng tạo, dù đó là một họa sĩ bước tới trước giá vẽ vào mỗi sáng, hay một nhà nghiên cứu y khoa đến phòng thí nghiệm hằng ngày. Nền nếp cũng đóng vai trò ngang ngửa như tia chớp cảm hứng lóe lên trong quá trình sáng tạo, thậm chí còn lớn hơn. Và ai cũng có thể tự thiết lập nền nếp.
Sáng tạo không chỉ là đặc sản của riêng các nghệ sĩ. Nó cũng cần thiết với các doanh nhân đang tìm kiếm những phương thức mới để hoàn tất thương vụ; nó là liều thuốc hữu hiệu cho các kỹ sư đang cố gắng giải quyết vấn đề; nó là yếu tố giúp các bậc cha mẹ muốn con cái mình nhìn nhận thế giới theo nhiều phương diện khác nhau. Trong bốn thập kỷ vừa qua, ngày nào tôi cũng bận bịu với một cuộc rượt đuổi sáng tạo đủ hình đủ dạng, trong cả công việc lẫn đời sống cá nhân. Tôi đã trăn trở rất nhiều về vấn đề thế nào là sáng tạo và làm thế nào để sáng tạo hiệu quả. Tôi cũng học được từ những kinh nghiệm đau thương, qua những lần sáng tạo theo cách tồi tệ nhất. Tôi sẽ tiết lộ cho các bạn cả hai điều nói trên. Và tôi sẽ đưa ra bài tập thách thức một số giả định về sáng tạo của bạn – để buộc các bạn cố gắng thêm, mạnh mẽ lên, bền bỉ hơn. Nói cho cùng, bạn luôn tập giãn cơ trước khi chạy bộ, khởi động trước khi tập thể hình, tập luyện trước khi chơi. Các hoạt động trí não cũng tương tự như vậy.
Tôi sẽ nhấn mạnh luận điểm cho rằng khả năng sáng tạo được bồi đắp từ nền nếp và thói quen. Hãy tập làm quen với nó. Trong cuốn sách này, bạn sẽ thấy sự mâu thuẫn mang tính triết học liên tục xuất hiện. Đó là cuộc tranh cãi bất tận, có từ thời kỳ Lãng mạn,1 giữa hai đức tin cho rằng mọi hoạt động sáng tạo đều xuất phát từ (a) một tác động ngẫu nhiên cao siêu, vô phương biện giải của cảm hứng, một nụ hôn Chúa Trời đặt lên trán bạn, cho phép bạn trao tặng Cây sáo thần cho thế giới này, hoặc (b) lao động chăm chỉ.
1 Ý chỉ giai đoạn sau năm 1789, sau khi Cách mạng tư sản Pháp đánh đổ chế độ phong kiến (Mọi chú thích trong tác phẩm đều là của người dịch).
Nếu ý tứ còn chưa đủ rõ ràng, tôi xin nói tôi thiên về hướng lao động chăm chỉ. Đó là lý do tại sao cuốn sách này có tựa đề Thói quen làm nên sáng tạo. Sáng tạo là một thói quen, và sự sáng tạo đỉnh cao là kết quả của những thói quen lao động tích cực. Nói tóm lại là thế.
Bộ phim Amadeus (và vở kịch của Peter Shaffer, nền tảng của bộ phim) đã kịch tính hóa và lãng mạn hóa căn nguyên siêu phàm của các thiên tài sáng tạo. Antonio Salieri, trong vai nhà soạn nhạc tài năng chuyên nghề viết mướn, bị trời đày phải sống cùng thời với Mozart, người có tài năng thiên bẩm cùng tính tình vô tổ chức, luôn sáng tác như thể có bàn tay của Chúa Trời chạm vào. Salieri nhận thức rõ tầm vóc thiên tư của Mozart, và vô cùng đau khổ vì nghĩ Chúa đã chọn một kẻ khốn nạn làm nơi ký thác sức sáng tạo thần thánh của Người.
Mời các bạn đón đọc
Thói Quen Làm Nên Sáng Tạo của tác giả
Twyla Tharp.