DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Thư Gửi Đứa Trẻ Chưa Từng Sinh Ra

Tác giả Oriana Fallaci
Bộ sách
Thể loại Tâm Lý Xã Hội
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook prc pdf epub azw3
Lượt xem 6973
Từ khóa eBook prc pdf epub azw3 full Oriana Fallaci Tiểu Thuyết Tâm Lý Xã Hội Sách Hay Văn học Italia Văn học phương Tây
Nguồn Our Shared eBooks
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra – Quyển sách mà mọi phụ nữ nên đọc.

Chỉ khoảng 150 trang sách mỏng nhẹ nhưng Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra sẽ làm bất kỳ ai xáo động, tất nhiên trước hết là những người phụ nữ. Và cho dù bạn đã làm mẹ hay chưa, quyển sách này sẽ chạm đến tận thẳm sâu tâm hồn bạn, chính là nỗi niềm của các bà mẹ nói chung và của những người từng phải lâm vào tình huống bỏ đứa con đang hoài thai của mình.
 
Nữ tác giả người Ý Oriana Fallaci đã viết nên một quyển sách thật sự khác biệt, vẫn còn nguyên giá trị dù đã ra đời gần 40 năm (tác phẩm xuất bản lần đầu năm 1975) về tình mẫu tử, về việc làm mẹ và chuẩn bị tiếp nhận một sinh linh đến trong cuộc đời.
 
Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra lấy chủ thể là một phụ nữ đang có thai với bạn trai. Tiểu thuyết là những dòng tự sự của người mẹ dành cho đứa con, cảm xúc của cô khi mang thai, những vấn đề cô phải trải qua khi quyết định giữ lại sinh linh mà cha nó không muốn nó tồn tại…
 
Đã có hàng tá quyển sách xúc động các bà mẹ viết cho con mình, ngay từ khi chúng đang còn là một bào thai. Nhưng với Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra, độc giả sẽ “choáng” vì cách người mẹ cho đứa trẻ vẫn chưa thành hình ấy được thấy hết những thực tế của việc tồn tại. Đó là một bức tranh khốc liệt của việc làm người, vượt qua các rào cản của định kiến, của lề thói. Người mẹ không đặt bất cứ kỳ vọng nào lên đứa con tương lai nhưng cô dành sự quan tâm khi nêu ra những thực tế phải đối diện, niềm âu lo kèm theo những hy vọng. Những trang viết thấm đượm suy tư, đầy âu yếm, lúc lại phẫn nộ đến tuyệt vọng, khi thì chất chứa yêu thương.
 
Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra là quyển sách mà bất cứ phụ nữ nào cũng nên đọc, để biết dù ở vai trò nào, tình mẫu tử luôn là vĩ đại. Và với nam giới, cũng cần đọc để hiểu thêm người phụ nữ của mình.
 
***
Nhưng nếu con sinh ra là đàn ông, ta cũng vẫn vui mừng. Có lẽ còn vui mừng hơn, bởi con sẽ thoát được nhiều điều nhục nhã, biết bao phục dịch và bao cảnh lạm dụng. Nếu sinh ra là đàn ông, con sẽ không phải tận dụng khuôn mặt xinh xắn để được chấp nhận ngay từ cái nhìn đầu tiên, hay một thân hình đẹp để che giấu trí thông minh của mình. Con sẽ không phải nghe những phán xét ác nghiệt khi con ngủ với ai đó mà con thích; người ta sẽ không nói với con rằng tội lỗi sinh ra vào ngày con hái trái táo. Con sẽ ít phải đấu tranh hơn…
 
Theo Thế giới văn hóa
***
Oriana Fallaci, sinh ngày 29 tháng Sáu năm 1929 tại Firenze, Oriana Fallaci là nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Italia. Bà sinh ra trong một gia đình chống phát xít và có cha là một thủ lĩnh của phong trào đấu tranh chống Mussolini. Năm 14 tuổi, Oriana Fallaci tham gia Kháng chiến. Chiến tranh thế giới II kết thúc, bà theo học tại Đại học Firenze. Ngay từ rất sớm, Oriana Fallaci đã cảm nhận được bản năng viết lách trong con người mình. Bà từng viết những thứ mà bà gọi là “những truyện ngắn ngây ngô” từ năm 9 tuổi, và đến năm 16 tuổi, bà bắt đầu mở rộng sang chủ đề cảnh sát và bệnh viện.

Oriana Fallaci đặc biệt nổi tiếng với vai trò nhà báo, và được nhà viết tiểu sử Jill M. Duquaine tôn vinh là “nhà báo chính luận xuất sắc nhất thời hiện đại.”

Bà mất ngày 15 tháng 9 năm 2006 tại thành phố quê hương.

Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra được xuất bản lần đầu tiên năm 1975, được coi là “một trong những trang viết đẹp đẽ nhất của phụ nữ về mang thai, nạo phá thai và những dằn vặt nội tâm.”
***
Đêm qua ta biết là con tồn tại: một giọt sống thoát thai từ hư vô. Ta đang nằm, mắt mở to trong đêm tối, và đột nhiên ta biết con ở đó. Con tồn tại. Điều đó giống như một viên đạn xuyên vào ngực ta. Tim ta ngừng đập. Và khi nó điên cuồng đập trở lại trong tiếng đại bác bàng hoàng, ta có cảm giác mình bị quăng vào cái giếng nơi mọi thứ đều không chắc chắn và đáng sợ. Giờ thì ta bị khóa chặt trong nối sợ hãi thấm đẫm khuôn mặt ta, tóc ta, ý nghĩ của ta. Ta lạc lối trong nỗi sợ đó. Con hãy hiểu rằng đó không phải là sợ người khác. Ta chẳng bận tâm đến người khác. Đó không phải là sợ Chúa. Ta không tin vào Chúa. Đó không phải là sợ đau. Ta không hề sợ đau. Ta sợ con, sợ điều đã giật con ra khỏi hư vô để gắn con vào cơ thể ta. Ta chưa bao giờ sẵn sàng chào đón con, mặc dù ta biết con hiện hữu, như thể ta đã chờ đợi con từ lâu. Ta vẫn luôn tự vấn bản thân câu hỏi khủng khiếp: Thế nếu con không muốn được sinh ra? Thế nếu một ngày kia con gào lên trách cứ ta: “Ai bảo mẹ đem con vào thế giới này, tại sao mẹ đưa con đến thế giới này, tại sao?” Cuộc đời là một nỗ lực lớn, con ạ. Đó là cuộc chiến lặp lại hằng ngày, và những giây phút vui vẻ hạnh phúc là những khoảng lặng ngắn ngủi mà vì chúng, người ta phải trả một cái giá tàn khốc. Làm sao ta biết được sẽ là không đúng nếu vứt bỏ con đi? Làm sao ta nói được là con sẽ không thích bị ném trả vào thinh lặng? Con không thể nói với ta: giọt sống của con chỉ là một tổ hợp tế bào vừa chớm bắt đầu. Thậm chí có lẽ còn chưa là sự sống, mới chỉ là khả năng của sự sống. Ấy thế mà ta ước gì con có thể giúp ta, dù chỉ với cái gật đầu, một dấu hiệu thoáng qua. Mẹ ta nói rằng ta đã cho bà một dấu hiệu như thế, và đó là lý do khiến bà mang ta đến thế giới này.

Con biết không, mẹ ta đã không muốn có ta. Ta được hình thành bởi lầm lỗi, từ giây phút bất cẩn của những kẻ khác. Với hy vọng ta sẽ không sinh ra, hằng đêm, bà pha thuốc vào ly nước. Rồi vừa khóc, bà vừa uống hết ly nước. Bà uống thuốc đều đặn cho đến cái đêm ta cựa quậy trong bụng bà, và đá cho bà một cái để bảo đừng có vứt ta đi. Đang đưa ly nước lên môi, bà liền đẩy ra xa rồi hất hết chỗ nước đó đi. Vài tháng sau, ta lăn ra rạng rỡ dưới ánh mặt trời. Ta không biết điều đó là tốt hay dở; khi hạnh phúc ta nghĩ điều đó là tốt, khi bất hạnh ta nghĩ điều đó là dở. Nhưng thậm chí, ngay cả khi cảm thấy khổ sở, ta cũng không hối hận vì đã được sinh ra, bởi không gì tệ hơn việc chẳng-là-gì-cả. Để ta nhắc lại lần nữa: ta không sợ đau. Con người được sinh ra với sự đau đớn; nỗi đau lớn lên cùng ta, và ta quen với nó cũng như quen với việc có hai chân, hai tay. Thực sự ta thậm chí cũng chẳng sợ chết, chết có nghĩa là ít nhất cũng là đã từng được sinh ra, từng được thoát thai từ hư không. Điều ta thực sự sợ hãi, ấy là chẳng-là-gì-cả, không là gì, chưa từng tồn tại, dù là tình cờ, hoặc lầm lỗi, hoặc do sự bất cẩn của những kẻ khác. Rất nhiều phụ nữ tự hỏi tại sao họ phải mang thai đứa trẻ đến thế giới này? Để rồi nó sẽ bị đói khát, để rồi nó sẽ bị giá rét, để rồi nó sẽ bị phản bội và nhục mạ, để rồi nó sẽ bị chết trong chiến tranh hay do bệnh tật? Họ chối bỏ hy vọng rằng sự đói khát của nó sẽ được bù đắp, giá lạnh sẽ được sưởi ấm, rằng lòng trung thành và kính trọng sẽ đồng hành cùng nó trong suốt cuộc đời, rằng nó sẽ cống hiến cuộc đời cho nỗ lực xóa bỏ chiến tranh và bệnh tật. Có thể họ đúng. Nhưng chẳng lẽ phải lựa chọn không-là-gì-cả còn hơn là chịu đau khổ? Thậm chí, ngay cả khi gạt nước mắt vì những thất bại, vỡ mộng, dằn vặt, ta vẫn chắc chắn rằng khổ đau vẫn còn hơn không-là-gì-cả. Và nếu ta áp dụng điều này với sự sống, với nan đề có sinh ra hay không, từng tế bào thần kinh trên cơ thể ta gào lên rằng được sinh ra còn hơn là không được sinh ra. Nhưng liệu ta có thể áp đặt cách biện luận này với con? Chẳng phải điều đó có nghĩa là ta đang đem con đến với thế giới này chỉ vì bản thân ta và không vì ai khác? Ta không quan tâm đến việc đem con đến thế giới này chỉ vì bản thân ta và không vì ai khác. Ta chẳng cần gì con cả.

 

 

 

-- 2 --
 

Con chẳng gửi cho ta hồi đáp nào, con chẳng tỏ dấu hiệu nào. Mà sao con có thể làm được điều đó kia chứ? Mới chỉ quá ít thời gian: nếu ta có hỏi bác sĩ về sự tồn tại của con, ông ta sẽ chỉ mỉm cười. Nhưng ta đã quyết định thay con: con sẽ được sinh ra. Ta quyết định như thế sau khi nhìn thấy con trong bức ảnh. Đó không phải là ảnh con, đương nhiên rồi, mà là hình ảnh phôi thai được ba tuần tuổi, in trên một tạp chí trong bài viết về quá trình hình thành sự sống. Khi nhìn bức ảnh, nỗi sợ trong ta tan biến cũng nhanh như khi nó đến. Con trông như một bông hoa huyền bí, một bông hoa lan trong suốt. Phía trên có thể nhìn thấy một thứ như cái đầu với hai khối tròn rồi sẽ phát triển thành bộ não. Phía dưới đó là một cái hốc sẽ phát triển thành khoang miệng. Lúc con ba tuần tuổi, gần như không thể nhận thấy con – chú thích ghi như thế. Hai mi li mét rưỡi. Tuy vậy, trong con đang lớn dần thứ sẽ thành đôi mắt, một thứ gì đó trông tựa như cột sống, hệ thần kinh, dạ dày, gan, ruột, phổi. Tim con đã hiện hữu và khá to: tính theo tỷ lệ thì lớn hơn tim ta chín lần. Nó bơm máy và đập đều đặn kể từ ngày tuổi thứ mười tám: làm sao ta có thể vứt bỏ con? Với ta, con hình thành do tình cờ hay do sai lầm thì cũng không quan trọng, chẳng phải thế giới chúng ta đang sống cũng khởi đầu do tình cờ, hay có lẽ là từ một sai lầm nào đó sao? Nhiều người bảo rằng ban đầu chẳng có gì cả, tất cả chỉ là một sự bình lặng khủng khiếp, một sự tĩnh lặng vô cùng; thế rồi có ánh lóe sáng, một sự chia tách, và cái chưa từng tồn tại giờ xuất hiện. Sự chia tách ngay sau đó được nối tiếp bằng những chia tách khác: càng lúc càng khó dự đoán, càng lúc càng điên rồ, bất chấp hệ quả… Và trong số những hệ quả đó xuất hiện một tế bào, cũng là vì tình cờ hoặc có lẽ do nhầm lẫn, mà ngay lập tức nó được nhân lên hàng triệu, hàng tỉ lần cho đến khi cây cối, cá, và con người được sinh ra. Con nghĩ có ai cân nhắc nan đề này trước khi có cái lóe sáng kia không? Con nghĩ có ai băn khoăn chuyện tế bào đó có thích hay không? Con nghĩ có ai bận tâm đến sự đói khát, lạnh lẽo, bất hạnh của tế bào đó không? Ta không nghĩ là có. Kể cả nếu có ai đó – ví như một vị Chúa sánh với sự khởi thủy của thuở hồng hoang ban đầu, vượt khỏi không gian và thời gian – thì ông ta cũng sẽ không bận tâm tới cái tốt và cái xấu. Mọi thứ đã xảy ra vì nó có thể xảy ra, cho nên nó đã phải xảy ra, theo một đòi hỏi là sự đòi hỏi duy nhất về tính chính đáng. Và mọi việc diễn ra với con cũng như thế. Ta chịu trách nhiệm về lựa chọn đó.

Ta làm thế không phải vì ích kỷ, con ạ: ta thề là việc đưa con đến thế giới này không hề khiến ta thích thú. Ta không thấy cảnh mình đi trên phố với cái bụng căng phồng, ta không thấy cảnh mình cho con bú, tắm cho con, dạy con tập nói. Ta là một phụ nữ đang đi làm và ta có nhiều ràng buộc khác, nhiều mối quan tâm khác: ta đã nói rồi, ta không cần con. Dẫu vậy, ta vẫn sẽ đồng hành cùng con, dù con có thích hay không. Ta sẽ áp đặt lên con chính những đòi hỏi đã áp đặt lên ta, lên mẹ của ta, bà của ta, cụ của ta, cứ thế cho đến tận sinh linh đầu tiên được một con người sinh ra, dù sinh linh đó có thích hay không. Có lẽ nếu sinh linh đó được phép lựa chọn, nó sẽ kinh hãi mà rằng: không, tôi không muốn được sinh ra. Nhưng chẳng ai hỏi ý kiến nó, thế nên nó được sinh ra, sống rồi chết đi sau khi đã sinh ra một sinh linh khác cũng không được hỏi để lựa chọn, và rồi hết sinh linh này tới sinh linh khác cứ lặp lại y hệt, cứ thế suốt hàng triệu triệu năm cho tới thời đại chúng ta. Và mỗi lần đều có một sự áp đặt mà thiếu nó, chúng ta không thể tồn tại. Hãy dũng cảm lên con! Con nghĩ hạt cây không cần dũng cảm để xuyên thủng mặt đất và đâm chồi ư? Chỉ cần một con gió cũng đủ quật gãy chồi cây, chỉ cần bàn chân của một con chuột nhắt là đủ nghiền nát nó. Nhưng nó vẫn đâm chồi và đứng vững, rồi trưởng thành để phát tán những hạt khác. Và trở thành một phần của cánh rừng. Nếu một ngày nào đó con hét lên: “Tại sao mẹ lại đem con đến thế giới này, tại sao?” Ta sẽ trả lời: “Ta đã làm điều mà những cái cây đã và đang làm, từ hàng triệu triệu năm nay. Ta đã nghĩ đó là điều đúng, nên làm.”
 
Mời các bạn đón đọc Thư Gửi Đứa Trẻ Chưa Từng Sinh Ra của tác giả Oriana Fallaci.

Giá bìa 48.000   

Giá bán

37.000 

Giá bìa 48.000   

Giá bán

37.000