Tiểu Thuyết Anna Karenina (Tiếng Việt) |
|
Tác giả | Lev Nikolayevich Tolstoy |
Bộ sách | |
Thể loại | Sách Nói |
Tình trạng | Sách Nói |
Định dạng | Sách Nói |
Lượt xem | 11602 |
Từ khóa | Audiobook Sách Nói mp3 full Lev Tolstoy 100 Cuốn sách giá trị nhất thế giới Lãng Mạn Sách Hay Tiểu Thuyết Văn học Nga Văn học Phương Tây |
Nguồn | |
Xuất thân trong một gia đình quý tộc nổi tiếng từ xưa tại Nga, nên Lev Tolstoy luôn có ý thức về vấn đề giai cấp. Ông đã để lại một di sản văn học là văn xuôi sử thi với các nhân vật được khắc họa một cách cẩn thận và triết lý đạo đức mang tính cảm nhận mãnh liệt, khiến ông trở thành một tác giả đầy màu sắc và có ảnh hưởng khác thường trong suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, Lev Tolstoy được biết đến với cuốn tiểu thuyết nổi tiếng là “Anna Karenina”. Ông viết Anna Karenina trong thời gian từ năm 1873 đến năm 1877. Cuốn tiểu thuyết gồm 8 phần và mỗi phần có khoảng 30 chương nhỏ. Đặc biệt, cuốn Tiểu thuyết Anna Karenina còn có ảnh hưởng sâu rộng, được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật khác từ điện ảnh, truyền hình, kịch, opera, kịch truyền thanh…
“Anna Karenina” là một thành công lớn của Lev Tolstoy và trở thành một trong những kiệt tác của văn chương hiện thực. Trong Anna Karenina, Lev Tolstoy không chỉ thể hiện sự quan sát sâu sắc về cuộc sống xã hội hiện thực Nga đương thời lúc bấy giờ, mà còn thể hiện một khả năng tinh tế trong việc nắm bắt tâm lý của tâm hồn mỗi con người. Thông qua tác phẩm, nhà văn đã thể hiện được tư tưởng của chính mình về gia đình và sự thấu cảm của ông về vấn đề phụ nữ.
Tác phẩm kể về tầng lớp thượng lưu của nước Nga thế kỷ thứ 19. Tên tác phẩm được lấy cảm hứng từ người con gái của đại thi hào người Nga Pushkin - cô Maria Pushkin. Cuốn sách khắc họa một cuộc sống giàu sang của cô gái tên là Anna Karenina, nhưng vô nghĩa đến hơn nửa đời người.
Mặc dù Anna Karenina là một người yêu sách, cô rất thích đọc tiểu thuyết, cô yêu những cuốn tiểu thuyết như thể cuộc sống của chính cô vậy. Tuy nhiên, cuộc đời của cô đã bước sang một ngã rẽ khác, một ngã rẽ đã chấm dứt những hi vọng đẹp trong tương lai kể từ khi bà cô tham vọng gả cô cho Alexei Karenin, một người đàn ông giàu có và quyền lực. Alexei Karenin lớn hơn nàng nhiều tuổi, là một con người có tâm hồn khô khan, cằn cỗi, khuôn sáo và có lối sống tẻ nhạt.
Đặc biệt, ngài Karenin có lối sống luôn quan tâm đến người khác nói gì và quan sát ánh nhìn của giới thượng lưu nghĩ gì về mình thay vì tự yêu thương và nhìn nhận bản thân: “Sống ở đời đau khổ nhất là nhìn người khác sống và sống để người khác nhìn”. Ngay cả việc kết hôn với Anna Karenina cũng là vì muốn giới thượng lưu nhìn thấy và ngưỡng mộ. Ông nghĩ Anna là người phụ nữ lịch thiệp, tri thức, giỏi quán xuyến mọi việc trong gia đình và có thể làm quen nhiều các quý cô trong giới thượng lưu để giúp ông dễ dàng thăng tiến sau này chứ không phải vì yêu, thậm chí hoàn toàn không có tình yêu. Hôn nhân chỉ là thứ trang trí cho sự đủ đầy của nhà Karenin, là thứ làm đẹp cho dòng họ Karenin trong xã hội Nga đương thời. Vì vậy, sau bao năm chung sống với chồng, nàng Anna không hề có tình yêu với một con người như thế nên nàng đã dồn mọi tình cảm cho đứa con trai.
Nhiều người nghĩ rằng, khi Anna bước chân vào gia đình Karenin sẽ có được cuộc sống của giới thượng lưu, sẽ có được cuộc đời giàu sang hạnh phúc. Nhưng đó không phải cái mà cô muốn. Cô luôn phải làm theo ý chồng, luôn tham gia các buổi khiêu vũ dạ hội nhằm móc nối các mối quan hệ giữa những tầng lớp quý tộc giúp chồng cô. Suốt 8 năm dài đằng đẵng ấy cô chưa từng một lần được làm theo ý mình.
Nhưng rồi, một sự kiện khiến Anna gặp được định mệnh của cuộc đời mình đó là cuộc gặp gỡ tình cờ trên chuyến xe lửa. Tình yêu đích thực đó là chàng sĩ quan quân đội Vronsky - Đại úy Vronsky, một người quả cảm, gan dạ, yêu sự tự do bởi anh “sinh ra là người Digan và sẽ chết như người Digan”. Sự xuất hiện của Vronsky cùng với tình cảm nồng nhiệt của chàng đã đánh thức những khát khao yêu đương trong Anna. Ban đầu, nàng cố gắng đấu tranh, song cuối cùng nàng không kháng cự nổi và đã lao vào cuộc tình với Vrosky. Cuộc tình vụng trộm đó không giấu được lâu nhưng thật bất ngờ chồng Anna biết nhưng không ghen tuông mà còn lo lắng cho danh dự và tiếng tăm của ông ta lẫn Anna. Nàng có thai với Vronsky. Karenin đã cao thượng tha thứ cho nàng, chăm sóc nàng cùng đứa bé gái mới sinh khiến Anna cảm động ăn năn và Vronsky thì thấy nhục nhã định tự tử nhưng không chết. Tuy nhiên, sự cao thượng của Karenin chỉ tách Anna ra khỏi Vronsky trong thời gian ngắn mà không dập tắt nổi ngọn lửa tình yêu giữa hai người. Họ không thể sống thiếu nhau, Anna quyết định bỏ nhà, chia tay với đứa con trai mà nàng yêu quý, để cùng Vronsky và đứa con gái nhỏ ra nước ngoài.
Hạnh phúc của Anna và Vronsky thật không dễ dàng, nó phải đổi bằng những hy sinh. Vronsky phải từ bỏ con đường danh vọng, Anna phải rời xa đứa con trai mà nàng rất yêu quý và luôn nhớ thương con, nỗi nhớ ấy luôn ám ảnh và dằn vặt nàng và chịu những lời chê trách gièm pha. Họ cũng không thể sống mãi ở nước ngoài nên một thời gian sau họ trở về Nga. Vronsky dù yêu Anna, song cũng đã mệt mỏi vì cuộc sống không chính thức của hai người, trong khi đó Anna vẫn không giải quyết được việc ly hôn với chồng vì vướng bận chuyện con trai. Karenin không cho nàng nhận con nếu ly hôn, bởi vậy nàng không thể hợp thức hóa cuộc sống lứa đôi với Vronsky. Những khó khăn đó cộng với sức ép của dư luận, của những người quen thuộc xung quanh làm cho quan hệ tình cảm giữa hai người càng trở nên căng thẳng. Vronsky bực bội, mệt mỏi, còn Anna thì đau khổ ghen tuông, nghi ngờ về tình yêu của chàng dành cho mình. Sau một lần xích mích, Vronsky bỏ về nhà mẹ. Anna đau khổ với những ý nghĩ bi quan, tuyệt vọng vì nghĩ Vronsky đã hết yêu mình. Nàng định đi tìm chàng, nhưng lúc đến nhà ga, Anna chợt nhớ đến cái chết của người công nhân xe lửa và nàng đã quyết định bắt Vronsky phải hối hận nên đã giải thoát cho mình bằng cách lao đầu vào xe lửa. Sau khi Anna chết, Vronsky vô cùng đau khổ.
Cái chết của Anna như giáng một đòn mạnh mẽ vào tư tưởng già cỗi của nước Nga thời bấy giờ, và chứng minh việc cướp đoạt sự tự do của một người là việc làm sai trái. Dẫu rằng Anna có lỗi, điều này thì không thể phủ nhận. Nhưng trên tất cả, nàng là một phụ nữ bất hạnh. Sau cái chết đó, Vronsky xin gia nhập vào quân đội tình nguyện giúp người Serbia trong cuộc chiến tranh chống Thổ Nhĩ Kỳ.
Như Lev Tolstoy đã viết: “Mọi gia đình sung sướng đều sung sướng giống nhau, còn mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo một cách riêng của mình”. Có lẽ, chính điều đó đã tạo nên một Lev Tolstoy khác biệt và trở thành đại văn hào thành công nhất nước Nga với những trang viết hiện thực và chất chứa nhiều tình cảm. Hơn hết, tác phẩm đã vượt qua bao cuốn sách để đạt được danh hiệu đứng đầu trong các tác phẩm lớn nhất mọi thời đại, bởi một tư tưởng lớn làm thay đổi nhận thức của xã hội về tự do đương thời.
Hương Giang (tổng hợp)