DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Trang Phục Việt Nam

Tác giả Đoàn Thị Tình
Bộ sách
Thể loại Mỹ Thuật
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 3492
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Đoàn Thị Tình Mỹ Thuật Văn Hoá Trang Phục Tham Khảo Văn học Việt nam Văn học phương Đông
Nguồn e-thuvien.com
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Trong bối cảnh của công cuộc đổi mới đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, mỹ thuật tự nó đã phân chia thành nhiều lĩnh vực chuyên sâu, nhất là đối với ngành nghệ thuật trang trí - ứng dụng đang trên đà phát triển cực kỳ mạnh mẽ.

Một hoạt động thực tiễn quá năng động có thể sẽ kém hiệu quả nếu như khoảng cách giữa thực tiễn và nhận thức lý luận là quá xa nhau, thậm chí hoạt động thực tiễn có thể bị mất phương hướng hoặc đi trệch. Nghệ thuật trang trí - ứng dụng nói chung và nghệ thuật trang phục nói riêng chắc chắn không nằm ngoài qui luật đó.

Những vấn đề về trang phục - từ truyền thống đến hiện đại - là những vấn đề của văn hóa, của mô hình thẩm mỹ, của sáng tạo và khoa học thích nghi, lại càng khó hơn khi nghiên cứu trang phục với tư cách của một phạm trù lịch sử.

Trên thực tế đã có một số công trình nghiên cứu về trang phục Việt Nam. Tuy nhiên, công phu sưu tập tư liệu, đặc biệt là tư liệu hình ảnh, khả năng mô tả và phân tích hệ thống khá thuyết phục của tác giả Đoàn Thị Tình thể hiện trong cuốn Trang phục Việt Nam / Dân tộc Việt - chính là lý do để Nhà xuất bản Mỹ thuật lựa chọn công trình nghiên cứu này.

Tác giả - họa sĩ, nghệ sĩ ưu tú, tiến sĩ nghệ thuật học Đoàn Thị Tình là người đã từng tham gia thiết kế trang phục cho các bộ phim: Số đỏ, Điện Biên Phủ, Thời xa vắng…; các vở sân khấu:Trắng hoa mai, Đào Tấn chém Bồi Ba, Bầu trời mặt đất, Giấc mộng đêm hè, Vua Lia, Trăng soi sân nhỏ…, và hiện đang giảng dạy về trang phục tại các trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Viện Đại học Mở…

Nhà xuất bản Mỹ thuật xin trân trọng giới thiệu cuốn Trang phục Việt Nam / Dân tộc Việt cùng giới chuyên môn và đông đảo bạn đọc.

NHÀ XUẤT BẢN MỸ THUẬT

***

LỜI TÁC GIẢ

 

Dân tộc Việt Nam đã có hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước oanh liệt với một nền văn hóa phong phú, độc đáo, lâu đời. Nền văn hóa ấy được tìm hiểu và giới thiệu về nhiều mặt, nhưng vẫn còn những đối tượng chưa được tổng hợp thành những chuyên đề nghiên cứu. Chúng tôi muốn đề cập đến một khía cạnh văn hóa của dân tộc còn ít được quan tâm, tuy rằng đối tượng này không kém phần quan trọng: vấn đề trang phục.

Hơn nhau tấm áo manh quần,

Thả ra bóc trần ai cũng như ai.

(Ca dao Việt Nam)

Bằng “con mắt trang phục” thì bên cạnh nội dung khẳng định con người là bình đẳng, còn là vấn đề về giá trị văn hóa, xã hội của “cái áo, cái quần”. Trong xã hội cũ, vì “cái áo, cái quần” mà biết bao con người lao động đã phải đau khổ lên riêng:

Cha đời cái áo rách này,

Mất chúng mất bạn vì mày áo ơi.

(Ca dao Việt Nam)

Lịch sử đã chứng minh: với ý nghĩa sâu sắc về mặt văn hóa, xã hội, về xu hướng thẩm mỹ của từng dân tộc, của từng con người, trang phục còn là biểu hiện của tinh thần dân tộc. Không phải vô ý thức mà quân xâm lược nhà Minh (thế kỷ XV), nhà Thanh (thế kỷ XVIII) lại kiên trì chủ trương, đồng thời dùng cả vũ lực tàn bạo bắt nhân dân ta phải ăn mặc theo kiểu phương Bắc. Cũng không phải ngẫu nhiên vua Lý Thái Tông (1040) dạy cung nữ dệt gấm vóc để dùng, không dùng gấm vóc của nhà Tống nữa. Quân dân thời Trần có cả một phong trào xăm hai chữ “Sát Thát” vào cánh tay; vua Quang Trung tuyên bố đanh thép trong lời dụ tướng sĩ trước những trận chiến đấu có tính quyết định đánh tan quân Thanh xâm lược, giải phóng thành Thăng Long, giải phóng đất nước:

Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để đen răng…

Phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân chỉ có thể biến đổi dần dần khi nhân dân tự nguyện thấy cần phải biến đổi.

Năm 1828, vua Minh Mạng dùng quyền uy ra lệnh cấm phụ nữ miền Bắc mặc váy, ông đã được tặng ngay một câu ca dao châm biếm sâu cay:

Tháng tám có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng!

Không đi thì chợ không đông,

Đi thì phải lột quần chồng sao đang

Có quần ra quán bán hàng

Không quần ra đứng đầu làng xem quan?

(Ca dao Việt Nam)

Mỗi dân tộc có một quá trình phát triển trang phục xuất phát từ những đặc điểm lịch sử, địa lý, kinh tế, phong tục, tập quán… Một nước càng bao gồm nhiều thành phần dân tộc, thì hình thức trang phục càng phong phú, đa dạng.

Trên thế giới đã có những công trình nghiên cứu, giới thiệu một cách có hệ thống trang phục dân tộc, qua đó làm cho nhân dân hiểu biết và tự hào thêm về di sản văn hóa truyền thống, cũng là để nâng cao thêm lòng yêu nước, yêu dân tộc, đồng thời để giới thiệu với các nước khác, góp phần làm rạng rỡ hơn nền văn hóa riêng của từng dân tộc, từng nước.

Công việc này có thể thuận lợi hoặc khó khăn tùy theo hoàn cảnh của từng nước. Nhưng rõ ràng là nếu không có việc làm đó, sẽ hạn chế tác dụng giáo dục, sẽ mất nhiều thì giờ cho việc tìm hiểu đời sống dân tộc xưa cũng như ngày nay về ăn mặc, trang điểm. Và ngay đối với người cùng trong một nước, nếu không có việc làm đó, dân tộc này không thể dễ đàng nắm biết và cảm thụ được cái hay cái đẹp trong trang phục truyền thống của các dân tộc anh em khác.

Gần đây ở nước ta, trên sân khấu, điện ảnh… vẫn thấy xuất hiện nhiều hình tượng nhân vật từ hàng nghìn năm trước (như Bà Trưng, Bà Triệu), nhưng cách ăn mặc lại rất “hiện đại”. Hoặc có những điệu múa dân gian khi trình diễn lại mang trang phục quá xa lạ với thẩm mỹ trang phục truyền thống, làm giảm không ít hiệu quả nghệ thuật. Do đó, đối với các ngành văn học nghệ thuật (đặc biệt là mỹ thuật sân khấu, điện ảnh hoặc hội họa, điêu khắc, múa…) được cung cấp những tư liệu về trang phục Việt Nam từ xưa đến nay là điều cần thiết. Ngoài ra, tư liệu về trang phục Việt Nam còn giúp ích phần nào cho việc nghiên cứu các môn khoa học xã hội khác…

Với nguồn tư liệu nhất định, chúng tôi biên soạn, hệ thống hóa và bước đầu giới thiệu với bạn đọc một số vấn đề về trang phục dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Việc làm này gặp nhiều khó khăn: trước hết là tình trạng hiếm hoi của tư liệu thành văn… Nếu có được ít nhiều từ thời phong kiến thì đều không hoàn chỉnh. Ví dụ, có cuốn sách chỉ ghi tên một loại mũ hoặc chỉ nhắc đến màu sắc một kiểu áo nào đó, ngoài ra không dẫn giải gì hơn. Đặc biệt là không có hình vẽ trang phục trong các thư tịch cổ. Những hiện vật bằng đá, đồng, gỗ… còn lại, xem ra có thể qua đó nghiên cứu được phần nào, nhưng cũng không được bao nhiêu, và trên thực tế không hoàn toàn là cơ sở tin cậy, vì đây thường là những tác phẩm nghệ thuật đã được cách điệu hóa.

Đối với trang phục cổ, chúng tôi chỉ có thể giới thiệu bằng cách “sao chép” chân thực dựa trên tài liệu, hiện vật đã có hoặc cộng với sự cố gắng suy đoán tối đa, nhưng chắc chắn còn những hạn chế nhất định.

Sách “Trang phục Việt Nam” (dân tộc Việt) giới thiệu trang phục của dân tộc Việt từ xưa đến nay và trang phục của một số tổ chức chung (như quân đội, tôn giáo…) trong xã hội Việt Nam hiện đại.

Chúng tôi coi đây chỉ là những sưu tập bước đầu, rất mong có sự nhiệt tình đóng góp thêm của nhiều người, nhiều tập thể, để tương lai chúng ta có được một cuốn “Trang phục Việt Nam” phong phú và hoàn chỉnh.

Xin chân thành cảm ơn các cơ quan, đoàn thể, tôn giáo…, các nhà nghiên cứu, giáo sư Diệp Đình Hoa, các nhà hoạt động nghệ thuật, các cán bộ và đồng bào đã giúp đỡ chúng tôi biên soạn cuốn sách này.

 

TÁC GIẢ

Mời các bạn đón đọc Trang Phục Việt Nam của tác giả Đoàn Thị Tình.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000