Kẻ báo thù (Nemesis) lôi người đọc vào thế giới có quy mô nhỏ hơn, song lại có phần lắt léo kịch tính hơn nhiều so với cuốn Chim cổ đỏ trước đó.
“Trả thù là món ăn ngon nhất khi đã nguội”
(Thành ngữ)
Mở đầu truyện, Harry Hole – tay thanh tra cảnh sát bụi bặm và bù bựa (“Ở Sở Cảnh sát này hầu như ai cũng biết Harry có tật uống rượu. Uống rượu không phải là căn cứ để sa thải một công chức nhà nước, nhưng say rượu trong giờ làm thì có.”) chứng kiến một vụ cướp ngân hàng kỳ lạ: chỉ có một tên cướp duy nhất, và hắn giết cô thu ngân vì quá trình mở két kéo dài hơn so với yêu cầu (31 giây thay vì 25 giây).
Tác phẩm Kẻ báo thù của Jo Nesbø. |
Đâu đó giữa những lắt léo và nút thắt nút mở của mạch truyện, người ta dễ dàng nhìn thấy một sự kiện từng xảy ra trước đó trong cuốn Chim cổ đỏ, nơi đối tác và bạn thân Ellen Gjelten bị đánh chết bằng một cây gậy bóng chày “trên một con đường mòn ven sông Akerselva,” trong một vụ án mà theo Harry, chưa từng có câu trả lời thỏa đáng. Nỗi đau này càng bị đẩy lên cao trào khi thanh tra Tom Waaler, tay kỳ đà cản mũi xấu tính phát bực, bắn chết một nghi phạm trong một vụ chạm súng – hay chính xác hơn, “hình như Olsen đã bắn Waaler và anh ta đã bắn trả để tự vệ rồi giết chết hắn. Theo báo cáo của Waaler là vậy.”
Như ai đó từng nói, nếu có một điều có thể chắc chắn về lịch sử, đó là việc nó luôn lập lại. Giờ đây, Harry đã có một cộng sự mới: Beate Lønn, cô gái có “cái gì cũng nhỏ: mặt, mũi, tai – và thân hình,” người mà ngay từ giây phút đầu tiên gặp gỡ Harry đã để lại cho anh ấn tượng “về một xác chết mà Ellen và anh đã vớt từ dưới hồ Bunnefjord lên.”
Như mọi tiểu thuyết trinh thám, khi đối mặt với bế tắc, mà lại là thứ bế tắc trực diện không khoan nhượng ngay đầu chuỗi sự kiện của vụ cướp (“Không một dấu vân tay. Không một cọng tóc. Thậm chí không một sợi vải…”), Harry Hole sẽ cần đến một trợ thủ. Và lần này, “Robin” của ông là Beate Lønn, con gái của một sĩ quan cảnh sát từng mất mạng vào tay một tên cướp ngân hàng, người sở hữu trí nhớ đặc biệt, khi cô có thể nhớ gương mặt của bất cứ ai, hay chính xác hơn – bất cứ chi tiết nhỏ nào cô từng quan sát, chẳng hạn như “lông ở đốt ngón tay” như trong một vụ án “xảy ra trước khi cô vào trường.”
Đang mắc kẹt vụ án này, Harry Hole dẫm vào một mớ tơ vò khác: Anh ghé thăm nhà Anna Bethsen, một người tình cũ kiêm nữ họa sĩ đang định tổ chức triển lãm tranh mang tên Nemesis (Ngoài nghĩa “báo thù” cổ điển, khái niệm này còn có nghĩa là “kẻ tử thù”). Ngày hôm sau, cô được phát hiện đã chết, còn Harry Hole thì không nhớ chút gì về những gì (nếu có) đã xảy ra.
Như một mô típ quen thuộc của những câu chuyện ly kỳ trinh thám, Harry Hole, dẫu bất đắc dĩ, phải chạy đua với thời gian để làm một lúc ba việc: thanh minh cho sự trong sạch của chính mình trước ánh mắt diều hâu của Tom Waaler (tay thanh tra khó chịu từng xuất hiện trong Chim cổ đỏ), tìm ra ai – hay cái gì – đã giết hại người tình cũ của anh, dẫu Anna càng lúc càng hiện lên như một típ “đàn bà yêu mị – femme fatale” theo mạch đọc của bạn, và cuối cùng: ai đã gây ra vụ giết người, cướp của động trời giữa Oslo “ban ngày ban mặt, cách đồn cảnh sát chỉ vài trăm mét?”
Hành trình báo thù luôn là hành trình cô liêu của những kẻ độc hành. Trên con đường đó, Jo Nesbø rất “hào phóng” trong việc đặt ra nhiều (thật sự là quá nhiều) tình tiết, manh mối, chỉ dấu, “nút thắt nút mở” và đương nhiên, cả rượu whisky. Dẫu dày đặc, tất cả những “đồ chơi” này vẫn chỉ là khúc mở màn của hàng loạt ngã rẽ khác trong tác phẩm sau đó của nhà văn: The Devil’s Star (Quỷ tinh).
Nếu không quá rối trí đến mức bỏ cuộc trước khi kết thúc, Kẻ báo thù là một hành trình đáng để ta theo dõi đến trang cuối, đặc biệt nếu đã đọc hết các trước tác của Steig Larsson. Suy cho cùng, chỉ riêng cú tương phản mạnh mẽ giữa cảnh đềm êm tĩnh lặng của vùng Scandinavi với những câu chuyện trinh thám phong phú của văn chương hiện đại khu vực, bản thân nó đã là món quà cho những ai đọc và thích đọc thể loại này.