Từ Đồng Quan đến Điện Biên
là cuốn hồi ức của Đại tướng Lê Trọng tấn, được đại tá Đỗ Thân thể hiện. Nội dung cuốn sách viết về đoạn đường hoạt động và chiến đấu của đồng chí Lê Trọng Tấn đã tham gia, từ trận Đồng Quan trong những ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước (8-1945), đến trận Điện Biên Phủ - trận đánh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).
Năm 1985, bản thảo cuốn hồi ức được viết xong. Đồng chí Đại Tướng Lê Trọng Tấn dự định sẽ tiến hành sửa chữa, nâng cao thêm. Nhưng rất tiếc dự định đó chưa kịp thực hiện thì đồng chí qua đời.
Để những dòng tâm huyết của một người suốt đời phấn đấu vì lí tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân, quân đội ta đến với bạn đọc, đại tá Cao Hùng, đại tá Nguyễn Viết Nhâm, đại tá Thanh Phong, Thiếu tướng Trần Duy Hạnh cùng một số đồng chí từng theo dõi bản thảo từ khi khởi thảo đến lúc viết xong đã đóng góp nhiều công sức chỉnh lí bản tháo như ý kiến của đồng chí Lê Trọng Tấn trước đây. Tuy còn một số hạn chế, nhưng cuốn hồi ức đã ghi lại được nhiều kí sức và tư liệu quý, góp phần làm sáng tỏ thêm truyền thống cách mạng, truyền thống chiến đấu anh hùng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân một lần nữa xin chân thành cám ơn các đồng chí, các bạn và gia đình đồng chí Lê Trọng tấn đã giúp cho cuốn sách được xuất bản.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn hồi ức Từ Đồng Quan đến Điện Biên, tác phẩm cuối cùng mà đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn đã để lại cho chúng ta trước lúc qua đời.
NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
LỜI GIỚI THIỆU CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Là một thanh niên sớm giác ngộ, đi theo Đảng từ Cách mạng tháng Tám, đồng chí Lê Trọng tấn không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành trong khói lửa kháng chiến trên khắp các chiến trường miền Bắc, miền Nam Việt Nam, kể cả trên các chiến trường nước bạn; từ một cán bộ đội tự vệ đến trung đoàn trưởng, đại đoàn trưởng, Phó tư lệnh miền Nam và Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Lê Trọng tấn là một cán bộ chỉ huy dũng cảm và sáng tạo mưu lược và quyết đoán, một người đồng chí trung thành và cương trực, rất mực thương yêu đồng đội, tình nghĩa thủy chung, được nhân dân và quân đội yêu mến và tin cậy. Chiến công và thành tích của đồng chí đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Cuốn hồi ức “Từ Đồng Quan đến Điện Biên” tuy còn một số hạn chế, nhưng cũng ghi được nhiều kí ức và tư liệu, nói lên một phần cống hiến của đồng chí trong quá trình chỉ huy, lãnh đạo bộ đội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Với tình cảm sâu sắc đối với đồng chí Lê Trọng Tấn, người cán bộ quân sự xuất sắc, người bạn chiến đấu rất thân thiết, tôi xin giới thiệu với bạn đọc cuốn hồi ức của đồng chí.
***
Sau cuộc đảo chính lật Pháp tháng 3 năm 1945, Nhật nắm được toàn bộ mạng lưới mật thám của Pháp ở Hà Nội, đã ra tay khủng bố phong trào Việt Minh. Tổ chúng tôi có người đã bị bắt. Chúng tôi được lệnh dời “cơ quan ấn loát” (hai viên đá li-tô) sang một địa điểm khác. Tôi được lệnh về Hà Đông tiếp tục nhận công tác mới.
Từ rặng ổi Vĩnh Tuy, tôi đạp xe đến Ngã Tư Vọng vào lúc trời chưa sáng. Phía sau, Hà Nội vẫn chìm trong giấc ngủ nặng nề. Phía trước là bót cảnh sát ngã Tư Vong. Tôi xuống xe quan sát, không thấy những chiếc xe đạp dựng trước cửa như thường lệ. Như vậy là bọn cảnh sát đi tuần đêm chưa về. Cũng không thấy viên cảnh sát râu ngạnh trê trong khung cửa. Tôi liếc nhìn xuống khoeo chân phải, nơi buộc khẩu súng Bờ-rao-ninh. Ống quần hơi cộm một chút, phải để ý lắm mới thấy. Thế là tôi yên tâm lấy đà đạp qua bốt cảnh sát Vọng. Với cái sơ mi làu tàu, cái quần xanh Thượng Hải, tôi như một anh thư kí “cà khổ” trong dòng người, dòng xe từ thành phố đi ra.
Hồi đó ở Ô Cầu Dền trở ra vẫn còn là ruộng lúa. Từ mờ sớm tinh mơ, những tốp xe tay chở rau, đậu, gà, vịt, trừng từ các làng ven đô vào thành phố. Đi ra là những chiếc xe bò, xe ba gác chở xác những người chết đói về phía làng Giáp Bát để chôn.
Trước thế thua hiển nhiên và đứng trước phong trào cách mạng đang sôi sục, phát xít Nhật câu kết với thực dân Pháp, dùng lương thực như một thứ vũ khí giết người hàng loạt làm cho nhân dân, cho cách mạng Việt Nam tàn lụi. Chính trong tình hình kinh tế và xã hội cực kì nghiêm trọng đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ và tài năng tổ chức tuyệt vời, đã phát động một cao trào cách mạng từ rừng núi, nông thôn đến thành thị trên phạm vi cả nước.
Rời đường số 1, tôi đạp xe dọc theo đê sông Đáy về Ứng Hòa. Lúa chiêm năm đó tốt lạ thường. Sau lũy tre xơ xác, những bóng người xám ngăt, thất thểu, nhìn ra cánh đồng nắng chói chang, ước ao cố sống cho đến ngày lúa chín. Đồng bào ta ăn cám, ăn củ chuối, quả sung, rau má, ăn cả khô dầu, diếp dại để kéo dài sự sống. Tôi vừa đạp xe qua một điếm canh đê thì có một tiếng quát giật giọng: “Xuống xe! Giơ tay lên!”. Tôi chưa kịp phanh xe đã nghe thấy tiếng bước chân chạy uỳnh uỵch ở sau lưng. Lố nhố những tay thước, gậy, tầy, mã tấu. Tôi đoán ngay bọn tuần vũ dũng. Lúc này, trong mình tôi không mang một thứ giấy tờ gì. Đến cái thẻ thuế thân cũng không có nốt. Tôi đàng hoàng xuống xe, nhìn những người vừa chạy từ trong điếm ra. Họ có mấy người, phần lớn còn trẻ. Họ không mang tù và, không mang dây trói, những thứ bọn tuần vũ dũng thường dùng. Một anh hỏi tôi:
- Anh ở đâu? Có súng bỏ ra?
Không quát tháo, không hỏi thẻ thì chắc không phải là bọn tuần vũ dũng. Nếu là tuần vũ dùng thì câu đầu tiên phải là; “Thẻ đâu đưa đây!". Hay là bọn thanh niên Đại Việt (một tổ chức thanh niên do Nhật lập ra)? Tôi nhìn quần áo anh em mặc. Một cái quần nâu đã vá nhiều chỗ. Một cái áo ta cũng thủng lỗ chỗ. Có thể đây là đội viên của đội tự vệ cứu quốc của Việt Minh. Nếu là bọn thanh niên Đại Việt thì cách ăn mặc phải khác. Đồng phục ka-ki, đầu húi cua, đi đờ-mi ghệt. Tôi toan cười để làm quen với anh thanh niên ốm nhách, đứng chỉ quá vai mình. Nhưng cậu ta mặt lạnh như tiền thọc luôn vào bụng tôi. Những anh em khác vây lấy tôi, tay lăm lăm cây gậy. Tôi nín thở liếc nhìn khoeo chân, nơi giấu khẩu súng ngắn và nhìn vào mắt từng người. Tôi chuẩn bị một thế võ thoát hiểm nếu họ khám phá cả phần chi dưới. Khám không thấy súng, anh ta hỏi tôi giọng dịu dần:
- Anh về đâu?
- Tôi về Quảng Uyên bốc mộ cho ông cụ!
- Anh có giấy tờ gì không?
- Có, nhưng Nhật lấy hết rồi.
Tôi rút bao thuốc lá Mê-li-a mời mỗi anh một điếu. Lúc đó anh ta mới cười: “Cứ tưởng anh ta là mật thám Nhật”. Tôi đoán đúng. Anh em là tự vệ cứu quốc. Chỉ có mới hơn một tháng tôi không về Quảng Uyên mà phong trào Việt Minh huyện Ứng Hòa đã chuyên lên cao trào. Một tháng trước, mỗi khi đi qua các điếm canh, tôi phải tìm đường vòng. Hôm nay trên đường đi không những không có bọn tuần vũ dũng lộng hành, bọn thanh niên Đại Việt ngang ngược, mà lại có những đội tự vệ chiến đấu công khai canh gác trên các điếm canh không cho bọn mật thám thâm nhập vào vùng căn cứ.
...