Gần 5 năm từ 1978 đến 1983 được gói gọn lại trong 300 trang sách chia thành 120 đoản khúc mô tả sự thực đã xảy ra ở chiến trường Tây Nam, một sự thật trần trụi “Nó không chỉ có anh dũng lao lên mà đó còn là cuộc sống hiện tại của người lính chiến vào những năm đầu những năm 1980”.
Chuyện lính Tây Nam cho thấy sự khốc liệt, nghiệt ngã tới mức như trò đùa của chiến tranh. Sự sống và cái chết quá mong manh. Cái chết rình rập, bám theo từng bước chân người lính, ẩn nấp trong từng gốc cây, ngọn cỏ. Nhiều khi không chết bởi họng súng địch bên kia chiến hào, mà chết dần chết mòn bởi ma thiêng nước độc, với những hầm chông, bãi mìn câm lặng. Nhưng trong khói lửa chiến tranh chết chóc, dưới ngòi bút của một tay bút nghiệp dư, một người “không phải là nhà văn nhà báo” từng tham gia quân ngũ 40 năm trước, thiên nhiên đất nước Chùa Tháp vẫn hiện lên với vẻ đẹp vừa hoang sơ quyến rũ, vừa bí ẩn hiểm độ.
Lâu rồi trong lịch sử xuất bản Việt Nam mới có một cuốn sách là hồi ức về lính, đặc lính được xuất bản và nhận được nhiều phản hồi, dư luận tích cực của bạn đọc như Chuyện lính Tây Nam của Trung Sỹ.
Tác giả tên thật là Xuân Tùng, nguyên trung sỹ thông tin, phục vụ tại Tiểu đoàn bộ binh 4 Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 trong thời gian chiến tranh biên giới Tây Nam 1978 - 1983.
Một anh lính Hà Nội hào hoa ra đi vào năm 18 tuổi. Cái tuổi “vừa biết yêu” ấy đã được trận mạc dạy cho nhiều thứ từ phục kích, bắn lén, càn quét… cho đến đói khổ, buồn đau, trưởng thành.
***
TÔI LÀ MỘT NGƯỜI LÍNH BỘ BINH, đã tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đánh đổ chính phủ diệt chủng Kh’mer Đỏ từ năm 1978 đến năm 1983.
Sau hơn bốn năm rưỡi dọc dài các nẻo chiến trường đất nước Chùa Tháp, tôi trở về bước lên bậc thềm nhà đúng chiều 23 Tết Quý Hợi 1983. Bốn năm đầy hy sinh gian khổ, với rất nhiều bạn bè đồng đội tôi đã không trở về. Cuộc sống làm ăn xô cuốn, nhưng những gương mặt thân quen ấy nhiều đêm trở lại. Tên các anh em vẫn luôn được nhắc trong những ngày kỷ niệm, trong hàn huyên lính cũ bên cốc bia hơi vỉa hè hàng phố. Chính họ đã nhắc tôi kể lại câu chuyện Tây Nam này, dù tôi không phải nhà văn, nhà báo. Tên tuổi các anh em tôi giữ nguyên không đổi, như là họ vẫn còn sống trên đời.
Cũng bởi ngại ngần chưa dám nhờ ai, nên tôi tự mình viết luôn lời tựa cho cuốn sách này, như một người lính được lệnh bước lên dưới quân kỳ, tự giới thiệu mình trước mặt hàng quân.
Ba mươi sáu phố phường yêu dấu ta ơi
Mỗi một người đi hồn nhói tên một phố
Gió chôn vội mắt đêm nhiều ô cửa
Sáng nay mưa buồn lòng còn mỗi ngoại ô.
Hà Nội, mùa hè năm 2017
Mời các bạn đón đọc
Chuyện Lính Tây Nam của tác giả
Trung Sỹ.