DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Tóm tắt & Review (Đánh Giá) Tập truyện ngắn Tùng Bưởi Hồng của tác giả Thích Nhất Hạnh.

Sau khi thỉnh được 107 tiếng đại hồng chung, chú Tâm Thể dùng cán vồ chuông khẽ điểm hai tiếng “keng keng” trên lưng chuông để báo hiệu cho sư huynh là Tâm Hiền rằng chỉ còn một tiếng đại hồng chung cuối cùng nữa là chuông “nhập”, và buổi công phu sáng bắt đầu. Đợi cho tiếng chuông thứ 107 ngân hết, chú mới thỉnh đến tiếng chuông thứ 108.

Từ góc thiền đường chùa Pháp Vân đã có tiếng bảng của chú Tâm Hiền. Chú Tâm Thể đáp lại ba tiếng bảng đầu bằng ba tiếng đại hồng chung và buông vồ xuống, trong khi ba hồi bảng của chú Tâm Hiền kéo dài. Đại chúng đã sẵn sàng trên chính điện để bắt đầu công phu sáng.

Chú Tâm Thể khoác chiếc áo tơi lên vai cho ấm rồi xuống thang lầu chuông, mở cửa đi ra ngoài. Sương mù còn dày đặc. Chú rảo bước về phía tam quan chùa, nơi vị khách tăng tá túc.

Vị khách tăng này tới chiều hôm qua nhưng không vào chùa, chỉ xin nghỉ chân lại ngoài tam quan. Chú Tâm Thể đã mời ông ta vào nghỉ ở hậu liêu nhưng ông từ chối. Ông ta chỉ xin chú một manh chiếu để ngủ lại ngoài tam quan, nói rằng sáng sớm khi sương mù ta, ông ta đã phải lên đường sớm. Chiếc áo nâu bạc màu của khách tăng dính đầy bụi đường. Tóc râu dài ra nhưng ông không cạo; mặt mũi tay chân ông đầy cáu ghét, và từ người ông bay ra một mùi tanh hôi nồng nặc. Chú Tâm Thể đã vào chùa bưng ra một chậu nước và một chiếc khăn tay. Rồi chú lại vào đem ra một chiếc chiếu trải trên nền tam quan. Đợi vị khách tăng rửa mặt rửa tay xong, chú bưng chậu nước vào, và một lát sau chú bưng ra một chiếc mâm gỗ, trên mâm có một bát cháo trắng, một ít dưa cải, một chén nước tương và một đôi đũa. Vị khách tăng cám ơn chú và thong thả ngồi ăn cháo. Chú chắp tay chào ông và khoan thai trở vào chùa. Độ một giờ sau, khi trở ra tam quan, chú thấy vị khách tăng đã nằm cuộn tròn trong chiếc chiếu ngủ. Chú cúi xuống bưng chiếc khay lên và nhẹ nhàng đi vào nhà bếp.

Sáng nay ra tới tam quan, chú thấy vị khách tăng đang yên lặng ngồi thiền. Ông không ngồi theo kiểu kiết già; chân phải của ông co gối lên, bàn chân đặt trên mặt đất. Mình mẩy vị khách tăng hôi hám nhưng phong thái của ông thật thanh cao. Tuổi của ông vào khoảng bốn mươi lăm, năm mươi. Nét mặt của ông sáng sủa, khả kính; tóc râu ông dài ra, có lẽ đã nhiều tháng chưa cạo. “Đây là một du tăng hành tung bí mật”, chú Tâm Thể thầm nghĩ. Có lẽ ông ta không muốn làm phiền đại chúng chư tăng vì hình thức không chỉnh đốn của ông, cho nên đã từ chối lời mời hôm qua của mình vào ngủ trong hậu liêu. Sáng nay nếu mình được nói chuyện với ông ta thì thế nào mình cũng biết được chút ít hành tung của ông. Nghĩ thế, chú định quay trở vào chùa để mang ra một thau nước ấm cho vị khách tăng rửa mặt. Nhưng chú chưa kịp quay bước thì vị khách tăng đã mở mắt. Chú chắp hai tay lên ngực làm lễ. Vị khách tăng đằng hắng một tiếng nhỏ rồi lên tiếng:

-  Từ đây đến núi Cửu Lũng còn bao nhiêu đường đất nữa, thưa chú?

Chú lễ phép đáp:

-  Bạch Ngài, núi Cửu Lũng không còn xa, chừng nửa ngày đường thì tới. Để con vào lấy nước ấm ra Ngài rửa mặt.

Vị khách tăng khoát tay ra dấu không cần. Ông tựa vào tường, đứng dậy một cách mệt nhọc và đưa tay với lấy chiếc gậy trúc dựng ở góc tường.

-  Cám ơn chú. Tôi phải đi ngay kẻo lỡ không tới kịp trước khi trời tới. Nói xong ông chống gậy khấp khểnh đi ra khỏi tam quan. Chú Tâm Thể theo sau lưng, định tiễn vị khách tăng xuống đồi, tận ngã ba đường núi. Nhưng ông ta khoát tay ra hiệu cho chú đi lui. Từng bước khấp khểnh, ông lần xuống đồi.

“Đi như thế thì nửa ngày đường không tới được núi Cửu Lũng”. Nghĩ như vậy, chú Tâm Thể chắt lưỡi phàn nàn. “Đi xa mà cũng không có lấy một chiếc tay nải. Tóc tai áo quần đầy cả bụi đỏ. Mình mẩy thì gầy ốm đến trơ xương. Không biết đến núi Cửu Lũng để làm gì mà vội vàng đến thế”. Chú có nghe nói đến ngôi chùa hay ngọn tháp nào ở núi ấy đâu. Chính chú cũng chưa tới Cửu Lũng lần nào; chỉ nghe nói rằng ngọn núi ấy khá hoang vu và đỉnh núi cao ngất, lấp trong mây mù, ít khi thấy được đường nét một cách rõ rệt. Không biết tại sao trong lòng chú Tâm Thể nảy sinh một niềm kính mến đối với vị du tăng lạ kỳ kia. Dáng điệu và phong thái của ông ta có một cái gì khiến chú ưa muốn gần gũi và hiểu biết. Nhưng ông ta đã đi. Chú chép miệng:

-  Vậy là mình không biết thêm gì hành tung của vị du tăng này cả. Chỉ biết có một điều là ông ta đang tìm tới núi Cửu Lũng.

Nghĩ như vậy, chú thong thả đi vào chùa, cùng các chú khác lo cháo sáng cho chư tăng, bởi vì buổi công phu khuya sắp kết thúc.

* * *

Vị du tăng đi rất chậm, bước cao bước thấp. Ông có một mụt ghẻ trên bắp đùi trái, lớn bằng cả một quả bưởi. Mụt ghẻ làm ông đau nhức khôn cùng, nhưng ông chịu đựng không hề kêu la. Chỉ trong những giấc mơ thỉnh thoảng ông mới cất tiếng rên khe khẽ mà thôi. Nghe chú tiểu nói chỉ cần nửa ngày đường là tới núi Cửu Lũng, ông hi vọng có thể đi suốt ngày và tới được chân núi lúc trời tối. Nhưng mụt ghẻ hành ông đau nhức quá khiến hôm đó ông chỉ mới đi được hai phần ba đường, ông phải nghỉ đêm dưới một gốc cây. Ông nhịn đói đã quen, bởi vì trong suốt sáu tháng trời du hành có nhiều hôm ông phải ngủ dưới một gốc cây và không có một hạt cơm nào bỏ bụng. Nếu trên đường đi mà gặp một ngôi chùa vào lúc trời tối thì ông xin tá túc lại, và khi nào cũng chỉ xin ngủ nhờ dưới mái tam quan. Thường thường ông được một chú tiểu như chú Tâm Thể mang một bát cháo hay một bát cơm nguội ra cúng dường. Chú tiểu hồi hôm thật chu đáo, đã đem cho ông một chậu nước ấm và một chiếc chiếu còn thơm mùi nắng. Tối nay ông ngủ, gối đầu trên một chiếc rễ cây. Khí hậu miền núi lạnh lẽo quá khiến ông co ro, trằn trọc cả đêm không hề an giấc.

Trời chưa sáng hẳn, vị du tăng đã trỗi dậy để tiếp tục cuộc hành trình. Sức ông yếu quá, nhiều lúc ông té quỵ, tưởng không đứng dậy được nữa. Nhưng ông vẫn cố gắng. Đi được vài trăm bước, ông dừng lại ngồi nghỉ trên một tảng đá. Vừa mới lấy lại được hơi thở, ông lại chống gậy đi. Cứ như thế cho đến lúc khoảng cuối giờ thân hôm ấy thì ông đến được chân núi Cửu Lũng.

Nhìn quanh, vị du tăng không thấy dấu vết nào của dân cư, làng mạc. Không một làn khói lam nào bay lên để chứng tỏ rằng đằng xa kia có một nhà tiều phu đang thổi lửa nấu cơm chiều. Không thấy đường nét ngọn núi Cửu Lũng, vì rừng núi phía trên đã bị sương mù bao phủ. Làm sao mà tìm kiếm được thảo am của người ông muốn gặp, trong khi núi đồi thì bao la mà sương mù thì dày đặc?

“Người xưa ở tại núi này
Mây mù che lấp biết rày tìm đâu?” [1]

Vì du tăng đành ngồi xuống nghỉ trên một tảng đá. Sáu tháng trời lặn lội mới lết tới được chân núi Cửu Lũng. Sương mù dày đặc quá, rừng núi bao la quá, xứ sở quạnh hiu quá, biết làm sao tìm hỏi được nơi cư trú của người xưa?

Người xưa vốn là một vị tăng người Ấn Độ tên là Kaniska. Cách đây mười sáu năm, vị du tăng, tên là Tri Huyền – đã gặp Kaniska tại một ngôi chùa cổ ở kinh đô Trường An nơi ông tu học. Vị tăng người Ấn khi ghé chùa thì đã bị ghẻ lở đầy người, hôi hám khó chịu, ai cũng lẩn tránh. Chỉ có Tri Huyền chịu khó thân cận và chăm sóc cho người. Sáng nào thầy Tri Huyền cũng bưng một chậu nước nóng tới phòng của Kaniska. Thầy bỏ một nắm muối biển vào chậu nước, hòa muối cho tan và bắt đầu cởi áo cho ông thầy tu gốc Ấn và rửa ráy cho ông. Công việc rửa ráy xong xuôi, thầy lấy y sạch mặc cho Kaniska và đem chiếc y mới thay đầy máu mủ hôi hám đi giặt và đem phơi. Buổi trưa Tri Huyền lại mang cơm tới cho Kaniska và buổi chiều Tri Huyền lại tới mang trà nóng đến, rồi cất dẹp khay bát của buổi ăn trưa. Chứng bệnh của Kaniska không thấy thuyên giảm, nhưng sự chăm sóc của Tri Huyền đã làm nhẹ bớt sự đau khổ của người bệnh. Suốt trong hai năm trời, Tri Huyền săn sóc cho Kaniska như săn sóc cho một người anh ruột, không có hôm nào thầy bỏ quên hoặc làm sơ sót. Đối với công việc chấp tác và tu học tại chùa, Tri Huyền không ngày nào là không làm tròn bổn phận; vì vậy không ai có thể trách cứ thầy là chỉ biết lo cho ông thầy tu Ấn Độ mà quên lãng trách nhiệm mình.

Mời các bạn mượn đọc sách Tùng Bưởi Hồng của tác giả Thích Nhất Hạnh.


Giá bìa 25.000

Giá bán

20.000

Giá bìa 25.000

Giá bán

20.000