DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY
Tuyến hỏa xa ngầm – một bí ẩn lớn trên đất Mỹ vào thời kỳ mà chế độ nô lệ hiện tồn, không chỉ bí ẩn với nhà cầm quyền, giới chủ nô, những tay trùm săn nô lệ mà ngay với chính người nô lệ. Không ai biết rốt cục có bao nhiêu ga, bao nhiêu trưởng ga, những chuyến tàu hoạt động thế nào v.v. cho đến lúc đặt chân lên một toa hành khách. Có thể ví tuyến hỏa xa ngầm như một dấu chấm hỏi khắc rất sâu trong giai đoạn rối ren đó của Hợp chúng quốc – quốc gia bị phân tách làm hai cực: các bang tự do và các bang có chế độ nô lệ. Cũng bởi lý do trên, không ai thống kê được chính xác mà chỉ ước đoán rằng từng có rất nhiều nô lệ đào thoát từ miền nam khắc nghiệt đến những vùng đất tự do nhờ tuyến hoả xa ngầm, như Cora – nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, một nữ nô lệ tại đồn điền trồng bông ở Georgia. Dù là nhân vật chính, Cora xuất hiện lần đầu tiên không phải trong câu chuyện của chính cô mà trong câu chuyện của bà, của mẹ, Ajarry: người bà bị bắt cóc khỏi quê nhà châu Phi sang Mỹ; Mabel: người mẹ trở thành “huyền thoại” khi được cho là bỏ trốn thành công. Cora tồn tại không như một thân phận đơn lẻ, thân phận cô hoà vào biển-người-đen phải hiến thứ “dầu” đặc biệt cho ngành công nghiệp bông sợi, cho hệ thống xiềng xích mới: mồ hôi và máu. “Truyền thống” của gia đình Cora, hay của biết bao gia đình người Phi khác, là lao động quần quật, đổ máu trên những đồng bông bạt ngàn, chưa kể bị lạm dụng, bị làm nhục, câu chuyện thường ngày đến độ sẽ thật khó dung thứ nếu họ khóc than hay trở nên phẫn nộ. Thứ “truyền thống” đó trở thành duy nhất và tuyệt đối với những nô lệ như Ajarry: chịu phận ở đồn điền, bằng lòng “an cư” bên mảnh vườn vỏn vẹn ba thước vuông tại đó; nhưng cũng bị thách thức quyết liệt bởi chính những nô lệ như Mabel: nhất mực chạy trốn bất chấp hình phạt, bất chấp việc bỏ lại miếng đất “mẹ truyền con nối”, thậm chí bỏ lại đứa con gái bé thơ. Tới lượt mình, Cora cũng hun đúc một kế hoạch riêng, dẫu nó không ngừng làm cô buốt nhói khi chỉ càng chứng minh cho sự thật: cô là con gái của mẹ cô! Hành trình xuyên qua 5 bang: Georgia-Nam Carolina-Bắc Carolina-Tennessee -Indiana, và còn tiếp tục không hồi kết dưới đường hầm “ma” mà Royal tiết lộ cho Cora hay, quả là cuộc rượt đuổi gay go giữa chế độ nô lệ, với một đại diện cốt cán, đầy tham vọng là Ridgeway, và kẻ tử thù của nó – Cora. Ta có thể hình dung một cuộc chiến nảy lửa của cả hai, vì lẽ sinh tồn chẳng những đặt ở thể xác mà còn nằm trong tinh thần. Xích xiềng không chỉ đòi cô mà đòi cả những bạn bè nô lệ của cô, cả những người có lương tri dám bao bọc, giúp đỡ cô, trả giá – chỉ bằng cách ấy, xích xiềng mới chặt. Song Cora luôn là một đối thủ đáng gờm, cô chưa từng thôi chống trả, dù tuyệt vọng và yếu thế, bởi nếu không làm vậy bao giờ người nô lệ mới được tự do. Trong cuốn tiểu thuyết, có một câu nói trở đi trở lại: “Hãy nhìn ra ngoài trong khi tàu đưa các bạn đi, các bạn sẽ thấy khuôn mặt thật của nước Mỹ”. Dường như quốc gia đó vẫn luôn tồn tại trên nền tảng mâu thuẫn, nghịch lý: những con người đến đây vì tự do lại tước đi tự do của người khác. Colson Whitehead đã vẽ khuôn mặt nước Mỹ bằng màu sắc đối lập: đen rồi trắng, trắng rồi đen, luôn luân chuyển, luôn đảo chiều – có những bàn tay da đen sẵn sàng đàn áp các anh chị em của mình không thua gì những bàn tay da trắng, và lại có những bàn tay da trắng sẵn sàng chìa ra cứu giúp những nô lệ khốn cùng. Bằng cây bút giàu cảm xúc nhưng không bị định kiến ảnh hưởng, có lúc còn khá hóm hỉnh trước nghịch cảnh, Colson Whitehead rất chân thành đưa độc giả tới với hình ảnh nước Mỹ trong quá khứ, nhưng đó là điều khó dứt bỏ khỏi hiện tại này.
***
“Hãy nhìn ra ngoài trong khi tàu đưa các bạn đi, các bạn sẽ thấy khuôn mặt thật của nước Mỹ”. Đó là lời nhắn gửi những hành khách - những nô lệ da đen trốn thoát khỏi các đồn điền - trước khi lên một chuyến tàu bí mật của tuyến hỏa xa ngầm, một công trình có thật trong lịch sử Mỹ thời chiếm hữu nô lệ còn tồn tại. Không ai xây khi nào, có những ga nào, ai tham gia con đường bí mật đó.

Những câu hỏi về tuyến hỏa xa ngầm đó cũng không được giải đáp trong tác phẩm cùng tên được trao giải Pulitzer danh giá vào năm 2017. Vậy nhưng, sức hấp dẫn của “Tuyến hỏa xa ngầm” là ở chỗ chỉ từ câu chuyện của một cá nhân - cô bé Cora - mà đưa người đọc tìm về và hiểu được nhiều khía cạnh của nước Mỹ thời chiếm hữu nô lệ, cũng như con đường bí mật đưa những người nô lệ da màu đến tự do.

“Tuyến hỏa xa ngầm” được giải Pulitzer nhờ hòa trộn tài tình chủ nghĩa hiện thực và phúng dụ, cũng như kết hợp được sự tàn bạo của chế độ sở hữu nô lệ và bi kịch trong sự đào thoát của những người nô lệ. Và đúng là như vậy.

Quyển sách mô tả chân thực sự tàn khốc của những ngày tháng đọa đày, chịu kiếp nô lệ của Cora và những giờ phút lên kế hoạch chạy trốn, chờ đến giờ G để rồi tiếp tục hồi hộp khi đã chạy đủ xa, những lần lần trốn, trong rừng sâu, hay tầng áp mái, hay lên những chuyến tàu trên tuyến hỏa xa ngầm mà không biết ga dừng lại sẽ là đâu.

Tất cả khiến người đọc có thể sốc vì sự tàn bạo của chế độ nô lệ và hồi hộp thay cho nhân vật chính Cora.

“Tuyến hỏa xa ngầm” là một bài học lịch sử hay cho những thế hệ sau này, mà có lẽ chưa tìm hiểu hay hiểu tường tận về giai đoạn rối ren được chọn làm bối cảnh chính của câu chuyện: nước Mỹ bị phân tách làm hai cực: Các bang tự do và các bang có chế độ nô lệ.

3 thế hệ nhà Cora cũng là 3 giai đoạn trong lịch sử chiếm hữu nô lệ ở Mỹ và tất cả những ngục tù đối với người Phi châu: bị bắt cóc, mang đến Mỹ, sinh ra các thế hệ nối tiếp trong xiềng xích, cả cuộc đời không biết gì ngoài làm việc tại các đồn điền, cho nên ngày cũng như đêm luôn mơ đến tự do.

“Khi chết người da đen trở thành con người, chỉ khi đó họ mới ngang bằng với người da trắng”. “Ngày hôm trước một đứa trẻ da đen còn hạnh phúc, thế nhưng ngày hôm sau ánh sáng đã biến mất khỏi cuộc sống của nó; giữa khoảng thời gian đó nó được giới thiệu với một thực tế mới - cảnh nô lệ”.

Cora, sinh ra đã là nô lệ và có một cuộc đời đầy những chuỗi bất hạnh, nhưng không phải vì tính cách hay cách hành xử của cô, mà là vì “da cô màu đen và đây là cách thế giới đối xử với người da đen”.

Cora biết rằng đời mình có thể kết thúc hoặc giống bà của em - người bị bắt cóc khỏi quê nhà châu Phi sang Mỹ và mãi mãi là nô lệ, hay mẹ em - một nô lệ trở thành “huyền thoại” khi được cho là bỏ trốn thành công.

Cora tin mình cũng có thể được như mẹ; em đã chạy trốn, nhưng những cuộc chạy trốn liên hồi và cuộc đời không thể nào yên ả được lâu. Như những chuyến tàu có lúc ngoặt vào những lối quanh co rải rác trên hành trình, cuộc đời Cora là liên tiếp những khúc cua như thế, từ địa ngục trốn chạy được đến bình yên, rồi lại phải chạy tiếp vì nơi đó không hẳn như mình nghĩ và mong muốn.

Dẫu được tuyến hỏa xa ngầm hỗ trợ, Cora và những người nô lệ có quá nhiều thứ để phải tránh: nhà cầm quyền, giới chủ nô, những tay trùm săn nô lệ, và cả những người từng là nô lệ đã được tự do, sợ cái tự do quý giá của mình vì người da đen nô lệ mà lại mất đi 1 lần nữa, đành phải phản lại chính anh em của mình.

Tuyến hỏa xa ngầm nhiều lần nhắc lại thông điệp ‘bộ mặt của nước Mỹ’, và đó là một đất nước hóa ra đầy những điều tương phản. Tuyên ngôn độc lập được ký khi chế độ chiếm hữu nô lệ vẫn còn; trong xã hội có những người da trắng ủng hộ bãi nô đánh đổi an nguy của gia đình và bản thân để tham gia cứu giúp người da đen, nhưng cũng lại có người da đen sẵn sàng đàn áp các anh chị em của mình.
***

Mâu thuẫn trong tuyên ngôn của Hoa Kỳ

“Mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc“, đó là một trong những nội dung được đưa ra trong bản tuyên ngôn độc lập của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Ấy thế, chính trong đất nước  mà “mọi người sinh ra đều bình đẳng” ấy lại không có chỗ cho những người da đen. Họ không được xem là con người, chỉ có sự bình đẳng dành cho người da trắng. Để phản ánh về nỗi thống khổ của những người da màu và tội ác man rợ của những người “thượng đẳng” da trắng, nhiều tác phẩm thơ văn đã được viết lên, trong đó có Tuyến Hỏa Xa Ngầm.

Với ngòi bút tinh tế, lôi cuốn, mạnh mẽ của mình, Colson Whitehead đã cho người đọc cảm nhận được tội ác của những người da trắng dưới chế độ chủ nô tàn ác. Colson Whitehead như một ngọn lửa thổi bùng lên sự căm phẫn đối với phân biệt chủng tộc tàn ác hà khắc của đất nước Mỹ. Những người da đen không được xem là con người họ là súc vật, là giống loài hạ đẳng, họ được Thượng đế  tạo ra để trở thành những công cụ biết nói của người da trắng.

Tội ác và nỗi thống khổ

Cuốn sách là những con chữ biết nói, Tuyến Hỏa Xa Ngầm đã nói lên cuộc sống của người da đen và tội ác man rợ của bọn chủ nô một cách rất chân thực, “những người đàn ông bị treo cổ trên cây”, “Những thân thể còn sống và

 đã chết bị nướng trên giàn thiêu”. Chúng sẵn sàng hãm hiếp bất cứ người phụ nữ da đen nào, chúng chặt lìa tay,chân. Chúng thẳng tay sát hại mà không một chút do dự. Tuyến Hỏa Xa Ngầmkhông chỉ nói về hành trình trốn thoát mà nó còn bức tranh về thời kỳ nô lệ tàn ác. Đại diện cho chính quyền, chế độ chiếm hữu nô lệ, nạn phân  biệt chủng tộc trong câu chuyện là  tên địa chủ Terrance. Dưới góc nhìn của Colson Whitehead, Terrance hiện lên như một con quái vật với đôi mắt cú vọ, ánh mắt hắn như muốn ăn tươi nuốt sống những tên nô lệ, hắn hành hạ, đưa ra những hình phạt tàn nhẫn đối với những nô lệ bỏ trốn.

Sự đấu tranh

Qua ngòi bút tinh tế của Colson Whitehead đã vẽ lên như những nỗi đau khó tả của người da đen. Tác giả đã phải thốt lên rằng “Khi chết người da đen trở thành con người, chỉ khi đó họ mới ngang bằng với người da trắng”“Ngày hôm trước một đứa trẻ da đen còn hạnh phúc, thế nhưng ngày hôm sau ánh sáng đã biến mất khỏi cuộc sống của nó; giữa khoảng thời gian đó nó được giới thiệu với một thực tế mới – cảnh nô lệ”, vốn dĩ từ khi sinh ra họ đã không nhận được sự công bằng, họ phải sống dưới sự đàn áp của người da trắng.

Chính vì lẽ đó, ngọn lửa đấu tranh luôn luôn nhen nhóm trong tâm trí họ. Họ mạo hiểm bất chấp tính mạng chạy trốn để tìm cho mình sự tự do dù biết sẽ bị thiêu sống, bị đánh đập nhừ tử nếu bị bắt. Cora cũng vậy, gia đình cô là một gia đình nô lệ và có truyền thống trốn chạy, mẹ cô đã trở thành huyền thoại khi đã trốn thoát thành công.  Tuy vậy, nhưng hành trình đi tìm tự do ấy chưa bao giờ là yên bình đối với cora. Hành trình trốn thoát của cô trên chuyến tàu ấy có biết bao khúc cua, ngã rẽ, khiến chúng ta phải lặng thinh hồi hộp theo dõi. Với cách kể chuyện lôi cuốn tác giả không ít lần khiến ta  mỉm cười vì hạnh phúc rồi nụ cười đó lại vụt tắt đi trên môi khi sóng gió lại đến với cora.

Những cảm xúc…

Dẫu có những Tuyến Hỏa Xa Ngầm hay những người bãi nô giúp đỡ nhưng những nô lệ như cora và Caesar vẫn sẽ rơi vào tay của những tên “Terrance”,của những kẻ truy lùng nô lệ bỏ trốn. Dẫu họ có lên được con thuyền “tự do” thì con thuyền đó vẫn sẽ bị thủng và rồi họ lại lênh đênh giữa chế độ chiếm hữu nô lệ hà khắc của đất nước Mỹ. Cuộc đời của những người da đen là những chuỗi ngày đen tối nổi trôi, đau khổ. Không thể rời mắt khỏi câu chuyện, con tim cứ nhói lên từng hồi đó chính là cảm xúc của tôi khi  theo dõi câu chuyện, đây có lẽ là câu chuyện gây ấn tượng sâu sắc với tôi và nhiều người khác.

Trong cuốn tiểu thuyết, có một câu nói trở đi trở lại: “Hãy nhìn ra ngoài trong khi tàu đưa các bạn đi, các bạn sẽ thấy khuôn mặt thật của nước Mỹ”. Phải chăng đó là sự mâu thuẫn đến nghịch lý: những con người đến đây vì tự do lại tước đi tự do của người khác.

 Tuyến Hỏa Xa Ngầm được xây dựng rất nhiều nhân vật, cả một tuyến nhân vật dày đặc. Điều này có thể khiến bạn đọc khó nắm bắt, theo mạch của câu chuyện nếu chỉ đọc một lần. Mặc dù vậy, nhưng những câu chuyện về người da màu khi được miêu tả qua  những góc nhìn khác nhau của nhiều nhân vật thì được trở nên rõ ràng, sắc nét hơn. Điều này cũng là một điểm đặc biệt, dẫn dắt người đọc nhìn nhận tới nhiều khía cạnh, nhiều cảm xúc hơn để dễ dàng hiểu được tác phẩm trọn vẹn. Tuy nhiên đây vừa là điểm trừ, cũng vừa là điểm cộng.

Xuyên suốt câu chuyện, có lẽ hình ảnh in sâu nhất trong tâm trí bạn đọc chính là những chuyến ga tàu, trưởng ga và cả những hành khách. Ở đó có những phương tiện chuyên chở giúp đỡ những người da màu trốn chạy đến những vùng đất tự do, chạy xa khỏi ách nô lệ. Chính vì thế Tuyến Hỏa Xa Ngầm là một hình ảnh hết sức nhân văn, mang tính biểu tượng lớn.

Với cách kể chuyện hấp dẫn, cuốn hút của Colson Whitehead, ” Tuyến hỏa xa ngầm” đã ghi được dấu ấn đậm nét sâu sắc về lịch sử đẫm máu đối với người da đen, đồng thời cuốn sách cũng lên án chế độ chiếm hữu nô lệ và phân biệt chủng tộc man rợ.

***
Review sách Tuyến Hoả Xa Ngầm

  Binh Boog đã review       25 tháng 5, 2019
#Review #Tuyến_hoả_xa_ngầm

Ai sinh ra cũng có quyền bình đẳng. Ấy thế mà họ sinh ra mang da màu thôi mà cớ sao lại trở thành nô lệ?

Cora, cô gái thế hệ thứ 3 sinh ra làm nô lệ. Từ đời bà cô đã bị những người da trắng bắt cóc từ lục địa đen Châu Phi đem sang các cánh đồng ở Mỹ để làm nô lệ. Tới mẹ cô và cô cũng được sinh ra và lớn lên để làm nô lệ.

Người da trắng tự cho mình cái quyền chiếm đất, đuổi người da đỏ da đỏ khỏi mảnh đất của họ để mở rộng những đồn điền, bắt những người da đen về làm nô lệ.

Không thể tin nổi là những người da đen bị bắt làm nô lệ không khác gì loài vật. Họ bị bắt cóc từ quê hương của mình, bị bán như một món hàng. Bị đóng dấu sắt nung lên người không khác gì con bò, con lợn. Hàng ngày họ lao động cực nhọc trên các cánh đồng bông, cánh đồng mía, trong các đồn điền. Họ bị roi quất, đánh đập, treo cổ, cưỡng bức, giết chết bất cứ lúc nào. Cuộc sống của họ là một nỗi ám ảnh cho dù được tự do thì nó vẫn là nỗi sợ hãi trong giấc mơ hàng ngày.

Mặc dù biết bỏ trốn nếu bị bắt lại bởi chủ nô, bọn tuần tra hay những kẻ săn nô lệ (mà những kẻ săn nô lệ là nỗi sợ hãi của nô lệ bỏ trốn bởi bọn chúng có thể tóm lại bất cứ nô lệ nào bỏ trốn dù họ có đi tới tận đâu. Chúng quyết tâm bắt lại bằng được những nô lệ bỏ trốn để kiếm khoản tiền thưởng và để cho nô lệ biết rằng họ không thể trốn thoát khỏi chủ nô, để dập tắt ý định bỏ trốn của họ. Mà nô lệ bỏ trốn bị bắt lại thì bị tra tấn khủng khiếp, chỉ còn con đường chết.

Nhưng Cora vẫn quyết định bỏ trốn.

Cora đã bỏ trốn khỏi chủ nô của mình. Trải qua hành trình tìm đến với tự do, được sự giúp đỡ của những người lái tàu trên tuyến hoả xa ngầm mà trên chuyến hoả xa đó họ nói với Cora rằng: “Hãy nhìn ra ngoài trong khi tàu đưa các bạn đi, các bạn sẽ thấy khuôn mặt thật của nước Mỹ”.

Quả thật, không chỉ là những bi kịch của thân phận nô lệ mà Tuyến hoả xa ngầm còn là mâu thuẫn trong chính nước Mỹ.

Có những người da trắng đã đứng lên đấu tranh cho phong trào giải phóng nô lệ. Họ kết hôn, sinh con với người da màu. Và chính họ đã làm nên những đường hầm bí mật, những tuyến hoả xa bí mật để giúp đỡ những người nô lệ bỏ trốn tới vùng đất mà họ được tự do.

Mặc dù họ bị chính những người da trắng vì lợi ích của họ không muốn giải phóng nô lệ chèn ép hoặc bị giết nhưng chính họ đã khơi dậy ý chí đấu tranh đòi quyền tự do cho chính mình của người da màu.

Con đường đấu tranh đòi tự do, chống phân biệt chủng tộc còn nhiều gian nan, hy sinh, cần nhiều thời gian để thay đổi nhưng những Tuyến hoả xa ngầm không biết điểm cuối ở đâu đã góp phần vào phong trào đó.

Có lẽ vì chính mâu thuẫn về giải phóng nô lệ mà nước Mỹ đã xảy ra cuộc nội chiến.

Tác phẩm Tuyến hoả xa ngầm được hai giải thưởng sách quan trọng tại Mỹ là giải sách quốc gia năm 2016 và giải Pulitzer năm 2017.

Nhìn hình tác giả ở bìa sách cũng nghệ sĩ lắm: tóc dài tết lọn nhỏ kiểu người Châu Phi họ hay tết ý.

Ngắn gọn lại là quyển này hay. Không phải tự dưng mà nó lại được 2 giải thưởng sách quan trọng đâu.

 
Mời các bạn đón đọc Tuyến Hỏa Xa Ngầm của tác giả Colson Whitehead & Nguyễn Bích Lan (dịch).

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000