Viết Dưới Giá Treo Cổ |
|
Tác giả | Julius Fucik |
Bộ sách | |
Thể loại | Hồi ký - Bút ký |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 0 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Julius Fucik Phạm Hồng Sơn Dương Tất Từ Kinh Điển Nhật Ký Tự Truyện Thế Chiến 2 Phản Chiến Văn học Áo Văn học phương Tây |
Nguồn | |
Tác Giả: Iuliux Fuxik
Phạm Hồng Sơn và Dương Tất Từ dịch
(In lần thứ hai có sửa chữa)
Nhà Xuất Bản Văn Học
Hà-nội - 1972
Bìa: PHẠM HỮU TRÍ
Viết Dưới Giá Treo Cổ là cuốn sách ghi lại những trang nhật ký của Julius Fučík trong thời gian bị giam cầm và chờ án tử hình dưới chế độ phát xít Đức. Bị bắt vào đêm 24 tháng 4 năm 1942, Fučík đã trải qua những cuộc tra tấn tàn khốc nhưng vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu. Bằng cách nhờ một người gác ngục Tế Ađônphơ Kôlinxky, ông đã lách luật và viết những dòng suy tư chân thực về cuộc đấu tranh, niềm tin và sứ mệnh cách mạng.
Sau khi Tiệp Khắc được giải phóng, vợ ông đã thu thập và xuất bản toàn bộ bút tích này vào năm 1945. Tác phẩm nhanh chóng trở thành biểu tượng của văn học cách mạng và đã được dịch ra hơn 70 ngôn ngữ trên thế giới.
Viết Dưới Giá Treo Cổ không chỉ là một lời tuyên bố tố cáo tội ác phát xít, mà còn là bức chân dung về một người chiến sĩ cách mạng kiên trung, một tác phẩm thể hiện tinh thần bất khuất của giai cấp vô sản. Những dòng chữ của Fučík tràn đầy tình yêu cuộc sống, niềm tin vào tương lai, ngay cả khi ông đang ở trong những hoàn cảnh tàn khốc nhất.
Là một cuốn phóng sự văn học, tác phẩm mang phong cách bút ký chân thực, gây xúc động mạnh. Giọng văn cô đúc, hùng hồn và đậm chất thơ, khiến người đọc dễ dàng cảm nhận được những bi kịch và khát vọng của tác giả. Dù được viết trong hoàn cảnh người tác giả bị giam cầm, tác phẩm vẫn giữ được sự sáng suốt về nghệ thuật và tình cảm sâu sắc.
Tác phẩm đã trở thành ngọn đuốc sáng soi cho nhiều thế hệ, không chỉ trong phong trào cách mạng, mà còn trong văn học nhân loại. Viết Dưới Giá Treo Cổ là một lời nhắn nhủ về giá trị của tự do, lòng yêu nước và quyết tâm chống lại sự áp bức.
***
Đêm 24 tháng tư năm 1942, bọn mật thám Đức đến vây bắt Fuxik tại nhà riêng một cán bộ cách mạng. Chúng giam đồng chí vào nhà ngục Pankrat và nhiều lần tra khảo đồng chí rất tàn khốc nhưng đồng chí không hề khai một lời. Mặc dầu biết trước những tháng ngày còn lại chỉ là một chuỗi thời gian chờ đợi án tử hình, nhưng Fuxik không hề buồn nản, bi quan. Chỉ tiếc là không còn cơ hội tốt để hoạt động cách mạng như trước, và nhất là không còn hy vọng được làm cái sứ mệnh vinh quang của một nhà văn - nhà báo cộng sản.
Nhưng một hôm, người coi ngục Ađônfơ Kôlinxky ngỏ ý với Fuxik xem trước giờ chết có muốn dặn dò gì lại hoặc viết cho thế hệ mai sau những điều băn khoăn chưa nói được, Fuxik vô cùng xúc động thấy trong một “bầy thú ăn thịt người với những bộ đồng phục màu xám”, lại có thể có được một người bạn chân tình, quan tâm đến nguyện vọng thiết tha của mình như vậy. Mới đầu Fuxik không tin, thậm chí còn nảy ra ý nghĩ ngờ vực người gác ngục. Nhưng dần dần câu chuyện được sáng tỏ: Ađônfơ Kôlinxky vốn là người Tiệp, trước sự khủng bố tàn bạo của bọn Hitle đối với đồng bào của mình, ông đã mạo xưng là người Đức để xin vào làm giám thị ở nhà ngục Pankrat, nhằm giúp đỡ các tù nhân. Hiểu rõ lai lịch của Kôlinxky, Fuxik mới dám nhận những mẩu giấy và bút chì do ông mang đến. Fuxik tranh thủ viết vào những giờ Kôlinxky canh gác và xong trang nào lại trao cho ông đem cất giấu tại nhiều địa điểm khác nhau. Đến mùa xuân năm 1943, Fuxik đã viết được cả thảy 166 trang. Cũng vừa lúc viết xong câu kết thúc: “Hỡi các người tôi hằng yêu mến, hãy cảnh giác!” thì bọn mật thám lại đưa Fuxik lên xe bọc sắt chở sang Bá-linh để đưa ra tòa xét xử.
Thời gian trôi qua, bản thảo đã qua tay nhiều người và nhiều địa điểm khác nhau.
Sau ngày Tiệp-khắc được giải phóng, những người còn sống sót tại các trại tập trung của Hitle được trở về quê hương. Trong số đó, có bà Guxta Fuxikôva - người vợ và người đồng chí của Fuxik. Được biết trong thời gian bị giam giữ chồng bà có sáng tác, bà bắt đầu đi tìm kiếm bút tích của người chồng đã hy sinh. Cuối cùng, bà đã thu thập được toàn bộ bản thảo thiên phóng sự Viết dưới giá treo cổ (Reportáz psaná na oprátce) và cho xuất bản lần đầu tiên vào mùa thu năm 1945. Đây là tác phẩm cuối cùng của Fuxik và cũng là một tác phẩm bất hủ của nền văn học vô sản Tiệp-khắc. Hiện nay, Viết dưới giá treo cổ đã được dịch ra trên bảy mươi thứ tiếng và xuất bản tới hơn hai trăm lần ở khắp các nước.
Iuliux Fuxik (Julius Fucik) sinh ngày 23 tháng hai năm 1903 tại Praha. Mẹ là thợ may, bố là thợ tiện kim khí. Ngoài công việc ở nhà máy, và nhất là sau khi chuyển về thị trấn Plơzen, ông bố còn là một diễn viên nghiệp dư. Lòng ham thích nghệ thuật của ông đã ảnh hưởng trực tiếp đến cậu con trai. Lên năm tuổi, Fuxik đã cùng với bố đi theo đoàn văn công nghiệp dư tỉnh Plơzen sang Bá-linh biểu diễn. Trong một vở kịch dựa theo truyện thần thoại, cậu bé đóng vai hoàng tử chỉ thích làm bạn với trẻ em nghèo. Fuxik, con trai duy nhất trong gia đình, có một chị và một em gái. Trong lúc còn là học sinh trung học ở tỉnh Plơzen, Fuxik đã bắt đầu viết báo tường. Năm 1921, Fuxik lên Praha vào trường đại học văn - triết. Ngoài giờ học, anh sinh viên khi thì làm thuê cho một sở thống kê, khi thì lao động trên công trường, khi thì đẩy xe hàng hoặc viết báo để kiếm tiền sinh sống. Cũng năm đó Fuxik được kết nạp vào Đảng Cộng sản Tiệp-khắc. Với tài năng xuất sắc trong công tác báo chí, chẳng bao lâu Fuxik được cử làm chủ bút các tạp chí Thân cây, Sáng tạo... Trong những năm 1930-1931, Fuxik bí mật sang Liên-xô với tư cách là phóng viên thường trú của báo Đảng. Sau đó, Fuxik được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp-khắc, và làm chủ bút tờ Quyền lợi đỏ (Rudé Právô). Giữa lúc đang hoạt động bí mật thì bị bọn mật thám lùng bắt và sau hơn một năm sống trong nhà ngục Pankrat. Fuxik bị hành hình ngày 8 tháng chín năm 1943 tại Bá-linh. Bước ra pháp trường, tư thế hiên ngang, Fuxik ngẩng cao đầu hát bài Quốc tế ca. Bọn đao phủ vừa kịp chạy tới ngăn được đồng chí thì mọi người đang bị giam giữ ở khắp các phòng trong nhà ngục đã lên tiếng hát tiếp để tiễn đưa đồng chí.
Trước khi vào tù, Fuxik đã viết hàng trăm bài phóng sự, bút ký và sau này được xuất bản thành sách có giá trị như: Trên đất nước thân yêu, Ở đất nước mà ngày mai đã có nghĩa là hôm qua, Chúng ta yêu dân tộc chúng ta, và một số tiểu luận đáng chú ý như: Phê bình sân khấu, Tiểu luận văn học, Bôjêna Nhiêmxôva - nữ sĩ chiến đấu...
Nhưng Viết dưới giá treo cổ đã gây một tiếng vang đặc biệt trong đời sống văn học, đánh dấu một thời kỳ mới trong nền văn học Tiệp-khắc hiện đại. Như các nhà văn học sử thường nói, đó là thời kỳ mà ngôi sao chủ nghĩa cộng sản bắt đầu soi sáng thực sự trên nền trời văn học. Rõ nét hơn bất cứ một tác phẩm nào khác thuộc dòng văn học chống phát xít Viết dưới giá treo cổ cho chúng ta thấy những tình cảm mãnh liệt của người cách mạng đối với cuộc sống và dũng khí tuyệt vời của người chiến sĩ cộng sản trước quân thù. Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu cho những đức tính cao đẹp đó không phải ai xa lạ mà chính là bản thân tác giả: nhà văn và người anh hùng dân tộc Iuliux Fuxik.
Lọt vào tay bọn đao phủ, ngay từ giờ phút đầu, Fuxik đã xác định cho mình một tư thế hiên ngang, không chịu khuất phục trước bất cứ một bạo lực điên cuồng nào. Hơn một năm trời bị giam cầm và luôn luôn bị đánh đập vô cùng tàn nhẫn, Fuxik đã biết trước câu trả lời cho số phận của mình là cái chết. Nhưng điều đó không bao giờ làm nhụt chí con người chiến sĩ, làm giảm bớt niềm lạc quan bất diệt trong con người đồng chí. Bọn giặc khát máu tưởng rằng qua đòn vọt chúng sẽ có thể khai thác được những tin tức về hoạt động của Đảng tưởng rằng cứ đưa đồng chí ra trước mặt vợ mặt mũi bê bết máu là có thể dùng tình cảm thuyết phục được đồng chí, nhưng chúng hoàn toàn thất vọng. Trước tòa án phát xít, Fuxik đã thét vào mặt bọn quan tòa những lời sấm sét: “Các ông sắp đọc bản án xử tôi. Tôi đã biết, nó sẽ chỉ nêu lên cái chết của một người. Nhưng bản án xử các ông đã thảo xong từ lâu: chủ nghĩa phát xít sẽ chết! Cuộc sống sẽ thuộc về con người! Tương lai thuộc về chủ nghĩa cộng sản!” . Và dù sắp đến lúc bọn chúng thi hành bản án tử hình, Fuxik vẫn viết thư về cho chị ruột bày tỏ lòng yêu đời chan chứa và ý chí bất khuất của mình: “Còn vài tuần nữa thôi... Hy vọng cứ tàn lụi dần như lá mùa thu rụng. Một tâm hồn mơ mộng yếu đuối thấy thế có khi nảy ra ưu tư buồn thảm... Nhưng chị hãy tin rằng điều đó không hề làm giảm bớt một niềm vui nào trong tâm hồn em... Đâu có phải vì mất đầu mà con người trở nên nhỏ bé…” . Niềm lạc quan cách mạng của đồng chí ở đây thật là rõ ràng. Niềm lạc quan ấy chỉ có thể thấy ở những con người mang lý tưởng cộng sản cao cả của thời đại chúng ta. Đó là lý tưởng mình vì mọi người, lý tưởng xả thân vì cách mạng, biết đặt hạnh phúc của mọi người lên trên hạnh phúc của riêng mình và vì niềm hạnh phúc chung đó mà đồng chí đã bước ra chiến trường. Trái tim Fuxik là trái tim của con người quyết chiến quyết thắng, luôn luôn rực cháy ngọn lửa căm thù bọn cướp nước. Trái tim ấy không bao giờ bị che lấp vì một thứ tình cảm yếu hèn, nhỏ hẹp của một cá nhân, không bao giờ bị hoen ố vì những lời dụ dỗ, dọa nạt nào, nó là trái tim của con người thấy rõ sứ mệnh thiêng liêng được làm một trong hàng nghìn triệu chiến binh của đội quân Lênin và “trong giờ phút quyết định biết cống hiến tất cả để thực hiện kỳ được cái mình cần làm vì lợi ích của xã hội loài người”.
Đọc Viết dưới giá treo cổ, ngoài hình ảnh của Fuxik, chúng ta còn giữ được những ấn tượng sâu sắc về các đồng chí khác trong ngục cùng bị giam với đồng chí. Đó là những chiến sĩ cộng sản với lứa tuổi khác nhau, nghề nghiệp khác nhau. Có người là cán bộ hoạt động cách mạng lâu năm như Hônza Zika, có người là nhà giáo đầy lòng yêu nước như bố già Pêxêk, nhưng lại cũng có người hãy còn trẻ thơ như Liđa Plakha - người nữ liên lạc và dẫn đường của Fuxik. Tâm lý họ có chỗ khác nhau, quá trình hoạt động của họ cũng không giống nhau nhưng vào đây, họ đều là những đồng chí trung kiên đang qua cuộc thử thách gay go, dù chết vẫn giữ trọn lòng trung thành son sắt đối với Đảng, và trong cuộc “thử lửa” họ đã không biến thành tro bụi mà đã trở thành thép gang.
Viết dưới giá treo cổ là một bức tranh hiện thực, khắc họa rất rõ nét những bản chất vô cùng man rợ và đê hèn của chế độ phát xít Hitle. Dưới ngòi bút sắc sảo của một nhà văn dày kinh nghiệm, Fuxik đã dựng lên một bản án với những tang chứng sáng rõ như ban ngày, lột trần bộ mặt nham hiểm của chế độ phát xít trong những ngày tận số. Qua thời gian bị giam cầm đánh đập, Fuxik không những được nhìn thấy tận mắt những sự kiện rùng rợn diễn ra trong nhà ngục, mà chính bản thân đồng chí đã từng phải chịu tất cả những cái gì tàn nhẫn nhất do bọn ác ôn mệnh danh là “người” gây ra để thỏa mãn thú tính của chúng. Chúng là những tên giết người hung hãn và ngu xuẩn, luôn luôn tranh giành nhau, tố giác nhau để thực hiện mục đích phi nghĩa của chúng. Trong bọn chúng, có kẻ tham lam và thủ đoạn như tên Zăngđe; có kẻ tàn bạo và khát nhau như tên Smêtôn; có kẻ xảo quyệt và thâm độc như tên Iôzep Bôm... có thể nói, mỗi tên mang một cá tính riêng, tiêu biểu cho những con phỗng khác nhau do chế độ phát xít Hitle đã nhào nặn ra. Nhưng ẩn bên trong những cá tính riêng của chúng là một tâm trạng chung phổ biến: chúng đã mất lòng tin ngay đối với cả các chế độ bù nhìn đã đẻ ra chúng. Cho nên không phải ngẫu nhiên, trong một cuộc đối chất tay đôi với Fuxik, tên Iôzép Bôm đi rút súng ngắn tự thú trước mặt Fuxik: “Anh thấy không, ba viên đạn cuối cùng này dành cho bản thân tôi đây…”
Tư thế hiên ngang của Fuxik làm quân thù phải khiếp sợ. Khi Fuxik hoạt động bí mật và viết bài cho các báo dưới những biệt danh khác nhau, kẻ địch đã phải hoa mắt và ráo riết đề phòng trước những hoạt động “lợi hại” của đồng chí. Khi vào tù, tính mệnh hoàn toàn nằm trong tay bọn mật thám tay sai man rợ nhất, nhưng tinh thần của đồng chí không một bạo lực nào có thể bẻ gãy nổi. Định bắt đồng chí thú tội, chúng lại trở thành những kẻ phải thú tội nhục nhã trước đồng chí. Định kết án đồng chí, chúng lại trở thành những kẻ bị đồng chí kết án.
Trong văn học Tiệp-khắc thời kỳ trước cách mạng 1945 thực ra đã xuất hiện các nhân vật kiểu mới - những con người chiến đấu cho lý tưởng cộng sản - qua một số tác phẩm văn xuôi nổi tiếng như Nữ vô sản Anna của Ivan Onbrach, Những người trên ngã ba đường của nữ văn hào Mariê Puimanôva... Nhưng có thể nói rằng phải đợi đến khi Viết dưới giá treo cổ ra đời, hình ảnh người cộng sản Tiệp-khắc, - con người mang những phẩm chất rõ rệt của giai cấp vô sản, con người nhất quán giữa tình cảm, lý trí và hành động - mới được thể hiện một cách thỏa đáng.
Khi viết những trang phóng sự này, Fuxik không có điều kiện “gọt giũa” văn chương như người ta thường làm. Thậm chí ánh sáng còn không đủ rọi lên những mẩu giấy của người gác ngục mang cho. Đồng chí phải “ăn cướp thời gian của cái chết” có thể kéo đến bất chợt lúc nào không biết để hoàn thành từng trang bản thảo. Mặc dù thế, Viết dưới giá treo cổ là một tác phẩm hoàn chỉnh cả về mặt nội dung lẫn hình thức. Lời văn hùng hồn, cô đúc và giàu chất thơ khiến người đọc phải dừng lại nhiều trang vì xúc động. Khó mà tưởng tượng được là tác phẩm ấy viết vội vàng “trong cuộc chạy đua với cái chết”.
Nếu một tác phẩm văn học lớn đòi hỏi ở nhà văn phải có một lý tưởng sống vĩ đại, thì chính Viết dưới giá treo cổ đã chứng minh điều đó. Trong lúc tổ quốc Tiệp-khắc đang bị quân thù chà đạp, trong lúc hàng triệu con người đang đổ máu trong cuộc giao tranh cuối cùng để giành lấy quyền sống cho con người, Fuxik tự coi mình như một trong số những người đang chiến đấu ấy: “Tôi luôn luôn nghĩ rằng làm người lính cuối cùng, vào giây phút cuối cùng của chiến tranh, bị viên đạn cuối cùng xuyên trúng tim thì thật là đau khổ. Nhưng thể nào cũng phải có ai là người lính cuối cùng ấy chứ! Giá tôi biết rằng người lính ấy có thể là tôi, tôi xin nguyện xung phong ngay từ giờ!” Những lời lẽ đanh thép như thế chúng ta tìm thấy không ít trong cuốn sách. Đó chẳng phải là niềm lạc quan bất diệt của người chiến sĩ cộng sản Fuxik đó sao?
Đọc Viết dưới giá treo cổ, chúng ta cảm phục và yêu mến nhà văn vì qua từng trang sách, tác giả đã cho chúng ta thấy được một cách chân thực tâm hồn cao thượng, thấy được khí thế hiên ngang và lòng tin mãnh liệt vào chiến thắng của người anh hùng thời đại chúng ta.
Một cuốn sách tốt bao giờ cũng gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Viết dưới giá treo cổ thuộc vào loại những cuốn sách đó. Viết dưới giá treo cổ còn là người bạn tốt giúp chúng ta có thêm nghị lực trên con đường hoạt động cách mạng.
DƯƠNG TẤT TỪ