Trong tiểu thuyết đầu tay của Stone, The Iguana Tree, Héctor đã mạo hiểm vượt qua biên giới Mexico để vào đất Mỹ, và rồi tìm được một công việc tốt tại South Carolina. Khi người vợ Lilia đi theo anh, cô đã bị tách khỏi đứa con gái nhỏ của họ là Alejandra.
Cuốn sách tiếp theo, Border Child, được bắt đầu vài năm sau đó, quay trở lại ngôi làng Oaxaca, khi hai vợ chồng đang than khóc cho Alejandra, sợ rằng con mình có lẽ đã chết. Nhưng sau đó họ nhận được tin nhắn rằng họ có thể tìm thấy cô bé. Khi Lilia chuẩn bị sinh đứa con thứ ba, bị ám ảnh bởi những hậu quả do hành động của mình, Héctor đã bắt đầu một cuộc tìm kiếm mà cả anh và vợ đều không ngờ được kết quả của nó.
Stone đem đến cho người đọc sự yếu mềm và dễ bị lợi dụng của Lilia và Héctor, những bậc cha mẹ đang cố gắng tìm kiếm tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình của họ.
Haskell thường xuyên có những chuyến viếng thăm 12 loài cây trên khắp thế giới. “Cánh rừng đặt miệng mình lên mọi sinh vật sống và thở ra,” ông đã viết như vậy trong khu rừng nhiệt đới Amazon ở Ecuador, một nơi có sự đa dạng thực vật vô song.
Tại đó, ông đã trèo lên ngọn một cây bông gòn (ceiba) khổng lồ ít nhất cũng phải 150 năm tuổi, và đã lần theo những liên kết của nó với các loài thực vật, động vật, vi khuẩn và nấm. Ông cũng tới thăm một khu vườn ôliu tại Jerusalem, và theo dõi sự phát triển của một cây tần bì (green ash) ở cao nguyên Cumberland tại Kentucky.
Còn tại Upper West Side của New York, ông lại quan sát một cây lê Callery trồng ngay trên ga tàu điện ngầm, mô tả cách thức mà những âm thanh của thành phố đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nó (“khi cây bị rung lắc, nó sẽ mọc thêm rễ.”) Những bài luận chứa đựng sự quan sát sâu sắc này có âm hưởng tựa những bài thơ.
Khi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông đến gần, tuyển tập các tác phẩm của nhà văn người Philippine, Nick Joaquin, đã lần đầu tiên được xuất bản tại Mỹ, bao gồm những truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông, cùng vở kịch A Portrait of the Artist as Filipino (1996).
Văn của Joaquin đan xen với những liên hệ về thời kỳ thuộc địa của đất nước ông, về Đạo Công giáo và các nghi lễ tiền Kitô giáo. Hình ảnh “hai chiếc rốn” (two navels) trong câu chuyện tiêu đề là biểu tượng cho thời kỳ thuộc địa Tây Ban Nha và Mỹ. Nó là truyện về một người cha từng là anh hùng, nay chọn sống lưu vong ở Hong Kong khi quân Mỹ đến chiếm đóng đất nước, và phải vượt qua nỗi tuyệt vọng khi biết ngôi nhà của tổ tiên mình tại Dinondo đã bị phá hủy.
Các truyện khác như May Day Eve và The Summer Solstice thì lại kịch tính hóa sự cám dỗ của những lễ kỷ niệm ngoại giáo; ở câu chuyện thứ hai, Dona Lupe đã thay đổi sau khi tham gia điệu nhảy cùng các phụ nữ trong làng: “đôi mắt cô rực rỡ ánh trăng, còn đôi môi thì nở nụ cười.”
Sinh ra tại Nigeria và trưởng thành tại Minneapolis, Arimah đem đến cho chúng ta một tập truyện đầy mê mẩn. Trong Light, một người cha đang phải chăm sóc đứa con gái 11 tuổi của mình ở Nigeria trong khi mẹ cô bé theo học MBA tại Mỹ, đã nhận ra anh muốn bảo vệ “đốm lửa” của cô.
Đây cũng là truyện ngắn giúp Arimah đoạt giải African Commonwealth Prize năm 2015. Trong Who Will Greet You at Home – truyện ngắn từng được đăng trên The New Yorker và đã vào đến chung khảo giải National Magazine Award – một cô thợ làm đầu đã tạo ra một đứa bé từ những sợi tóc, chỉ để rồi khám phá ra sự thèm ăn vô tận của nó.
Trong What It Means When a Man Falls from the Sky – truyện ngắn u tối được lấy làm tiêu đề, đồng thời là ứng viên chung khảo giải Caine Prize năm 2016 – một phụ nữ chuyên “tính toán” nỗi đau đã phải đối mặt với câu hỏi “Liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không thể quên, nếu mọi cảm xúc của những người mà bạn đã từng ‘nuốt trôi’ đau khổ của họ nay quay trở lại?”
14 câu chuyện hoàn mỹ mới mẻ này đến từ một bậc thầy chuyên viết về sự phản bội, xa cách và những xung đột thầm lặng trong gia đình.
Trong The Same People, khi một cặp vợ chồng đã kết hôn được hàng thập niên chuẩn bị chấm dứt cuộc đời mình, người vợ nói, “Tôi ước gì chúng ta đã có con.” Người họa sĩ trẻ tuổi gốc Memphis trong The Lineaments of Gratified Desire thì phải chứng kiến hôn sự của mình bị lung lay, khi anh được một gã nhà giàu 83 tuổi thuê vẽ bức chân dung khỏa thân của cô gái 23 tuổi, người-sắp-trở-thành-vợ-anh. Trong Veterans Night, hai cựu binh Iraq đã uống cognac với một cựu binh Việt Nam – người sở hữu một quán bar tại Memphis, và câu chuyện kết thúc trong bi kịch.
Với giọng trần thuật ảm đạm của Map-Reading, một người đàn ông đồng tính đã sống xa cách gia đình mình, nay gặp lại người em gái cùng cha khác mẹ trong một ngày mưa gió; anh nói “Đây là cuộc sống ở thế gian này: em sẽ bị ướt đẫm ngay cả khi mang theo dù.”
Cây bút của New Yorker, David Owen, đã xem xét về nguồn gốc, phạm vi và hiện trạng của sông Colorado ở miền Tây nước Mỹ, vốn đang cấp nước sinh hoạt cho hơn 36 triệu người, nước tưới cho sáu triệu mẫu đất nông nghiệp và là động lực của hai nhà máy thủy điện lớn nhất đất nước.
Trong thế kỷ qua, nước sông đã bị “phân bổ quá mức” – Owen viết; sự mất cân bằng này càng trở nên trầm trọng do hạn hán ở miền Tây. Tác giả đưa chúng ta đến các điểm quan trọng dọc theo con sông, từ Grand Canyon đến Las Vegas, từ Thung lũng Imperial đến Biển Salton. Owen mô tả cuộc đấu tranh chống lại tình trạng thiếu nước và những giải pháp có thể nảy sinh trong tương lai, bao gồm việc khử muối, chuyển hướng các dòng sông khác và gieo mây (cloud seeding).
Where the Water Goes chứa đựng một lập luận hùng hồn về việc giải quyết các tác động của con người lên thế giới tự nhiên.
Cooley đã dành 14 tháng nghỉ phép để rời khỏi cuộc sống tại Brooklyn, và đến ngôi làng thời trung cổ Castiglione del Terziere cùng người chồng Antonio Romani, nhà văn và dịch giả người Ý. Tại đây, cô dần dần chấp nhận nỗi đau trước cái chết của tám người bạn thân trong suốt mười năm qua. Mẹ cô, người đã gần 90 tuổi, cũng ngày càng trở nên yếu đuối.
Còn bố cô thì mắc chứng suy giảm trí tuệ. Những mất mát ấy, cô viết, “đã làm tôi thất vọng.” Cooley miêu tả cuộc sống hàng ngày của mình cùng Antonio, những con mèo hoang, những con dơi, và những người dân làng họ gặp. Cô suy ngẫm về thời gian, cái chết và tham vọng. Giữa dòng suy tưởng, cô nhận ra mình đang ở đoạn kết hơn là ở phần mở đầu – một cuốn tiểu thuyết mới, một cuộc hôn nhân mới.
Trong những bài tiểu luận trữ tình này, một cách gián tiếp, Cooley mang người đọc theo cùng, để cùng cảm nhận khi thời gian dần nơi lỏng vòng kìm kẹp của nó, cho phép một sự tự đổi mới xuất hiện.
Leonora Carrington – một họa sĩ siêu thực, một nhà văn chuyên viết những câu chuyện đen tối và kỳ quặc – đã lần đầu tiên xuất bản tập truyện của mình (bao gồm cả ba tác phẩm chưa từng ra mắt trước đó). Các truyện viết bằng tiếng Pháp được dịch bởi Kathrine Talbot, còn bằng tiếng Tây Ban Nha thì được dịch bởi Anthony Kerrigan.
Sinh ra ở Lancashire vào ngày mà Mỹ tuyên chiến với Đức, Carrington đã chạy sang Pháp cùng Max Ernst khi mới 19 tuổi. Khi Ernst bị bắt giữ, Carrington trở nên loạn trí, rồi cuối cùng bị đưa vào viện tâm thần và được điều trị bằng thứ thuốc tương đương với liệu pháp sốc. Phải chứng kiến những sự thật độc ác và khủng khiếp, bà đã viết những câu chuyện với đầy những sinh vật máu me giữa những động vật, thực vật, khoáng chất và con người.
Một nhân vật đã dùng một con linh cẩu để thế chỗ cho mình trong dạ tiệc trưởng thành; một người khác thì đến thăm ngôi nhà gần bên và khám phá ra rằng những người hàng xóm của cô đã chết từ rất lâu, họ có thể là ma cà rồng. Giống như những bức tranh của bà, những câu chuyện của Carrington vẫn vẹn nguyên nỗi ám ảnh.
Nữ nhà văn người Pháp, Anne Garreta – một thành viên của Oulipo, nơi đặt ra những ràng buộc về cấu trúc đối với sáng tác văn chương – đã viết: “Chỉ có một chìa khóa để mở ra bí mật về tính chủ quan của chúng ta: sự ham muốn.”
Tác giả cuốn tiểu thuyết ngắn này, do Emma Ramadan dịch từ tiếng Pháp, đã cam kết viết năm giờ mỗi ngày trong một tháng, nhớ lại ký ức về những người yêu trong quá khứ. Mục tiêu là “không ngày nào mà không có một người phụ nữ.” Hơn một năm sau, cô đã viết được khoảng một tá chân dung mô tả. Từ B, người có sức hấp dẫn là “sức mạnh tinh thần vô cùng chính xác,” trong một đêm mơ hồ tại Rome. Đến E, một người bất ngờ trở nên quyến rũ sau một cuộc hội thảo khoa học chán ngắt.
Những cuộc gặp gỡ và những điều khác nữa cứ lần lượt xuất hiện Garreta theo đuổi công việc vui tươi của mình – “thú tội, hoặc là cạo mặt sau của những chiếc gương.” Not One Day đã đoạt giải Prix Médicis của Pháp.
Nhà phê bình danh giá Adam Kirsch đem đến góc nhìn mới mẻ về giới văn chương trong tập luận văn về tám nhà văn trên toàn thế giới, những người nói sáu ngôn ngữ và sống tại năm châu lục. Điều khiến tám con người này hòa làm một, theo Kirsch lập luận, là “sự nhấn mạnh vào chiều kích toàn cầu, không chỉ là của những trải nghiệm đương đại, mà còn của trí tưởng tượng đương đại.”
Các tiểu thuyết về sự di cư là một trong những biểu hiện văn chương quan trọng nhất của thế kỷ 21. Trong Americanah của Chimamanda Ngozi Adichie và The Reluctant Fundamentalist của Mosin Hamid, nước Mỹ là “một giai đoạn của cuộc đời chứ không phải là điểm đến cuối cùng.” Đánh giá hai cuốn sách này cùng với Snow của Orhan Pamuk, Oryx and Crake của Margaret Atwood, IQ84 của Haruki Murakami, 2666 của Roberto Bolano, các tiểu thuyết về vùng Naples của Elena Ferrante và The Possibility of an Island của Houllebecq, Kirsch trao gửi hy vọng về “khả năng mà tiểu thuyết có thể tiết lộ về nhân loại cho chính bản thân họ.”
Kim Phụng (bookaholic.vn - Theo BBC)