La Symphonie Pastorale của tác giả
André Gide có nhiều bản dịch tiếng Việt, trong đó bản dịch của Mai Kim Ngọc lấy tên
Bản Đàn Thôn Dã, bản dịch của Ðoàn Văn Khanh lấy tên
Khúc Nhạc Đồng Quê, còn một bản dịch nữa của Bùi Giáng thì có tên là
Hòa Âm Điền Dã.
Cuốn sách nào của Gide cũng mang chất hàm hỗn dị thường, là khởi từ duyên cớ đó. Dịch Gide thật là một điều đáng ngại. Ông trích dẫn lơ thơ một câu trong Kinh Thánh, một câu của Saint Paul - nhưng ông "rút một dây" mà chấn động cả một rừng...
***
Đã ba hôm nay tuyết rơi không ngớt cơn, đường sá hoàn toàn bế tắc. Tôi không đi tỉnh R. làm lễ như thông lệ một tháng hai lần đã mười lăm năm qua. Sáng nay tại nhà thờ Breville chỉ có ba chục tín đồ tới.
Nhân dịp rảnh rỗi bất đắc dĩ vì không ra được khỏi nhà, tôi ngồi ôn lại từ đầu sự việc đã xui khiến tôi đón Gertrude về nuôi.
Tôi đã dự định viết ra đây từng bước nhỏ sự phát triển của tâm hồn ngoan đạo này mà tôi đã mang từ bóng đêm u tối ra như với mục đích duy nhất để tôn quý và yêu thương. Cám ơn Thượng Đế đã giao phó cho tôi nhiệm vụ.
Câu chuyện khởi đầu đã đúng hai năm sáu tháng. Hôm đó tôi đi Chaux-de-Fonds về, có con bé lạ mặt vội vã tới tìm tôi để dẫn đi thăm một bà cụ sắp chết cách đấy bẩy cây số. Xe còn thắng ngựa, tôi bảo con bé lên ngồi sau khi với cây đèn bão mang theo, e rằng chắc phải đến đêm mới xong việc.
Tôi vẫn tự cho là mình thông thạo vùng này, vậy mà vừa quá khúc rẽ sau sơn trại Saudraie, con bé chỉ cho tôi một con đường ngang tôi chưa từng phiêu lưu rẽ vào. Tuy nhiên quá đó hai cây số, phía tay trái, tôi nhận ra một cái hồ có phong cảnh huyền bí mà hồi nhỏ tôi đã đôi lần tới trượt băng. Khoảng mười lăm năm nay đã không trở lại vì không có mục vụ nào ở đây. Có ai hỏi có lẽ tôi cũng không còn biết hồ ở đâu, lại cũng không nghĩ đến nữa nên chi khi bất thần thấy hồ sáng chói trong ráng chiều huy hoàng tôi tưởng như thấy lại cảnh cũ từ một giấc mơ.
Con đường chạy dọc theo con sông nhỏ một quãng, để cắt ngang cuối rừng và men theo một bãi đầm lầy. Chỗ này thì chắc chắn là tôi chưa bao giờ đặt chân tới.
Mặt trời từ từ lặn và tôi chạy xe trong bóng hoàng hôn đã một lúc khá lâu, sau cùng con bé chỉ cho tôi bên đồi một căn nhà tranh tưởng như bỏ hoang nếu không có làn khói mảnh bốc lên, màu xanh trong bóng râm chuyển thành màu vàng óng của nắng chiều. Tôi buộc ngựa vào cây táo gần nhà rồi theo chân con bé bước vào một căn phòng tối, nơi bà cụ vừa mãn phần.
Tôi sững người vì quang cảnh trang trọng, cũng như sự tĩnh lặng, và vẻ trang nghiêm của giây phút. Có người đàn bà dáng còn trẻ đang quỳ bên giường. Con bé người làm mà tôi đã tưởng là cháu bà cụ bước tới cuối phòng châm ngọn đèn khói um, rồi lặng lẽ tới đứng bên giường.
Trên đường tới đây, tôi đã gợi con bé mà chỉ được trả lời vài câu vắn tắt.
Người đàn bà quỳ bây giờ đứng dậy. Bà không phải người nhà như tôi đoán, mà chỉ là chỗ hàng xóm tốt bụng, bạn vớì bà cụ, khi được báo tin là bà cụ sắp đi đã sốt sắng sang giúp đỡ và tình nguyện ở lại canh thi hài. Bà bảo bà cụ đi nhẹ nhàng không đau đớn gì. Chúng tôi bàn tính về tang lễ cho người mãn phần. Trong miền đất hẻo lánh này, nhiều lần tôi đã phải tự tay cắt đặt mọi chuyện cho tang gia. Tôi thoáng thấy không yên tâm vì phải giao phó căn nhà dù nghèo hèn này cho người hàng xóm và con bé người làm. Đây chỉ là mái tranh xơ xác, nhưng biết đâu lại chẳng có bảo vật cất giấu trong xó xỉnh nào. Lo vậy, nhưng thật ra tôi cũng không làm gì hơn được. Tôi hỏi xem ai là người thừa kế.
Bà hàng xóm bấy giờ cầm cây nến bước tới góc nhà, và tôi nhận ra lờ mờ có người ngồi xổm bên bếp lửa, mớ tóc dày che hết khuôn mặt. Bà giải thích:
“Tôi nghe đứa ở kể thì con bé mù này là cháu bà cụ; hình như gia đình chỉ có vậy, vỏn vẹn hai bà cháu. Chắc rồi phải đưa nó đi cô nhi viện thôi. Nếu không, biết ai trông nó bây giờ.”
Tôi lúng túng thấy bà lớn tiếng bàn bạc về số phận con bé ngay trước mặt nó, sợ những lời sống sượng làm nó buồn lòng. Tôi nhỏ nhẹ nhắc khéo bà nên có chút tế nhị:
...
Mời các bạn đón đọc
Bản Đàn Thôn Dã của tác giả
André Gide.