Cô đơn, một mảng đề tài được khá nhiều cây bút trẻ hiện nay khai thác như Nguyễn Ngọc Thạch có Lưng chừng cô đơn, Phan Ý Yên với tác phẩm Người lớn cô đơn, Nguyễn Hữu Tài với Cô đơn thẳng đứng, tác giả Thủy Anna với cuốn sách Cô đơn cũng không khóc...
Hay đâu đó trên mảnh đất Ba Lan, Janusz Leon Wisniewski đã thấy Cô đơn trên mạng, thậm chí Aoyama Nanae còn tìm được một Ngày đẹp trời để cô đơn…
Nhưng với Minh Nhật, nỗi cô đơn của anh mang một kiểu rất riêng. Nỗi cô đơn ấy phẳng lặng, tựa như mặt hồ mùa thu hơi se lạnh, thoang thoảng hương hoa, tinh tế chứ không nồng nàn như nước hoa …
Không chỉ vậy, anh biến cô đơn thành một thứ gì đó rất thi vị, kiên nhẫn len lỏi từng chút một chứ không đánh thẳng vào cảm xúc con người ta, khơi gợi khiến người đọc chìm đắm, luôn muốn tận hưởng cái gọi là “cô đơn” của anh.
Đến với Lạc lối giữa cô đơn của Minh Nhật bạn sẽ càng hiểu rõ hơn vì sao anh lại được nhiều độc giả trẻ yêu mến không chỉ riêng với thế hệ 9x đời đầu.
Có thể nói đây là một cuốn sách thú vị cho những ai muốn thêm vào bộ sưu tập "cô đơn" của mình. Biết đâu bạn sẽ nhìn thấy phần thật nhất của con người mình hoặc phải "ồ" lên khi phát hiện ra câu truyện này chính là một phần ký ức ta.
Ngay trong phần mở đầu cuốn sách Minh Nhật viết: “Cuốn sách này được viết trong những đêm dài… một mình…mất ngủ và đầy khói thuốc.
Viết cho những kẻ ban ngày cười nói hân hoan để khi đêm xuống lạc lõng, cô đơn và mâu thuẫn ngay chính trong bản tự của mình.
Nếu bạn sống về đêm, ngẫm về đêm và yêu bóng tối đến mê muội như cách yêu chính cái phần con người thật nhất của mình khi ấy…
Thì cuốn sách này ‘Lạc lối giữa cô đơn’ thực sự dành cho bạn”.
Trong Lạc lối giữa cô đơn, bạn thấy một Minh Nhật mang nặng nỗi sầu, nhiều băn khoăn về cuộc sống hàng ngày. Vẫn một Minh Nhật làm lay động lòng người bằng những câu chuyện nhẹ nhàng mà buồn da diết. Cảm giác của sự cô đơn ấy ta không thể định nghĩa được một cách thật rõ ràng, cứ lửng lơ; lưng chừng trong nỗi buồn, sự trống vắng, hoài vọng, xót xa và rồi loay hoay, lạc lối.
Theo tác giả, cảm xúc cô đơn không có ngay khi chúng ta vừa mới sinh ra, mà có khi ta bắt đầu biết yêu một ai đó. Thế nên, chỉ một cô gái là người yêu cũ của người yêu cũng làm ta chạnh lòng, rơi vào trạng thái cô đơn. Đôi khi là vì những điều chẳng thể gọi tên như một cơn mưa tháng ba vô tình đi lạc, một khoảng sân rực rỡ gợi nhớ về tuổi thơ... Cô đơn cứ thế, tự đến, rồi tự đi… cũng có khi tự ở lại.
Lạc lối giữa cô đơn chỉ vỏn vẹn mười bốn câu chuyện nhỏ, xuyên suốt tất cả những truyện ngắn trong tác phẩm, những nhân vật đều có cùng một điểm chung đó là cô đơn.
Từ cô gái dường như khủng hoảng vô cực sau chia tay, việc người con cảm thấy mình như gục ngã sau khi bố mất, một cô gái không bao giờ ngước nhìn lên hay chàng trai chật vật trong nỗi nhớ người thương đã xa... Tất cả các nhân vật đều mang trong mình những tổn thương, những nỗi đau không phải ai cũng thấu. Họ mang nội tâm khá phức tạp và trên con đường đang đi, họ dường như đã lạc lối. Và trong số đó, có người may mắn có bạn ở bên chia sẻ nhưng có người chỉ biết gửi gắm tâm tư qua những bức thư…
Trong tác phẩm lần này, Minh Nhật đã thể hiện cái "tôi" quyết đoán, những câu truyện trong tác phẩm không chỉ dừng lại ở chuyện tình cảm như Nơi những cơn gió dừng chân. Thay vào đó là suy ngẫm, chiêm nghiệm, sâu sắc, chững chạc, hoài niệm, triết lí của một người từng trải và sự trần trụi đến chân thực về trăn trở tuổi trẻ, thế giới của người cô đơn về tình yêu, tình bạn, thế sự, cảm xúc của tuổi trẻ mông lung.
Đây có thể coi là mốc đánh dấu bước chuyển mình trong phong cách của tác giả trẻ Minh Nhật.
Khi gấp lại những trang sách cuối cùng, bạn sẽ có cảm giác như đang lạc vào một thế giới đơn giản mà tinh tế, được sống thật với bản thể của mình. Chắc chắn rằng bản thân ai cũng một lần đi qua những cảm xúc ấy và rồi sẽ còn tiếp tục gặp lại ký ức ấy trong quãng đời còn lại. Cuộc sống vốn dài, đủ để ta loay hoay mải miết tìm lại mình giữa những vùng cô đơn…
Một thành công nữa của Minh Nhật nằm ở chỗ khi độc giả gặm nhấm từng trang sách Lạc lối giữa cô đơn vào những lúc cô đơn, buồn tủi nhưng cảm xúc của họ chỉ dừng lại ở mức “cô đơn” đơn thuần chứ không hề “cô độc”. Minh Nhật không ru ngủ người đọc trong nỗi cô đơn, anh luôn hướng họ về cuộc sống tràn ngập điều kì diệu bên ngoài.
Nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng cuốn sách này không quá xuất sắc, không rất hay... nhưng rất đáng để chúng ta đọc và suy ngẫm.
Nguyên Phương - Zing.vn