Nhà văn Nguyễn Đình Thi, một nghệ sĩ đa tài, tác giả ca khúc Người Hà Nội, một bản hùng ca trữ tình sẽ còn sống mãi trong trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam.
Nguyễn Đình Thi lại là tác giả vở kịch Rừng trúc viết về một trang sử bi tráng cuối thời Lý, đầu thời Trần với những nhân vật Lý Chiêu Hoàng và Trần Thái Tông có đời sống nội tâm sâu sắc… Một vở kịch được công diễn thành công vang dội sau khi tác giả đã từ trần.
Là một tác giả lớn, ông đã dành tài năng của mình viết cho thiếu nhi một tác phẩm để đời: Cái Tết của Mèo con. Đó là một truyện ngắn xinh xắn viết về một chú Mèo con non nớt đã vươn mình trở thành mèo như thế nào.
Câu chuyện bắt đầu bằng một nét đẹp tình cảm gia đình rất thân thuộc: bà đi chợ về mua cho cháu một món quà… Một cái bánh ư? Một món đồ chơi ư?... Ồ không, một món quà rất sinh động: một con mèo nhỏ… một thú cưng?
Bạn đọc hiện đại hôm nay thường nghĩ đến con mèo con như một thứ đồ chơi, một "em bé" để chúng ta vuốt ve, cho ăn sữa và tắm rửa cho nó bằng xà phòng thơm… Mèo con của nhà văn Nguyễn Đinh Thi lại rất khác!
Bạn đọc sẽ được tác giả dẫn dắt vào một không gian cái bếp truyền thống xa xưa, với cái kiềng, bếp tro, với bác nồi đồng, chị chổi rơm, cái chạn bếp… Trong không khí một đêm đông cổ tích tối tăm, lũ chuột nhắt và con chuột cống dữ tợn xuất hiện. Chúng phá phách, ăn uống, hát hò nghênh ngang như những tên du côn ăn cướp. Chú Mèo nhỏ yếu ớt cùng những nhân vật hiền lành của cái bếp cổ truyền đó tưởng chừng như sẽ bị lũ chuột côn đồ bắt nạt ăn hiếp mãi mãi…
Những trang chữ lại dẫn chúng ta tới một mảnh sân làng quê cổ truyền với cây cau, với hoa đỏ, bướm vàng… chú Mèo con bắt đầu gặp gỡ với Gián đất, với cụ Cóc Tía với đàn gà, Gà mẹ và ổ trứng… Mèo con bắt đầu nhận ra mình biết nhảy nhanh, trèo giỏi, mình có móng, có vuốt, có răng sắc… mình là kẻ có sức mạnh! Thế rồi cuộc va chạm đầu tiên với con rắn Hổ mang để cứu ổ trứng của Gà mẹ đã khiến chú Mèo con phấn chấn… Mèo con đã tỉnh ngộ, nó không muốn bị bắt nạt nữa.
Đêm đông giáp Tết đã đến, trong cái bếp cổ truyền đầy ắp thức ăn thơm lừng. Lũ chuột côn đồ quen mui kéo tới, nhưng nơi đây đã khác trước, lũ chuột không còn tự do hoành hành được nữa, Mèo con đã dám đối đầu đánh lại Chuột cống. Sự dũng cảm của Mèo con đã khiến chị Chổi và bác Nồi đồng vùng dậy góp sức, ra tay! Lũ Chuột đã bị đánh tơi bời trong sự hả hê của bạn đọc.
Thế là trong cái Tết đầu tiên của mình, Mèo con được âu yếm hưởng thụ một mùa xuân tươi đẹp thanh bình.
Thưởng thức từng câu chữ của truyện Cái Tết của Mèo con hôm nay, tôi như nhớ lại những hình ảnh sinh động của bộ phim hoạt hình cùng tên với nét vẽ tài hoa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã từng làm say mê lớp thiếu nhi những năm 1960, 1970 của thế kỷ trước.
Tôi lại nhớ đến những dịp được gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Đình Thi, đặc biệt trong một cuộc giao lưu với các em thiếu nhi ở Cung thiếu nhi Hà Nội vào những năm 1980. Sau một bài nói chuyện thú vị với các em về việc học Văn, ông có nói một câu rất ý nhị: "Các cháu cố gắng học tập cho giỏi, rèn luyện thân thể tốt để làm gì nhỉ?" Ông dừng lời nhìn các cháu để chờ đợi một câu trả lời, thế rồi trong không khí im lặng trước trăm ánh mắt háo hức nhìn ông, nhà văn đã tự trả lời "…Để mà… đánh Chuột!"
Cả một tràng pháo tay đã vang lên hoan nghênh lời nhà văn yêu quý, các em như cùng nhớ đến nhân vật Mèo con! Chú Mèo con, nhân vật tượng trưng cho sức mạnh người hiền của nhà văn Nguyễn Đình Thi sẽ còn đồng hành mãi với các thế hệ thiếu nhi Việt Nam.