Khi đọc Chậm, độc giả sẽ luôn có thể phá lên cười và say mê theo từng suy tưởng của nhân vật Kundera trong một đêm hè xao động. Trong tiểu thuyết, Kundera kể lại hai câu chuyện tình, cách nhau hai trăm năm nhưng có chung một bối cảnh: Một khách sạn bên bờ sông Seine thơ mộng, trữ tình. Hai câu chuyện đó đan cài vào nhau và cùng dao động giữa hai thái cực: Cái thiêng và cái tục. Ẩn dưới những thiên truyện ảo mộng và phóng đãng này là những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc của nhà văn về đời sống hiện đại, về mối liên hệ bí nhiệm giữa sự chậm rãi và ký ức, giữa khát khao lãng quên chính đời sống và lựa chọn sống “gấp” ngày nay.
Có một mối liên hệ bí ẩn giữa sự chậm rãi và ký ức, giữa tốc độ và lãng quên. Ta hãy xem một tình huống hết sức tầm thường: Một người đang đi trên phố. Chợt một lúc anh ta cố nhớ lại một điều gì đó, nhưng trí nhớ cứ tuột đi. Bất giác vào lúc ấy anh ta bước chậm lại. Ngược lại, một người đang muốn quên đi một chuyện khó chịu vừa xảy ra thì tự nhiên bước nhanh hơn, dường như anh ta muốn nhanh chóng tránh ra xa cái vẫn đang gần mình về mặt thời gian. Trong môn Toán học hiện sinh, kinh nghiệm này có dạng hai phương trình cơ bản: Mức độ chậm tỷ lệ thuận với cường độ trí nhớ, mức độ nhanh tỷ lệ thuận với cường độ lãng quên.
Chậm của Milan Kundera. Ảnh: NN |
Sau những chương mở đầu, độc giả sẽ được Kundera giới thiệu về những ý niệm của chủ nghĩa hưởng lạc và hiện tượng xã hội hiện đại đang làm giới hạn khả năng tận hưởng những điều thanh nhã và đẹp đẽ của cuộc sống. Với một chủ đề “nghiêm túc” như thế nhưng Chậm lại được viết rất thiếu nghiêm túc, rất nhiều những câu văn đầy mỉa mai, bất kính, thậm chí là… lan man. Cuốn sách như chuyện trò thân mật giữa những người bạn ngà ngà say, “tung chiêu xuất chưởng” đấu khẩu thông minh và duyên dáng trong một quán cà phê văn chương nào đó ở Paris.
Vì sao cái thú chậm rãi đã biến đâu mất rồi? Ôi, họ đâu rồi, những chàng lười của những ngày xưa? Họ đâu rồi, những nhân vật vô công rồi nghề trong các bài hát dân gian, những gã lãng du lang thang từ cối xay gió này đến cối xay gió khác và đêm đêm ngủ dưới ánh sao trời? Có phải họ đã biến mất cùng với những dấu chân, với thảo nguyên, với những khoảng rừng thưa, với thiên nhiên? Có một câu tục ngữ Séc mô tả sự nhàn rỗi dịu ngọt của họ bằng một câu ẩn dụ: “Họ ngắm nhìn các cửa sổ nhà Trời”. Người ngắm nhìn cửa sổ nhà Trời không hề buồn chán; đó là người sung sướng. Trong thế giới chúng ta, sự nhàn rỗi bị chuyển thành sự ngồi không, đấy là một điều hoàn toàn khác: Người ngồi không là người buồn phiền, bứt rứt, luôn luôn phải đi kiếm những hoạt động mà anh ta thiếu.
Tại sao chúng ta lại ám ảnh về danh tiếng và sự chú ý đến thế? Kundera “đổ lỗi” cho sự phát minh của nhiếp ảnh tiếp sau đó là điện ảnh và truyền hình. Kundera bóc trần thói háo danh tồn tại ở những cấp độ tế vi trong tất cả chúng ta. Ông chỉ ra rằng vinh quang không chỉ là chuyện riêng của những người nổi tiếng mà nó liên quan đến tất thảy mọi người. Sự ám ảnh dành cho các diễn viên và các nghệ sĩ giải trí của chúng ta được lý giải như là nhu cầu được sống như những “kẻ được chọn”, những “vũ công” với cuộc đời sống động và đẹp đẽ.
Tiểu thuyết gia Milan Kundera. Ảnh: NN. |
Chúng ta đuổi theo những điều phù phiếm và luôn luôn là kẻ thất bại, Kundera khẳng định. Và cuối cùng, chúng ta lại có một thèm muốn duy nhất là quên đi chính đời sống đó, muốn bôi xóa và tiêu hủy tất cả những dấu vết của nó và tìm đến tốc độ như một sự cứu rỗi, để lãng quên tất thảy.
Có thể tiểu thuyết này sẽ khiến chúng ta có cảm giác rằng chính tác giả của nó là một “vũ công” cừ khôi, nó là cách để Kundera gây ấn tượng với độc giả về sự hài hước và hoạt ngôn, những quan sát tinh tế về bản tính của con người, của chúng ta. Có thể Chậm không gây ra hiệu ứng này mạnh mẽ như những tiểu thuyết nổi tiếng khác của Kundera nhưng nó vẫn là một trải nghiệm đọc vô cùng lôi cuốn.