DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Một tác phẩm văn học tiêu biểu, xứng đáng của một dân tộc cũng là một tác phẩm hàm chứa những tính phổ biến và sâu xa của nhân loại.

Đông Chu Liệt Quốc là một pho cổ sử, một áng văn tuyệt tác của nền văn học cổ đại Trung Hoa mà sự thâm thúy của các nhà du thuyết, tài ứng xử trong cách đối nhân xử thế, những lý và đạo trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của các bậc đế, vương, bách gia chư tử của hàng chục vương triều và hàng trăm tiểu quốc diễn ra trong suốt 500 năm lịch sử trước Công Nguyên ở nước Trung Hoa cổ đại, đã trở thành những điển tích có ảnh hưởng lớn đến nền văn chương nước nhà, nhất là các nho sĩ thời phong kiến.

Đông Chu Liệt Quốc được viết theo lối tả truyện chương, hồi, theo phương pháp tự sự, ghi chép khá chân thực lịch sử các cuộc chiến tranh, các mưu đồ vương bá, mở đầu bằng nhà Đông Chu (Chu Tuyên Vương) và kết thúc bằng nhà Tần (Tần Thủy Hoàng) gồm thâu Lục quốc (Triệu, Sở, Tấn, Tề, Ngụy, Hàn) thống nhất nước Trung Hoa ngày ấy.

Người xưa nói: “Đọc bộ sách này bằng mấy mươi sách khác” thật không ngoa. Bởi vì sách đã phản ánh quá trình hình thành, tồn tại, phát triển và tiêu vong của biết bao triều đại trong năm thế kỷ với những cuộc chiến tranh triền miên, nạn chém giết, xâu xé, tiếm đoạt, tài ứng xử, thói ươn hèn của từ các bậc quân tử đến hàng tiểu nhân, từ những trí thức Nho gia đến hàng dân dã…, trong đó có cả tệ tham quyền, cố vị đến mọi thủ đoạn gian xảo, từ các cách sống xa hoa, dâm loàn của các đế vương đến những đời thường cơ cực, những nạn nhân của thời ly loạn.

Tính hấp dẫn của cách tả truyện mang tính sử thi ở sách Đông Chu Liệt Quốc được chắt lọc từ những sự kiện lịch sử thâu tóm, không dài dòng kể lể, cũng không đi vào những chi tiết huyễn hoặc, ma quái, Phật trời kiểu Tây Du Ký, Đông Du Bát Tiên của Ngô Thừa Ân và các tác giả thời Tống.

Qua các chương, hồi của sách Đông Chu Liệt Quốc, sự thật được phơi bày qua từng lời nói và hành động của các nhân vật, các luận thuyết, rồi quyền biến bằng các lệnh truyền, phán quyết của các vị vương, công hầu, khanh tướng với tài dẫn giải có lớp lang, trình tự trước, sau, trên, dưới, quyện chặt từ đầu đến cuối của cả bộ sách, khiến người đọc theo dõi say sưa và trọn vẹn, theo kiểu ghi chép khách quan của nhà làm sử.

Bao nhiêu kẻ sĩ, khanh tướng, công hầu, bao nhiêu nhà thuyết khách cỡ Trương Nghi, Tô Tần, Kinh Kha, từ những bậc chiêu hiền, đãi sĩ, sống mộ điệu như Mạnh Thường Quân, cho đến những kẻ cơ hội đầy toan tính xảo quyệt con buôn, kể cả việc mua vua, bán chúa như Lã Bất Vi, Huyền Cao của hai nước Triệu, Trịnh, đều được sao chép thật công phu, chu đáo, mà hữu ý một cách vô tình.

Với cách nhìn đổi mới trong việc đánh giá, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của loài người, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội 6 của Đảng ta, việc tiếp thu các tinh hoa của nền văn minh Hán học với sự hiện diện của bách gia chư tử các triều Trung Hoa cổ đại được coi là sự gạn đục khơi trong trong việc chắt lọc những hạt ngọc của muôn đời.

Giới thiệu bộ sách Đông Chu Liệt Quốc, chúng tôi mong đưa đến tay bạn đọc một áng cổ văn uyên bác, tuy xa xưa mà ý nghĩa thâm sâu về cuộc đời, thuật làm người và dùng người, tính triết lý trong việc hiểu người biết ta, ngẫm nghĩ điều hay, chuộng lẽ phải, ghét bạo quyền, thói giảo hoạt, vẫn là những câu chuyện thời sự nóng hổi, được coi là những bài học muôn đời.

Mong bạn đọc góp ý phê bình.

***

Nghe lời hát, Tuyên Vương khinh sát
Giãi tình oan, Đỗ Bá hiển linh

Đời vua Tuyên Vương nhà Chu, có nước Khương Nhung nổi loạn, vua Tuyên Vương ngự giá đi đánh, chẳng may bị thua, quân chết nhiều lắm. Vua Tuyên Vương có ý lo sợ, mới thân hành ra đất Thái Nguyên, kiểm soát sổ dân, xem số người nhiều ít thế nào, để phòng khi phải gọi ra lính.

Khi vua Tuyên Vương ở Thái Nguyên trở về Kiểu Kinh, đi qua một cái chợ, bỗng thấy có lũ trẻ độ vài mươi đứa vỗ tay cùng hát.

Vua Tuyên Vương truyền dừng xe lại để nghe. Nghe tiếng lũ trẻ hát rằng:

“Thỏ mọc thì ác phải tà,

Yểm hồ Cơ bặc ấy là mất Chu!”

Vua Tuyên Vương giận lắm, truyền bắt lũ trẻ lại để hỏi. Lũ trẻ sợ hãi, chạy tán loạn cả; chỉ bắt được có hai đứa, một đứa còn bé và một đứa đã hơi lớn.

Vua Tuyên Vương hỏi rằng:

— Đứa nào dạy chúng bay hát câu ấy?

Đứa bé sợ run cằm cặp, không nói được nữa, còn đứa hơi lớn quì xuống tâu rằng:

— Câu hát ấy thực quả không phải chúng tôi đặt ra. Ba hôm trước có thằng bé mặc áo đỏ, đến giữa chợ này dạy chúng tôi hát mấy câu ấy. Không biết cớ sao chỉ trong một lúc mà huyên truyền khắp chốn kinh thành, trẻ con đứa nào cũng hát thế, chẳng phải có một chỗ này.

Vua Tuyên Vương hỏi rằng:

— Bây giờ thằng bé mặc áo đỏ ấy ở đâu?

Đứa trẻ ấy tâu rằng:

— Từ khi dạy xong bài hát thì không biết nó đi đàng nào.

Vua Tuyên Vương nín lặng một hồi lâu, rồi đuổi hai đứa bé đi, truyền cho Tư thị quan phải hiểu dụ cấm từ nay trở đi, nếu đứa trẻ nào còn hát câu ấy nữa thì cha anh đứa ấy phải chịu tội.

Vua Tuyên Vương về cung. Sáng hôm sau, vua Tuyên Vương ra triều, kể chuyện lại cho các quan nghe một lượt, rồi phán hỏi rằng:

— Câu hát ấy, các quan đoán ra thế nào?

Quan Đại tôn bá là Thiệu Hổ tâu rằng:

— Yểm là một thứ cây dâu ở trên núi, dùng làm cung được, Yểm hồ là cái cung bằng gỗ Yểm; Cơ là loài cỏ, kết lại làm cái túi đựng tên được, Cơ bặc là cái túi đựng tên bằng cỏ Cơ. Cứ như ý kẻ hạ thần thiển nghĩ thì e là một cái điềm trong nước có việc cung tên giặc giã.

Quan Thái tể là Trọng Sơn Phủ tâu rằng:

— Cung tên là một thứ binh khí. Nay nhà vua kiểm soát dân số để định đi báo thù nước Khương Nhung, kẻ hạ thần e rằng nếu việc chiến tranh không thôi thì tất có ngày mất nước.

Vua Tuyên Vương gật đầu, rồi lại phán hỏi rằng:

— Câu hát ấy tự đứa trẻ mặc áo đỏ truyền ra, chẳng hay đứa trẻ ấy là thế nào?

Quan Thái sử là Bá Dương Phụ tâu rằng:

— Đó là ý trời muốn răn nhà vua, mới sai vị sao Huỳnh Hoặc hóa làm đứa trẻ dạy câu hát ấy. Huỳnh Hoặc là Hỏa tinh, vậy nên đứa trẻ ấy mặc áo sắc đỏ.

Vua Tuyên Vương nói:

— Bây giờ trẫm xá tội cho nước Khương Nhung, rồi đem bao nhiêu cung tên ở trong kho đốt bỏ cả đi, lại cấm trong nước không ai được làm ra nữa thì cái điềm gở ấy có thể tránh khỏi được hay không?

Bá Dương Phụ tâu rằng:

— Kẻ hạ thần xem thiên văn thì cái điềm gở ấy tự hồ ở trong cung vua, không quan hệ đến việc ngoài. Vả lại mặt trời là tượng vua; mặt trăng là thuộc về loài âm, nay trong câu hát nói “Thỏ mọc ác tà” thì âm thịnh dương suy, chắc hẳn có cái họa đàn bà can thiệp đến chính trị trong nước.

Vua Tuyên Vương nói:

— Trẫm đã nhờ có Khương hậu làm chủ trong cung là một người rất hiền, bao nhiêu cung tần đều tự tay Khương hậu kén chọn cả thì bởi đâu mà lại có nữ họa được.

Bá Dương Phụ tâu rằng:

— Câu hát ấy là nói về việc sau này sẽ có, nay nhà vua tu nhân tích đức thì cũng có thể trừ được, không cần phải đốt bỏ những cung tên làm gì.

Vua Tuyên Vương nửa tin nửa ngờ, có ý không được vui, bãi triều vào cung. Khương hậu ra đón, Vua Tuyên Vương đem những lời tâu của các quan kể lại cho Khương hậu nghe.

Khương hậu nói:

— Trong cung có một việc rất lạ lùng, thiếp tôi vừa toan tâu để nhà vua được biết.

Vua Tuyên Vương nói:

— Việc gì như vậy? Hậu cứ nói.

Khương hậu nói:

— Hiện nay có một người cung nhân của Tiên Vương thuở xưa, đã ngoài 50 tuổi, có thai kể hàng 40 năm trời, đêm qua mới sinh được một đứa con gái.

Vua Tuyên Vương giật mình hỏi:

— Đứa con gái ấy ở đâu?

Khương hậu nói:

— Thiếp tôi nghĩ đó là một quái vật nên đã quăng xuống sông Thanh Thủy, cách đây độ 20 dặm.

Vua Tuyên Vương truyền đòi người cung nhân già ấy vào, rồi hỏi sự tình đầu đuôi việc thụ thai ra làm sao.

Người cung nhân già ấy quỳ xuống mà tâu rằng:

— Tiện tỳ này nghe nói về đời Hạ Kiệt, có thần nhân ở đất Bao Thành hóa làm hai con rồng vào sân nhà vua rồi nhả dãi ở trong miệng ra, bảo vua Hạ Kiệt rằng: “Ta đây là hai vua ở Bao Thành”. Vua Hạ Kiệt sợ hãi, toan đem giết đi, mới sai quan Thái sử bói một quẻ xem sao. Quan Thái sử tâu rằng: “Thần nhân giáng xuống là điềm lành! Sao nhà vua không xin lấy một dãi ấy mà cất đi một chỗ. Cái dãi ấy là tinh khí của con rồng, mình xin được tất đắc phúc”. Vua Hạ Kiệt mới làm lễ tế con rồng, đem cái mâm bằng vàng để hứng lấy dãi, bỏ trong cái hòm sơn đỏ rồi cất vào kho. Vừa cất xong thì mưa gió ầm ầm, hai con rồng bay đi mất. Từ đời Hạ qua đời Ân trải 644 năm; sang đời Chu ta, lại gần được 300 năm rồi mà chưa hề mở lần nào cả. Đến đời Tiên Vương ta, trong hòm tự nhiên có hào quang chiếu sáng, quan giữ kho phải vào tâu Tiên Vương. Tiên Vương truyền mở xem. Nội thị mở ra, rồi bưng cái mâm bằng vàng có đựng dãi rồng ấy dâng lên, Tiên Vương giơ tay đỡ lấy, đánh rơi xuống đất, dãi rồng chảy lênh láng cả ra sân, bỗng hóa thành một con giải nhỏ. Nội thị đuổi bắt thì con giải ấy chạy vào trong cung vua mà biến đi mất. Bấy giờ tiện tỳ này mới 12 tuổi, giẫm phải vết chân con giải ấy, bỗng thấy trong mình cảm động, bụng mỗi ngày một to như người có thai vậy. Vì cớ không chồng mà chửa ấy Tiên Vương lấy làm quái dị, mới giam tiện tỳ vào nơi u thất, đến nay đã 40 năm trời. Đêm qua bỗng thấy đau bụng, sinh được một đứa con gái. Nội thị thấy vậy, không dám giấu giếm, phải vào tâu với lịnh bà. Lịnh bà cho là quái vật, sai nội thị đem bỏ ra ngoài sông, tiện tỳ biết tội đã nhiều, xin nhà vua trông lại.


Giá bìa 590.000   

Giá bán

295.000 

Giá bìa 590.000   

Giá bán

295.000