Giải Mã Bí Mật Giảm Cân |
|
Tác giả | Jason Fung |
Bộ sách | |
Thể loại | Y học - Sức Khỏe |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 40 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Jason Fung Hồ Thu Phương Tham Khảo Sức Khỏe Giảm Cân Dinh Dưỡng |
Nguồn | hoimesach.com |
JASON FUNG là một bác sĩ chuyên khoa thận tại Toronto. Công việc chính của anh là quản lý các bệnh nhân chạy thận giai đoạn cuối.
Vấn đề bằng cấp đương nhiên không giải thích tại sao anh trở thành tác giả cuốn sách The Obesity Code, hay tại sao anh viết blog về chế độ ăn kiểm soát béo phì và tiểu đường type 2. Để hiểu về sự khác thường hiển nhiên đó, trước tiên chúng ta cần biết người đàn ông này là ai và điều gì khiến anh khác biệt tới vậy.
Trong quá trình chăm sóc người mắc bệnh thận giai đoạn cuối, bác sĩ Fung đã rút ra hai bài học quan trọng. Đầu tiên, tiểu đường type 2 là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới suy thận. Thứ hai, việc chạy thận, cho dù rất phức tạp và thậm chí kéo dài cả đời, chỉ có thể điều trị các triệu chứng sau cùng của một căn bệnh tiềm ẩn đã tồn tại suốt 20, 30, 40 hay thậm chí là 50 năm. Dần dà, bác sĩ Fung nhận ra, anh chỉ hành nghề y như đã được dạy: tập trung điều trị các triệu chứng của những căn bệnh phức tạp một cách thụ động, thay vì tìm cách hiểu hoặc chữa trị những nguyên nhân sâu xa của chúng.
Anh nhận ra rằng để mang đến sự thay đổi cho người bệnh, bản thân anh cần phải bắt đầu với việc chấp nhận sự thật cay đắng: ngành nghề cao quý này không còn để tâm tới việc xử lý nguyên nhân gây bệnh nữa. Thay vào đó, y học tiêu tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực để điều trị các triệu chứng.
Bằng nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân ẩn sâu dưới căn bệnh, anh quyết tâm tạo nên sự khác biệt thực sự, không chỉ cho bệnh nhân mà với cả ngành nghề mình đang theo đuổi.
Trước tháng 12 năm 2014, tôi không hề biết đến bác sĩ Jason Fung. Tình cờ một ngày tôi bắt gặp hai bài giảng của anh trên YouTube – “The two big lies of Type 2 Diabetes” (Hai điều dối trá lớn về tiểu đường type 2) và “How to Reverse Type 2 Diabetes Naturally” (Làm thế nào để đẩy lùi tiểu đường type 2 một cách tự nhiên). Với mối quan tâm đặc biệt về tiểu đường type 2, bởi lẽ chính bản thân cũng mắc chứng bệnh này, tôi cảm thấy vô cùng tò mò. Tôi tự hỏi chàng trai trẻ thông minh này là ai? Điều gì khiến anh ta khẳng định rằng tiểu đường type 2 có thể được đẩy lùi “một cách tự nhiên”? Và làm thế nào anh ta có đủ dũng cảm để cáo buộc ngành y học cao quý đang lừa dối mọi người? Anh ta sẽ cần đưa ra một luận điểm thuyết phục.
Tuy nhiên, chỉ mất vài phút để tôi nhận ra rằng bác sĩ Fung không chỉ có lý mà còn hoàn toàn đủ khả năng bảo vệ luận điểm của mình trong mọi cuộc tranh cãi về y học. Câu hỏi anh đặt ra cũng chính là thắc mắc đeo đuổi tôi suốt ba năm mà chưa tìm được lời giải. Sau khi xem hết hai bài giảng của anh, tôi biết mình đã gặp được một bác sĩ trẻ lành nghề. Chưa bao giờ tôi có thể nhìn nhận rõ rệt, hay giải thích giản đơn như bác sĩ Fung. Cuối cùng, tôi cũng hiểu được thứ mình đã bỏ lỡ.
Qua hai bài giảng này, Jason Fung đã hoàn toàn đập tan mô hình quản lý tiểu đường type 2 phổ biến hiện nay – được các hiệp hội tiểu đường khác nhau trên toàn thế giới sử dụng. Hơn nữa, anh còn giải thích tại sao mô hình sai lầm này chắc chắn sẽ gây hại tới sức khỏe của những bệnh nhân thiếu may mắn nhận được nó.
Theo Jason Fung, điều dối trá to lớn đầu tiên về việc kiểm soát tiểu đường type 2 nằm ở sự khẳng định đây là một bệnh lý mạn tính với chiều hướng xấu đi theo thời gian, kể cả với những người nhận được phương pháp điều trị tốt nhất mà y học hiện đại có thể cung cấp. Tuy nhiên, bác sĩ Fung tranh luận rằng điều này không hề đúng. Một nửa số bệnh nhân trong chương trình Kiểm soát chế độ ăn tích cực (IDM) của anh, kết hợp giữa việc hạn chế và nhịn tiêu thụ carbohydrate trong chế độ ăn, đã có thể ngừng sử dụng insulin sau vài tháng.
Vậy tại sao chúng ta không thể nhận thức được sự thật? Câu trả lời của Jason Fung thật đơn giản: chính các bác sĩ đang tự lừa dối bản thân. Nếu tiểu đường type 2 có thể chữa được nhưng tình hình bệnh nhân lại tệ đi do cách chữa trị chúng ta áp dụng cho họ, vậy thì chúng ta hẳn là những bác sĩ tồi. Và bởi lẽ chúng ta không hề bỏ ra nhiều thời gian và tiền bạc để học trở thành những bác sĩ tồi nên thất bại này không thể nào là lỗi của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta phải tin rằng mình đang làm điều tốt nhất cho bệnh nhân, những người không may mắc phải một chứng bệnh mạn tính tiến triển không thể chữa lành. Bác sĩ Fung kết luận rằng đó không phải là một lời nói dối có chủ đích, nhưng nó là một trong những xung đột nhận thức – việc không thể chấp nhận một sự thật hiển nhiên, bởi vì chấp nhận nó có thể gây tổn hại nghiêm trọng về tinh thần.
Theo bác sĩ Fung, điều dối trá thứ hai nằm ở việc chúng ta tin rằng tiểu đường type 2 là một chứng bệnh đường huyết bất thường và cách chữa trị đúng đắn duy nhất là tăng dần liều lượng insulin. Anh cho rằng tiểu đường type 2 là chứng bệnh kháng insulin với sự bài tiết insulin quá mức – trái ngược với tiểu đường type 1, loại bệnh lý gây ra bởi tình trạng thực sự thiếu insulin. Việc chữa trị cả hai bệnh lý theo cùng một cách – tiêm thêm insulin – là việc làm phi lý. Anh đặt ra câu hỏi tại sao lại chữa chứng thừa insulin bằng cách nạp thêm insulin? Điều đó chẳng khác nào dùng rượu để chữa chứng nghiện rượu.
Phát kiến mới lạ của bác sĩ Fung nằm ở việc anh hiểu được rằng điều trị tiểu đường type 2 đang tập trung vào triệu chứng của bệnh – mật độ đường trong máu tăng cao – thay vì nguyên nhân sâu xa của nó là sự kháng insulin. Và bước điều trị ban đầu cho chứng kháng insulin là giới hạn mức nạp carbohydrate. Hiểu tường tận kiến thức sinh học giản đơn này sẽ lý giải được tại sao căn bệnh có thể được điều trị hoàn toàn trong một số trường hợp – và, ngược lại, tại sao quá trình điều trị tiểu đường type 2 kiểu hiện đại, với việc không giới hạn mức nạp carbohydrate, lại khiến kết quả xấu đi.
Nhưng bằng cách nào Fung có thể có những kết luận lạ đời như vậy? Và chúng khiến anh viết nên cuốn sách này như thế nào?
Như đã nêu ở trên, ngoài nhận ra bản chất của căn bệnh và sự phi lý của việc điều trị triệu chứng thay vì loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, vào đầu những năm 2000 anh còn gần như tình cờ nhận ra sự gia tăng số lượng tài liệu viết về lợi ích của các chế độ ăn có lượng carbohydrate thấp đối với những người bị béo phì và các bệnh lý liên quan tới tình trạng kháng insulin. Vốn được dạy để tin rằng một chế độ ăn có ít carbohydrate và nhiều chất béo là có hại cho sức khỏe, anh đã bị sốc khi phát hiện ra một điều hoàn toàn trái ngược: việc lựa chọn chế độ ăn như vậy lại mang tới những kết quả vô cùng có lợi cho việc trao đổi chất, nhất là đối với những người có tình trạng kháng insulin nghiêm trọng nhất.
Và bất ngờ nhất là hàng tá nghiên cứu bị bỏ quên cho thấy, đối với việc giảm cân dành cho những người béo phì (và có tình trạng kháng insulin), chế độ ăn với lượng chất béo cao, ít nhất có hiệu quả bằng và thường là hơn so với các chế độ ăn thông thường khác.
Cuối cùng, anh không thể tiếp tục chấp nhận điều đó. Nếu tất cả mọi người đều biết (nhưng không thừa nhận) rằng chế độ ăn ít chất béo và hạn chế ca-lo hoàn toàn không hiệu quả trong việc kiểm soát cân nặng hay điều trị béo phì, vậy thì đã tới lúc nói lên sự thật. Niềm hy vọng tốt nhất cho việc chữa trị và ngăn ngừa béo phì, chứng bệnh của sự kháng insulin và sản sinh insulin quá mức cần thiết, chắc chắn phải là chế độ ăn với lượng carbohydrate thấp và lượng chất béo cao, được sử dụng cho việc kiểm soát chứng bệnh liên quan tới sự kháng insulin ở mức cao nhất – bệnh tiểu đường type 2. Và đó là lý do cuốn sách này ra đời.
The Obesity Code của bác sĩ Fung, có lẽ là cuốn sách mang tầm quan trọng bậc nhất từ trước tới nay trong số những cuốn về chủ đề béo phì.
Thế mạnh của cuốn sách nằm ở chỗ nó được dựa trên nền tảng sinh học không thể chối cãi cùng những chứng cứ được trình bày cẩn thận. Với sự thanh thoát và tự tin của bậc thầy truyền đạt, theo một trình tự hợp lý, dễ nắm bắt, các chương trong cuốn sách nối tiếp nhau phát triển một cách có hệ thống và lớp lang, một mô hình sinh học dựa trên bằng chứng về béo phì hoàn toàn có lý đi cùng những lập luận đơn giản, hợp lôgic. Cuốn sách vừa mang đủ tính khoa học để thuyết phục những nhà khoa học đa nghi, nhưng không quá nhiều thông tin tới mức làm rối trí những người không có kiến thức nền tảng về sinh học. Đây là thành tựu đáng kinh ngạc mà rất ít người viết sách khoa học có thể đạt được.
Đọc xong cuốn sách này, một độc giả cẩn thận sẽ biết được chính xác nguyên nhân nào gây ra đại dịch béo phì, tại sao những nỗ lực nhằm ngăn chặn cả đại dịch béo phì lẫn tiểu đường đều chắc chắn sẽ thất bại và quan trọng hơn, các biện pháp đơn giản nào sẽ giúp đảo ngược tình trạng béo phì của những người gặp vấn đề về cân nặng.
Giải pháp cần thiết hiện nay đã được bác sĩ Fung cung cấp: “Béo phì... chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố. Thứ chúng ta cần là một khung lý thuyết chặt chẽ và mạch lạc để hiểu được tại sao tất cả các nhân tố đó lại gắn kết với nhau. Mô hình béo phì hiện tại thường ám chỉ rằng chỉ có một nguyên do thực sự duy nhất, và toàn bộ những thứ khác đều là giả. Vô số cuộc tranh luận nổ ra... và chúng đều đúng một phần.”
Qua việc cung cấp khung lý thuyết mạch lạc có thể giải thích cho phần lớn những gì chúng ta biết hiện nay về nguyên nhân thực sự gây ra béo phì, bác sĩ Fung còn góp phần mở mang tầm hiểu biết của độc giả về rất nhiều vấn đề khác.
Anh đã cung cấp một bản kế hoạch cho việc chống lại những đại dịch y tế khủng khiếp nhất đối với xã hội hiện đại – thứ chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa và loại bỏ, nhưng chỉ khi con người thực sự hiểu những nguyên nhân sinh học gây ra chúng chứ không chỉ là các triệu chứng.
Sự thật mà anh công bố sẽ được công nhận là điều hiển nhiên vào một ngày nào đó.
Thời điểm đó càng đến sớm thì sẽ càng tốt cho tất cả chúng ta.
TIMOTHY NOAKES
Giáo sư danh dự – Đại học Cape Town, Cape Town, Nam Phi
Y HỌC thật kỳ lạ. Thỉnh thoảng, những phương pháp trị bệnh đã được công nhận lại không hiệu quả. Chỉ vì tính thủ cựu, những phương pháp điều trị này được truyền qua các thế hệ bác sĩ và tồn tại trong một khoảng thời gian dài đáng kinh ngạc. Ví dụ như việc sử dụng đỉa (để cầm máu) hoặc việc chỉ định cắt amidan.
Thật không may, điều trị béo phì cũng là một ví dụ cho trường hợp này. Béo phì được định nghĩa theo chỉ số khối cơ thể của một người (Body Mass Index – BMI), tính bằng cách lấy trọng lượng của một người theo kilôgam chia cho bình phương chiều cao của người đó theo mét. Người có chỉ số khối cơ thể trên 30 sẽ được xếp vào tình trạng béo phì. Trong suốt hơn 30 năm, các bác sĩ đã khuyến cáo một chế độ ăn với lượng chất béo thấp và ít ca-lo để điều trị bệnh này. Mặc dù vậy, đại dịch béo phì vẫn phát triển mạnh. Từ năm 1985 tới 2011, tỷ lệ béo phì ở Canada đã tăng gấp ba lần, từ 6% lên 18%.1 Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở Bắc Mỹ mà còn ở phần lớn các quốc gia trên thế giới.
Gần như tất cả những người hạn chế hấp thụ ca-lo để giảm cân đều đã thất bại. Và, thực ra thì, đâu có ai chưa từng thử cách đó? Nói một cách khách quan, phương pháp này hoàn toàn không có hiệu quả. Mặc dù vậy, nó vẫn được coi là phương pháp điều trị hàng đầu và được cố chấp bảo vệ bởi các chuyên gia dinh dưỡng.
Với tư cách là một bác sĩ chuyên khoa thận, chuyên môn của tôi là bệnh thận. Nguyên nhân gây bệnh thận phổ biến nhất là tiểu đường type 2 đi kèm với chứng béo phì. Tôi thường thấy bệnh nhân điều trị tiểu đường bằng insulin trong khi biết rằng phần lớn sẽ bị tăng cân. Các bệnh nhân này có mối lo rất chính đáng. Họ nói: “Bác sĩ, ông luôn bảo tôi phải giảm cân. Tuy nhiên, thứ insulin ông truyền vào cơ thể lại khiến tôi tăng cân quá nhiều. Nó giúp ích bằng cách nào vậy?” Trong một thời gian dài, tôi đã không có một câu trả lời thỏa đáng cho họ.
Sự khó chịu dai dẳng đó ngày một lớn thêm. Như bao bác sĩ khác, tôi đã tin rằng việc tăng cân là sự mất cân bằng ca-lo khi ăn quá nhiều và vận động quá ít. Nhưng nếu vậy thì tại sao thứ insulin tôi dùng để điều trị lại gây nên sự tăng cân quá mức?
Tất cả mọi người, các chuyên gia sức khỏe cũng như bệnh nhân, đều hiểu rằng nguyên nhân sâu xa của tiểu đường type 2 nằm ở việc tăng cân. Có rất ít trường hợp mà bệnh nhân có đủ động lực để giảm một lượng lớn cân nặng. Đương nhiên là những người này có thể chữa khỏi tình trạng tiểu đường type 2 của họ. Nói một cách lôgic, cân nặng là nguyên nhân sâu xa nên nó cần phải nhận được sự quan tâm đáng kể. Mặc dù vậy, dường như ngành y không hề để tâm tới việc chữa trị vấn đề đó. Tôi cảm thấy thực sự có lỗi với bệnh nhân. Mặc dù đã làm trong ngành y hơn 20 năm, tôi nhận ra rằng kiến thức dinh dưỡng của mình quả thực còn hạn chế.
Việc điều trị căn bệnh béo phì khủng khiếp này được phó mặc cho các tập đoàn lớn như Weight Watchers, cũng như những tay gian thương và lang băm, những người chủ yếu quan tâm tới việc rao bán những “phép màu” giảm cân mới nhất. Các bác sĩ không hề quan tâm chút nào tới dinh dưỡng. Thay vào đó, ngành y dường như bị ám ảnh với việc tìm kiếm và kê đơn những loại thuốc mới:
• Bạn bị tiểu đường type 2 ư? Đây, để tôi kê thuốc cho bạn.
• Bạn bị huyết áp cao ư? Đây, để tôi kê thuốc cho bạn.
• Bạn bị cholesterol cao ư? Đây, để tôi kê thuốc cho bạn.
• Bạn có bệnh thận ư? Đây, để tôi kê thuốc cho bạn.
Nhưng ngay từ đầu, chúng ta đáng ra phải điều trị béo phì. Chúng ta đã tìm cách điều trị những vấn đề do béo phì gây ra, thay vì điều trị béo phì. Để tìm cách hiểu nguyên nhân sâu xa gây nên béo phì, tôi đã thành lập Trung tâm kiểm soát chế độ ăn tích cực ở Toronto, Canada.
Quan điểm thông thường về béo phì không hề có ý nghĩa khi mặc định căn bệnh là một sự mất cân bằng ca-lo. Việc giảm ca-lo đã được chỉ định trong 50 năm qua mà không có hiệu quả.
Chỉ đọc những quyển sách về dinh dưỡng không giúp ích cho việc điều trị. Đó chỉ là những nhận định chủ quan, những lời trích dẫn từ các bác sĩ “có chuyên môn”. Ví dụ, bác sĩ Dean Ornish nói rằng chất béo trong thực phẩm có hại cho sức khỏe còn carbohydrate thì có lợi. Ông là một bác sĩ đáng kính, vậy chúng ta nên nghe theo ông. Tuy nhiên, bác sĩ Robert Atkins lại nói chất béo trong thực phẩm có lợi cho sức khỏe còn carbohydrate thì có hại. Ông cũng là một vị bác sĩ đáng kính, vậy chúng ta cũng nên nghe theo ông. Ở trường hợp này, ai đúng, ai sai? Trong khoa học về dinh dưỡng, người ta gần như không thống nhất được ý kiến về bất kỳ thứ gì:
• Chất béo trong khẩu phần ăn là xấu. Không, chất béo trong thực phẩm là tốt. Có chất béo tốt và chất béo xấu.
• Bột đường là xấu. Không, carbohydrate là tốt. Có carbohydrate tốt và carbohydrate xấu.
• Bạn nên ăn nhiều bữa hơn. Không, bạn nên ăn ít bữa đi.
• Hãy tính lượng ca-lo của bạn. Không, nó không quan trọng.
• Sữa có lợi cho sức khỏe. Không, sữa có hại cho sức khỏe.
• Thịt có lợi cho sức khỏe. Không, thịt có hại cho sức khỏe.
Để tìm ra câu trả lời, chúng ta cần sử dụng y học dựa trên bằng chứng thay vì ý kiến mơ hồ.
Đã có tới hàng ngàn cuốn sách nói về chế độ ăn và giảm cân, được viết bởi các bác sĩ, các nhà dinh dưỡng học, huấn luyện viên thể hình và các “chuyên gia sức khỏe” khác. Tuy nhiên, trừ một vài ngoại lệ, có rất ít người bất chợt suy nghĩ về nguyên nhân thực sự của béo phì. Điều gì khiến chúng ta tăng cân? Tại sao chúng ta trở nên béo?
Vấn đề lớn là sự thiếu sót hoàn toàn của một khung lý thuyết để hiểu về béo phì. Các lý thuyết hiện hành đơn giản một cách thái quá, thường chỉ xem xét duy nhất một khía cạnh:
• Thừa ca-lo gây ra béo phì.
• Thừa carbohydrate gây ra béo phì.
• Tiêu thụ thịt quá mức gây ra béo phì.
• Thừa chất béo trong thực phẩm gây ra béo phì.
• Tập thể dục quá ít gây ra béo phì.
Nhưng mọi bệnh lý mạn tính đều chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố, và các nhân tố này không loại trừ lẫn nhau. Chúng có thể đều góp phần theo các mức độ khác nhau. Ví dụ, có rất nhiều nhân tố liên quan đến bệnh tim – tiền sử gia đình, giới tính, việc hút thuốc lá, tiểu đường, cholesterol cao, huyết áp cao và thiếu vận động, đó chỉ là một vài nhân tố được liệt kê – và sự thật này hoàn toàn được chấp nhận. Tuy nhiên, trong việc nghiên cứu về béo phì thì mọi chuyện lại không như vậy.
Rào cản quan trọng khác trong việc tìm hiểu là sự tập trung vào các nghiên cứu ngắn hạn. Béo phì thường mất tới nhiều thập kỷ để phát triển hoàn toàn. Dẫu vậy, chúng ta thường dựa vào thông tin lấy từ những nghiên cứu chỉ kéo dài vài tuần. Nếu muốn nghiên cứu sự ăn mòn xảy ra như thế nào, chúng ta sẽ cần quan sát kim loại trong khoảng thời gian từ vài tuần cho đến vài tháng chứ không chỉ vài giờ. Tương tự, béo phì là một quá trình. Nghiên cứu ngắn hạn có thể không cung cấp nhiều thông tin.
Mặc dù hiểu rằng việc nghiên cứu không phải lúc nào cũng có thể đưa ra kết luận, tôi vẫn hy vọng, dựa vào những gì đã học được trong hơn 20 năm giúp đỡ các bệnh nhân mắc tiểu đường type 2 giảm cân vĩnh viễn để kiểm soát căn bệnh của họ, cuốn sách này sẽ cung cấp một nền tảng để phát triển.
Y học dựa trên bằng chứng không có nghĩa là nhặt lấy bất cứ bằng chứng kém chất lượng nào. Tôi thường bắt gặp các khẳng định như “chế độ ăn với lượng chất béo thấp đã được chứng minh có thể hoàn toàn chữa khỏi bệnh tim”. Dẫn chứng là cuộc nghiên cứu thực hiện trên năm con chuột. Khó có thể coi đó là bằng chứng. Tôi sẽ chỉ dẫn chứng những nghiên cứu đã được thực hiện trên người và chủ yếu là những tài liệu đã được xuất bản trong những tạp chí chất lượng cao được các học giả kiểm duyệt. Sẽ không có nghiên cứu trên động vật nào được thảo luận trong cuốn sách này. Lý do cho quyết định này có thể được minh họa bằng “Truyện ngụ ngôn về chú bò”:
Hai chú bò đang thảo luận về nghiên cứu dinh dưỡng mới nhất, được thực hiện trên những chú sư tử. Một chú bò nói với chú còn lại: “Cậu nghe người ta nói rằng chúng ta đã sai lầm suốt 200 năm qua chưa? Nghiên cứu mới nhất cho thấy ăn cỏ có hại cho sức khỏe và ăn thịt mới có lợi.” Vậy là hai chú bò bắt đầu ăn thịt. Không lâu sau đó, chúng bị bệnh và chết.
Một năm sau, hai chú sư tử thảo luận về bài nghiên cứu dinh dưỡng mới nhất, được thực hiện trên những chú bò. Một chú sư tử nói với chú còn lại rằng ăn thịt có thể gây nguy hiểm tới tính mạng và ăn cỏ mới tốt. Vậy là hai chú sư tử bắt đầu ăn cỏ và chúng cũng toi đời.
Bài học rút ra từ câu chuyện là gì? Chúng ta không phải là chuột, tinh tinh hay khỉ. Chúng ta là con người, vì vậy chỉ nên quan tâm tới những nghiên cứu trên con người. Tôi quan tâm đến chứng béo phì ở người, chứ không phải ở chuột. Tôi cố gắng tập trung vào các yếu tố nguyên nhân thay vì các nghiên cứu tương quan. Thật nguy hiểm khi cho rằng bởi vì hai yếu tố có liên quan tới nhau, thế nên một yếu tố chắc chắn là nguyên nhân gây ra yếu tố còn lại. Hãy quan sát thảm họa liệu pháp nội tiết thay thế ở những phụ nữ sau mãn kinh. Liệu pháp nội tiết thay thế có liên quan tới việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim, nhưng điều đó không có nghĩa nó là nguyên nhân khiến nguy cơ mắc bệnh tim giảm đi. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu về dinh dưỡng, không phải lúc nào cũng có thể tránh khỏi các nghiên cứu tương quan bởi chúng thường là những bằng chứng tốt nhất chúng ta có.
Phần 1 của cuốn sách, với cái tên “Cơn đại dịch”, khám phá dòng lịch sử của đại dịch béo phì và vai trò của tiền sử gia đình bệnh nhân, đồng thời cho thấy hai điều này giúp ích được gì trong việc tìm hiểu các nguyên nhân sâu xa.
Phần 2 mang tên “Sự lừa dối về ca-lo”, đánh giá lý thuyết hiện hành về ca-lo, bao gồm cả các nghiên cứu về việc tập thể dục và ăn quá mức. Những thiếu sót trong kiến thức hiện tại về béo phì sẽ được nêu rõ.
Phần 3, “Mô hình béo phì mới”, giới thiệu lý thuyết béo phì liên quan tới hormone, lời giải thích rõ ràng về việc béo phì nên được coi là một vấn đề y học. Những chương này làm rõ vai trò trung tâm của insulin trong việc kiểm soát trọng lượng cơ thể và mô tả tầm ảnh hưởng quan trọng của chứng kháng insulin.
Phần 4, “Vấn đề xã hội mang tên béo phì”, xem xét một vài yếu tố liên quan đến béo phì được giải thích như thế nào với thuyết nội tiết tố (hormone). Tại sao béo phì lại có liên quan tới sự đói nghèo? Chúng ta có thể làm gì với béo phì ở trẻ em?
Phần 5, “Chế độ ăn của chúng ta có gì sai?”, khám phá vai trò của chất béo, chất đạm và carbohydrate – ba chất dinh dưỡng đa lượng – trong việc tăng cân. Ngoài ra, chúng ta sẽ xem xét một trong các yếu tố chính dẫn tới việc tăng cân – fructose – và tác động của các chất làm ngọt nhân tạo.
Phần 6, “Giải pháp”, cung cấp những chỉ dẫn cho việc điều trị hoàn toàn tình trạng béo phì bằng cách chỉ ra sự mất cân bằng nội tiết khi insulin trong máu cao. Các hướng dẫn về chế độ ăn giúp làm giảm lượng insulin bao gồm việc giảm đường và ngũ cốc tinh chế, giữ lượng chất đạm tiêu thụ ở mức vừa phải và bổ sung các chất béo có lợi cùng chất xơ. Nhịn ăn gián đoạn là một phương pháp hiệu quả để điều trị kháng insulin mà không có nhiều tác động xấu như các chế độ ăn giảm ca-lo. Kiểm soát sự căng thẳng và cải thiện giấc ngủ có thể làm giảm mức cortisol và kiểm soát mức insulin.
The Obesity Code sẽ thiết lập một khung giúp chúng ta hiểu về tình trạng béo phì ở người. Mặc dù béo phì có rất nhiều điểm quan trọng giống và khác với tiểu đường type 2, nhưng về cơ bản, đây chủ yếu vẫn là một cuốn sách về béo phì.
Quá trình thách thức những luận thuyết hiện nay về dinh dưỡng đôi khi có thể khiến ta nản lòng nhưng những ảnh hưởng của nó tới sức khỏe quá quan trọng để có thể bỏ qua. Đâu là nguyên nhân thực sự dẫn tới việc tăng cân và chúng ta có thể làm gì để khắc phục nó? Câu hỏi này là chủ đề xuyên suốt cuốn sách. Một khung lý thuyết mới nhằm lý giải và điều trị chứng béo phì sẽ mang tới niềm hy vọng cho một tương lai khỏe mạnh của chúng ta.
Bác sĩ Jason Fung