Hoảng Loạn, Hỗn Loạn Và Cuồng Loạn - Gần 400 Năm Lịch Sử Các Cuộc Khủng Hoảng Tài Chính |
|
Tác giả | Robert Z. Aliber Charles P. Kindleberger |
Bộ sách | |
Thể loại | Kinh Tế - Tài Chính |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 7170 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Charles P. Kindleberger Robert Z. Aliber Thu Loan Quốc Anh Kinh Tế Tài Chính Lịch Sử Phân Tích |
Nguồn | tve-4u.org |
Trong khi cả thế giới, trong đó có Việt Nam, đang vật lộn để vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế từ cuối năm 2007 và kéo dài ít nhất đến hết năm 2009, thì có thể coi việc Alpha Books cùng Nhà xuất bản Tri Thức chọn dịch và cho ra mắt độc giả Việt Nam cuốn sách nổi tiếng của Charles P. Kindleberger (CPK) và Robert Z. Aliber (RZA) Hoảng loạn, Hỗn loạn và Cuồng loạn (Manias, Panics and Crashes) là một hành động rất kịp thời. Cuốn sách sẽ giúp chúng ta tìm hiểu nguyên nhân, cơ chế phát sinh, phạm vi tác động của các cuộc khủng hoảng lớn trong gần 400 năm lịch sử vừa qua, từ đó đưa ra giải pháp cho những vấn đề kinh tế hiện tại. Lần tái bản và cập nhật gần đây nhất của cuốn sách là vào năm 2005, chỉ hai năm trước khi cuộc khủng hoảng hiện nay bắt đầu và được Robert Solow – nhà kinh tế học nổi tiếng từng đoạt giải Nobel Kinh tế (1987) viết lời giới thiệu.
Như tiêu đề của cuốn sách đã nêu bật, Giáo sư Kindleberger muốn nhấn mạnh đến khía cạnh tâm lý học của các cuộc khủng hoảng kinh tế trong lịch sử nhân loại; nhưng sâu xa hơn, ông đã phân tích toàn diện các tương tác giữa hành vi và thể chế của các cuộc khủng hoảng quan trọng nhất từ thế kỷ XVII cho đến năm 2000. Vì vậy, cuốn sách thật sự là một chuyên khảo quan trọng về lịch sử khủng hoảng tài chính và kinh tế trên thế giới. Tác giả đã đi sâu phân tích mười bong bóng tài chính lớn trong lịch sử, từ bong bóng hoa tulip Hà Lan năm 1636 đến bong bóng cổ phiếu thị trường OTC ở Mỹ từ 1995 - 2000. Ngay trong lần xuất bản đầu tiên, CPK đã cố gắng làm rõ mô hình kinh tế dẫn đến khủng hoảng, các hoạt động đầu cơ điên loạn, quá trình lan truyền khủng hoảng ra thế giới dẫn đến cơn hoảng loạn trong phạm vi quốc gia và quốc tế, các mối tương quan giữa tài chính tiền tệ với bong bóng giá tài sản. Giáo sư Kindleberger cũng phân tích kỹ lưỡng các thủ đoạn lừa đảo và đề xuất các biện pháp quản lý trong khủng hoảng, vai trò của nhà nước và ngân hàng trung ương.
Tiếp cận rất nhiều sự kiện, học thuyết, quan điểm... từ cái nhìn sâu sắc và toàn diện, chắc chắn cuốn sách sẽ được các nhà hoạch định chính sách, các doanh nhân đầu tư trong lĩnh vực chứng khoán và bất động sản, các nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế quan tâm và tìm đọc. Những hiểu biết này sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cơn suy giảm kinh tế nghiệm trọng hiện nay.
Hy vọng độc giả Việt Nam, những người đang hăm hở lập nghiệp, tham vọng vươn tới thành công sẽ học được cách tận dụng cơ hội làm giàu và tránh được những rủi ro, các trò gian lận và lừa đảo mọc lên như nấm trong giai đoạn “hoảng loạn, hỗn loạn và cuồng loạn” như cuốn sách đã phân tích và chỉ rõ.
Hà Nội, tháng 7 năm 2009
Ts. LÊ ĐĂNG DOANH
Thành viên Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương
***
Đầu thập niên 1970, thế giới đã chứng kiến những sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử, như sự bất ổn của giá cả hàng hóa, tiền tệ, bất động sản và chứng khoán, cùng các cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra thường xuyên và khốc liệt. Trong nửa cuối thập niên 1980, Nhật Bản đã trải qua hai đợt bong bóng lớn trên thị trường bất động sản và chứng khoán. Suốt thời gian này, giá bất động sản và chứng khoán tại Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển thậm chí còn tăng nhanh hơn tại Nhật Bản. Đầu thập niên 1990, một đợt sóng về giá bất động sản và chứng khoán xuất hiện ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia và hầu hết các nước châu Á; năm 1993, giá cổ phiếu tăng tới 100% ở các thị trường này. Nửa cuối thập niên 1990, Mỹ cũng chứng kiến một đợt bong bóng trên thị trường chứng khoán; giá cổ phiếu của các hãng thuộc các ngành công nghệ mới như công nghệ thông tin và các công ty dot.com cũng thay đổi đột biến.
Bong bóng nào rồi cũng sẽ vỡ tung. Theo định nghĩa, bong bóng là sự gia tăng đột biến về giá cả hoặc luồng tiền. Bong bóng giá tài sản tại Nhật Bản nổ tung dẫn đến việc hàng loạt ngân hàng và tổ chức tài chính đổ vỡ, dẫn đến mức tăng trưởng kinh tế ì ạch trong hơn một thập niên. Bong bóng giá tài sản tại Thái Lan vỡ dẫn đến những hệ quả dây chuyền và giá cổ phiếu giảm sút nghiêm trọng. Một trường hợp ngoại lệ là bong bóng chứng khoán Mỹ năm 2000 nổ tung dẫn tới việc giá cổ phiếu giảm sút trong vài năm, nhưng chỉ khiến nền kinh tế Mỹ năm 2001 suy thoái ở nhẹ trong thời gian ngắn.
Sự thay đổi giá trị hối đoái của đồng đô-la Mỹ trong suốt giai đoạn này thường diễn ra mạnh mẽ. Đầu thập niên 1970, một nghiên cứu thị trường cho thấy giá trị hối đoái của đồng đô-la Mỹ đã giảm từ 10-12% để bù đắp cho tỷ lệ lạm phát cao hơn của Mỹ so với Đức và Nhật Bản trong một vài năm trước. Năm 1971, Mỹ bãi bỏ tỷ lệ quy đổi cố định 35 đô-la Mỹ/ounce vàng được thiết lập từ năm 1934; vài năm sau đó, tỷ lệ này đã có hai đợt tăng nhẹ mặc dù Kho bạc Mỹ không mua hay bán vàng nữa. Nỗ lực nhằm giữ lại hệ thống tỷ giá cố định Bretton Woods được sửa đổi theo Hiệp định Smithsonian năm 1972 đã thất bại, dẫn đến việc thả nổi tỷ giá vào đầu năm 1973; trong thập niên 1970, đồng đô-la Mỹ đã mất hơn một nửa giá trị so với đồng mác Đức và yên Nhật. Đồng đô-la Mỹ lại được đánh giá cao vào đầu thập niên 1980, mặc dù không quay lại như mức đầu thập niên 1970. Cuộc khủng hoảng về giá trị hối đoái xảy ra với đồng peso Mexico, đồng cruzeiro Brazil, đồng peso Argentina cũng như đồng tiền của hầu hết các nước đang phát triển vào đầu thập niên 1980. Trong sáu tháng cuối năm 1992, đồng mác Phần Lan, đồng krona Thụy Điển, đồng bảng Anh, đồng lira Italia và đồng peseta Tây Ban Nha đều bị mất giá; hầu hết chúng đều bị giảm 30% giá trị so với đồng mác Đức. Trong giai đoạn Mexico chuyển giao quyền tổng thống từ cuối năm 1994 đến đầu năm 1995, đồng peso Mexico giảm hơn một nửa giá trị so với đồng đô-la Mỹ. Mùa hè và thu năm 1997, khi cuộc Khủng hoảng Tài chính châu Á xảy ra, phần lớn đồng tiền châu Á như đồng bạt Thái Lan, đồng ringgit Malaysia, đồng rupiah Indonesia và đồng won Hàn Quốc đều bị mất giá trầm trọng trên thị trường ngoại hối.
Sự thay đổi trên thị trường ngoại hối đối với mỗi đồng tiền đơn lẻ thường rõ rệt hơn so với sự khác biệt về tỷ lệ lạm phát giữa các quốc gia. Việc định giá quá cao hay quá thấp đồng nội tệ cũng xảy ra ở hầu khắp các quốc gia mạnh mẽ hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó.
Trong giai đoạn này, giá cả một vài loại hàng hóa thay đổi đến mức đáng kinh ngạc. Đầu thập niên 1970, một ounce vàng có giá 40 đô-la Mỹ thì cuối thập niên 1970 đã tăng lên tới gần 1.000 đô la Mỹ; vào cuối thập niên 1980, giá một ounce vàng là 450 đô-la Mỹ, còn đến cuối thập niên 1990, mức giá này là 283 đô-la Mỹ. Đầu thập niên 1970, giá dầu thô ở mức 2,5 đô-la Mỹ/thùng, cuối thập niên 1970 là 40 đô-la Mỹ/thùng, giữa thập niên 1980 còn 12 đô-la Mỹ/thùng và cuối thập niên 1980, sau khi Irắc tấn công Kuwait, giá dầu quay về mức 40 đô-la Mỹ/thùng.
Trong thập niên 1980 và 1990, số ngân hàng thua lỗ nhiều hơn bất kỳ thập niên nào trước đó. Một số trường hợp thua lỗ không liên quan đến tình hình quốc gia, như Ngân hàng Franklin National tại New York (Mỹ) và ngân hàng Herstatt AG tại Cologne (Đức) vào đầu thập niên 1970 đã đặt cược một khoản tiền lớn vào việc giá trị tiền tệ sẽ thay đổi, cả hai ngân hàng này đều đã mất khoản tiền cược đó và buộc phải đóng cửa vì khoản lỗ khổng lồ. Crédit Lyonnais, ngân hàng quốc doanh lớn nhất nước Pháp, đã tạo ra một số lượng lớn các khoản cho vay đến mức khác thường với nỗ lực nhanh chóng tăng trưởng về quy mô, và rốt cuộc các khoản nợ xấu của ngân hàng đã lấy đi của người dân Pháp hơn 30 tỷ đô-la tiền thuế. Ba nghìn quỹ tín dụng và tiết kiệm tại Mỹ bị thua lỗ trong thập niên 1980 ngốn hơn 100 tỷ đô-la tiền thuế của người dân Mỹ. Thị trường trái phiếu Mỹ sụp đổ đầu thập niên 1990 cũng gây thiệt hại hơn 100 tỷ đô-la.