The Citadel (THÀNH TRÌ) kể về Andrew Manson – một bác sĩ trẻ vừa ra trường – háo hức với những lý tưởng tốt đẹp về nghề nghiệp lãng mạn này - và cuộc chiến chống lại hệ thống y tế bảo thủ, lạc hậu với những cung cách chữa bệnh dựa theo chủ nghĩa kinh nghiệm, nặng về lý thuyết sách vở không chỉ ở những vùng xa xôi hẻo lánh ở xứ Wales mà còn ở những bệnh viện, phòng khám ngay tại London – thủ đô nước Anh vào những năm 20, 30 của thế kỷ 20.
Câu chuyện bắt đầu tại Drineffy – một thị trấn mỏ ở South Wales – nơi Andrew bắt đầu công việc với tư cách một bác sĩ đa khoa, ngay sau khi vừa ra trường, với những bệnh nhân đầu tiên; những nỗ lực và bất lực đầu tiên trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân vì những kiến thức khô cứng và hạn hẹp gò trong các sách giáo khoa và dược điển mà anh đã học ở trường; những cảm xúc tinh khôi mới mẻ về tình yêu đầu tiên với cô giáo trẻ Christine Barlow và tình đồng đội với Phillip Denny – một bác sĩ ngoại khoa tài năng với một trái tim nhân hậu ẩn dưới vẻ ngoài cộc cằn và thái độ mỉa mai với hệ thống y tế cổ lỗ của nước Anh lúc đó, đầy rẫy những thầy thuốc bất tài chỉ giỏi lừa bịp bệnh nhân…
Tiểu thuyết này đã từng thu hút rất nhiều độc giả Việt Nam nhiều năm về trước, không chỉ hấp dẫn về những tình tiết đi sâu vào mặt trái của nghề y và hệ thống y tế của nước Anh những năm đầu của thế kỷ 20, nó còn thu hút ở câu chuyện tình yêu nhiều bi kịch của nhân vật chính – bác sĩ Andrew Manson, ở chính lý tưởng và cả sự chao đảo về lý tưởng của anh khi phải đối mặt với những quy chuẩn giá trị của xã hội và đồng nghiệp thời đó về chính nghề nghiệp cao quý này.
Hơn nữa, dù bản thảo của truyện tiểu thuyết này đã được viết ra gần 80 năm, nhưng nhiều vấn nạn về nghề y được nêu ra từ lúc đó, nay đọc lại vẫn còn thấy rất gần gũi với người đọc Việt Nam, khi so sánh với thực trạng hành nghề y ở khá nhiều vùng miền ở nước ta hiện nay.
***
Tác giả
Archibald Joseph Cronin là một bác sĩ trở thành nhà văn. Quãng đời bác sĩ của ông có những chặng đường giống nhân vật En- đru Men-sân. Tốt nghiệp đại học y khoa, ông về làm việc tại một vùng mỏ miền Nam xứ Uên rồi ra Luân Đôn ở hơn mười năm. Sau đó tình hình sức khỏe buộc ông phải từ bỏ nghề y.
Trong những năm làm bác sĩ,
Cronin đã có dịp tìm hiểu cuộc sống và lao động của những người thợ mỏ, và đồng thời nhìn thấy tường tận những mặt trái của ngành y ở nước Anh. Những cảm xúc và những điều tai nghe mắt thấy trong thời gian đó thôi thúc ông viết và chúng đã đem lại cho tác giả những trang sách vô cùng chân thực và sinh động. Tác phẩm đầu tay “
Lâu Đài Người Bán Nón”, ra đời năm 1931, đã đưa ngay
Cronin lên một vị trí nổi bật trên văn đàn. Tiếp đó là các cuốn “Dưới các vì sao” (1935) và “Thành trì” (1937).
Các tác phẩm của
Cronin đều đậm tính hiện thực, chan chứa tình cảm nhân đạo và giàu tình tiết hấp dẫn. Một nhà phê bình văn học đã gọi ông là “
Charles Dickens mới của Anh"
***
Vào một buổi chiều tà tháng mười năm 1921, trên con tàu vắng tanh chạy từ Xoan- đi đang nặng nề trườn mình leo dốc ngược thung lũng Pi-no- Oen, ở toa hạng ba có một người trai trẻ, quần áo xuềnh xoàng, mắt đăm đăm nhìn qua khung cửa sổ. En- đru Men-sân đã đi đường suốt cả ngày hôm nay từ miền Bắc, đến Ca-lai và Sơ-ru-bơ-ri thì chuyển tàu, thế mà sang chặng đường cuối cùng của cuộc hành trình buồn tẻ đưa anh đến miền Nam xứ Uên, anh còn thấy trong lòng bồn chồn háo hức hơn khi nghĩ đến công việc anh sắp nhận tại mảnh đất xa lạ, gớm ghiếc này. Đây là việc làm đầu tiên trong đời bác sĩ của anh.
Bên ngoài, trời mưa xối xả che mờ những dãy núi dựng đứng hai bên con đường sắt đơn tuyến. Ngọn núi chìm vào trong bầu trời trống rỗng nhờ nhờ xám, còn sườn núi loang lổ những miện giếng mỏ như những vết sẹo chạy dốc xuống thành một mảnh màu đen ảm đạm, thê lương, nham nhở những bãi xỉ quặng kết sù, bên trên có vài ba con cừu bẩn thỉu vơ vẩn tìm mãi không được một ngọn cỏ. Chẳng có một lùm cây, một túp cỏ nào. trong ánh sáng nhợt nhạt đang tối dần, những thân cây trông giống như những bóng ma khẳng khiu, còi cọc. Đến một chỗ ngoặt, ngọn lửa đỏ rực của một xưởng đúc loé lên chiếc sáng một đám thợ mình trần, lưng vươn dài, tay quai tay búa. Tuy cảnh ấy vụt biến đi ngay đằng sau những công trình hỗn độn trên mặt đất của mỏ, song nó vẫn để lại một cảm giác mãnh liệt, căng đầy sức sống. En- đru hít một hơi dài. Trước cảnh tượng ấy, anh bỗng thấy trong người trào lên một nguồn nghị lực, tràn ngập một cảm giác hân hoan nẩy sinh từ niềm hy vọng và hứa hẹn của tương lai.
Nửa giờ sau, trời tối hẳn càng làm cho cảnh vật thêm xa lạ và hoang vắng, con tàu hổ hển vào Blây-nen-li, thị trấn tận cùng của thung lũng và cũng là ga cuối cùng của tuyến đường. Thế là cuối cùng anh cũng tới nơi. Tay xách va-li, En- đru nhảy xuống tàu, rảo bước đi hết ga, nhớn nhác xem có ai ra đón không. Ở cổng ga, dưới một ngọn đèn chao đi chao lại trước gió, có một ông lão mặt vàng ệch, đội chiếc mũ vuông cạnh và mặc chiếc áo mưa dài thườn thượt đang đứng đợi. Ông lão nhìn En- đru xoi mói, hỏi với giọng khó chịu:
- Ông là phụ tá mới của bác sĩ Pây-giơ phải không?
- Vâng. Tên tôi là Men-sân, En- đru Men-sân.
- Hừ! Còn tôi là To-mớt. “Lão to-mớt”, ai cũng gọi như vậy, mặc xác họ. Tôi đưa xe đến kia kìa… Lên đi… trừ khi ông muốn lội nước thì không kể.
En- đru quẳng va-li vào trong xe, rồi trèo lên chiếc xe ọp ẹp đóng một con ngựa đen đủi, cao lêu nghêu, gầy giơ xương. Lão To-mớt bước lên theo, cầm lấy dây cương và thét:
- Đi nào, Tép-phi!
Chếc xe lăn bánh qua thị trấn. En- đru cố gương mắt nhìn xem thị trấn này như thế nào, nhưng qua màn mưa chỉ thấy lờ mờ những dãy nhà thấp lè tè, xám xịt, nối đuôi nhau dưới chân dưới ngọn núi cao ngút lúc nào cũng sừng sững trước mắt. Lão xà ích già lặng thinh không nói một câu nào đến mươi phút, chỉ liếc đôi mắt gườm gườm từ dưới vành mũ lõng tõng mưa nhìn En- đrụ Trông lão không có một vẻ gì giống người đánh xe ngựa bảnh bao của một bác sĩ làm ăn khấm khá. Lão bé loắt choắt, lôi thôi lếch thếch, người lúc nào cũng xông ra một mùi khét lèn lẹt.
Mãi sau lão mới nói:
- Vừa mới nhận bằng xong phải không?
En- đru gật đầu.
- Biết mà. – Lão To-mớt nhổ nước bọt đánh toẹt một cái. Lão thấy mình đoán trúng nên ham nói chuyện hơn, giọng ồ ồ – Người phụ tá cũ vùa mới bỏ đi cách đây hai hôm. Nói chung, chẳng ai chịu ở lại.
- Sao thế? – Tuy băn khoăn nhưng En- đru vẫn mỉm cười.
- Một là vì quá nhiều việc, chắc thế.
- Vì sao thế?
- Rồi sẽ biết!
Một lát sau, như một người hướng dẫn khách du lịnh giới thiệu một nhà thờ to đẹp, lão To-mớt giơ chiếc roi đánh ngựa chỉ về một phía cuối một dãy nhà, chỗ một khung cửa nhỏ có ánh đèn phả ra một đám hơi nước.
- Kia kìa, thấy không? Đấy là cửa hàng khoai rán của tôi. Bà lão nhà tôi ở đấy. Mỗi tuần rán khoai hai lần. Có cả cá nữa. – Một sự thích thú ngần nào đó làm méo xệch chiếc môi trên dài của lão – Rồi thể nào ông cũng mò đến đó ngay mà.
Phố chính đến đây là hết. Rẽ sang một ngách phố bên cụt lủn, gồ ghề, chiếc xe lọc cọc chạy qua một bãi đất trống rồi ngoặc vào một lối đi hẹp của một ngôi nhà đứng tách biệt với những nhà bên cạnh, đằng sau ba cây thông Nam Mỹ. Ngoài cổng treo chiếc biển đề “Brin-gao- Ơ”
...
Mời các bạn đón đọc
Thành Trì của tác giả
Archibald Joseph Cronin.