Căn cứ vào “Thiếu Lâm quyền phổ”, Thiếu Lâm tự có ba mươi sáu môn ngạnh công và ba mươi sáu môn nhuyễn công, còn gọi là ba mươi sáu môn ngoại công và ba mươi sáu môn nội công, là những công phu bí truyền của võ Thiếu Lâm, nhưng đều không được ghi chép rõ ràng. Ngày nay khi nhắc đến các tuyệt kỹ này, thông thường người ta gọi là “Thiếu Lâm công phu”, điều mà trong tiểu thuyết võ hiệp cận hiện đại và truyền thuyết dân gian dược gọi là “thần công”, khiến cho bộ mặt thật của nó càng phủ thêm bức màng thần bí.
Đến đời Thanh mạt, do thời thế động loạn, thêm vào đó có một số nhân sĩ đề xướng, cổ võ cho nền võ thuật Trung Quốc, từ đó xuất hiện không biết bao nhiêu hào kiệt võ lâm, võ Thiếu Lâm và tiếng tăm của nó cũng theo đó mà được ruyền bá rộng rãi và vang danh thiên hạ. Thời gian này đối với võ Thiếu Lâm sản sinh ra hai loại ảnh hưởng: một là người ta tranh nhau dạy võ Thiếu Lâm khiến một số kẻ mưu đồ danh lợi ùn ùn xu phụ Thiếu Lâm tạo thành cuộc diện rồng rắn hỗn loạn, thiệt giả khó phân biệt; hai là vì tình thế cổ vũ nên các võ sư Thiếu Lâm tập võ rất nhiệt tình, bọn họ không những tích cực truyền dạy võ nghệ bản môn, mà còn thu thập rộng rãi sở trường của nhiều phái, dung hợp và canh tân khiến cho võ Thiếu Lâm thành một trào lưu phát triển lớn và được lưu truyền rộng rãi hơn, về mặt số lượng lẫn nội dung đều vượt xa nội dung tập luyện trong Thiếu Lâm tự.
Cùng lúc đó, một số võ thuật gia, thậm chí có cả một số văn nhân ra mặt hô hào mọi người luyện võ để cường thân, kế thừa và phát triển võ thuật Trung Hoa, với nguyện vọng lấy võ công để báo đền nợ nước, họ ùn ùn viết sách lập thuyết và xuất bản phổ biến, hình thành một cao trào nghiên cứu và chỉnh lý võ thuật truyền thống chưa từng thấy trong lịch sử, mà đề tài chính của cao trào này là võ thuật Thiếu Lâm. Hiện tượng này tác động rất lớn đến võ Thiếu Lâm, một mặt làm lớn mạnh lực lượng nghiên cứu và truyền bá võ Thiếu Lâm, chẳng hạn như xuất hiện một số nhà nghiên cứu và lý luận võ thuật có thành tựu như Đường Hào, Từ Triết Đông, v.v...; mặt khác, cũng có một số người bất chấp sự thực lịch sử, khiên cưỡng phụ hội hoặc khoa trương quá đáng, mượn tên Thiếu Lâm để xuất bản một số sách, trong số đó cũng có một số tác giả có pháp danh, nhưng pháp danh của họ lại không phù hợp với bài quyết pháp danh lưu truyền trong Thiếu Lâm tự. Căn cứ theo ghi chép của những thư tịch còn lưu lại, Thiếu Lâm tự trước đời Nguyên đã từng có năm phái lớn, đến đời Nguyên thời kỳ đầu có hòa thượng Phúc Dụ đã thống nhất năm phái, sáng lập ra tông Tào Động Tuyết Đình Thiếu Lâm tự, người đã đặt ra bài quyết để đặt pháp danh cho hàng đệ tử hậu bối, về sau các hòa thượng Thiếu Lâm tự đều chiếu theo đó mà đặt pháp danh. Bài quyết này tổng cộng có 70 chữ.
Liên quan đến Thiếu Lâm tự, sau đời Nguyên, thường trú viện (nơi cư trú của các hòa thượng) được phân thành bốn viện đông, tây, nam, bắc; mỗi viện đều có tông sư trông coi môn hộ của mình, đặc biệt về phương diện võ công đều tự thu nhận đồ đệ, truyền dạy theo phương thức bảo mật, trực tiếp giữa thầy với trò. Việc này đã tạo thành tình trạng cùng là hòa thượng Thiếu Lâm, nhưng do sư truyền khác nhau nên công phu sở học cũng có chỗ khác nhau, hiện tượng này lưu truyền cho tới ngày nay.
“Thiếu Lâm chính tông thất thập nhị huyền công” xuất hiện trong bối cảnh vừa thuật ở trên. Đó là năm 1934, có một vị tên là Kim Cảnh Chung đến Thiếu Lâm tự phỏng vấn võ nghệ với phương trượng Thiếu Lâm tự lúc ấy, hòa thượng Diệu Hưng, một cao thủ võ thuật xa gần đều biết tiếng. Ông thu thập tinh hoa, đồng thời căn cử vào thuyết Thiếu Lâm tự xưa có ba mươi sáu môn ngạnh công và ba mươi sáu môn nhuyễn công, cộng với nền tảng võ công của mình mà viết ra sách “Thiếu Lâm chính tông thất thập nhị huyền công”, từ đó có thuyết “Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công”. Nhưng phần lớn tư liệu đều lấy từ hòa thượng Diệu Hưng, mà hòa thượng Diệu Hưng chỉ là đại diện cho võ công của bốn viện Thiếu Lâm tự, vì vậy, rất khó là đại diện của toàn bộ võ công Thiếu Lâm tự.
Về sau tiếp nối Kim tiên sinh, hai hòa thượng của Nam viện là Trinh Tuấn và Trinh Tự, cũng viết “Thiếu Lâm chính tông thất thập nhị huyền công”; sau hai người lại có hòa thượng Vĩnh Tường cũng viết “Thiếu Lâm chính tông thất thập nhị huyền công”, nhưng nội dung có đặc điểm riêng. Hòa thượng Vĩnh Tường là người thời nay, đồ đệ của Tây viện, ông dựa trên cơ sở “Thiếu Lâm chính tông thất thập nhị huyền công” của Kim tiên sinh, tiếp thu sở trường của Nam viện, rồi sửa sang cuốn sách, bổ sung và miêu tả cụ thể phép luyện các công phu, vẽ thêm hình minh họa, lời lẽ cũng khá bình dị, có thể nói ông rất xứng dáng được xem là người tổng kết “Thiếu Lâm chính tông thất thập nhị huyền công”, công phu nội ngoại của võ Thiếu Lâm.
1.1.2 Nội dung của “Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công”Các hòa thượng luyện “Thất thập nhị huyền công”,phần lớn tương đồng với lời thuật của hòa thượng Diệu Hưng được tiên sinh Kim Cảnh Chung ghi chép, nhưng có một số khác biệt như Đồng sa chưởng, Thoái thích công, Xà hành công, Thiết chu đới, Thạch trang công, Toàn phong chưởng, Kim long thủ, Trảm ma kiêm công, Huyền không chưởng, Kim sa chưởng, Ngũ độc truy sát chưởng, Kim sản chỉ công, Bào bản công, Phá bách đao thuật,Thiểm chiến công, Thiên tằng chỉ công, Truy phong chưởng côngvà Khinh huyền công. Ngoài ra, còn khác với “Thất thập nhị huyền công” của Nam viện là Tâm y bá, Thiết thân kháo, Thiên cân cước, Lưu tinh thoái, Đáo quải kim ngọc bình, Hậu đàn công, Trượng ngoại chế nhân, Thâm dạ hàng yêu.
Chúng tăng Thiếu Lâm tự tuy luyện “Thất thập nhị huyền công" không hoàn toàn giống nhau, nhưng đều lấy số lượng là 72 công phu, dưới đây sẽ giới thiệu từng môn.
1.1.3. Đặc điểm của “Thiếu Lâm chính tông thất thập nhị huyền công”Tuy bốn viện của Thiếu Lâm tự luyện “thất thập nhị huyền công” có chỗ không giống nhau, nhưng đều có đặc điểm tương đồng như dưới đây.
(1) Từ cạn vào sâu, tuần tự nhi tiến:Các tăng luyện công phu “Thất thập nhị huyền công” đều phải căn cứ theo giáo huấn của sư phụ mà luyện từ dễ đến khó, trước tiên luyện các công phu đơn giản như Thiên cân cước, Lưu tinh thoái, Thoái thích công, Đả mộc nhân, Thiết sa chưởng.Sau khi đã có một căn bản nhất định, lại luyện ngạnh công và khinh công như Túng thân thượng phòng, Kim châm chỉ, Nhất chỉ thiền, Khinh thân thuật, Kim cương quyền, Thiết bố sam.
Trong lúc luyện một loại công phu, người luyện phải tập luyện tuần tự, tiến từng bước một cho tới khi công phu thành tựu. Như luyện Thiết môn công, trước tiên phải luyện vận khí, dùng chưởng chặt vật mềm trước, tới khối đất, rồi mới luyện chặt gạch, ván gỗ, sau cùng mới tới chặt khối đá, đến khi có thế chặt khối đá vỡ thì công phu mới thành tựu.