Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Tiểu Thuyết Đàn Bà của tác giả Lý Lan.
Đàn bà! Rõ ràng không phải một con báo. Không phải một con cọp. Cũng không phải một con vượn, mà là một con đàn bà. Người đàn ông đứng sững lại sau đám dây mây chằng chịt. Con đàn bà trần trụi. Tóc nó đen, dợn sóng, dài tới thắt lưng, xoã loà xoà quanh thân thể săn chắc ngăm ngăm nâu. Nó đang nhón gót vói tay hái một trái chuối chín bói trên cái quày chuối mà người đàn ông đã tìm thấy mấy hôm trước, và hôm nay trở lại với mục đích mà con đàn bà đó đang làm. Nó rướn mình giơ cả hai tay vói lên quày chuối, một tay bợ đít quày, một tay cầm trái chuối chín vàng xoay nhè nhẹ. Cuốn trái chuối còn xanh không chịu lìa nãi. Con đàn bà cứ rướn mình lên, day day trái chuối cho đến khi hái được. Nó xoay mình lại, nhìn thẳng về phía đám dây mây bao bọc người đàn ông. Phản ứng tức thì của ông ta là giật mình, co lại trong thế thủ. Tim ông đập loạn lên, vừa sợ vừa xấu hổ. Con đàn bà bình thản lột vỏ trái chuối và thong thả ăn. Nó hất tóc ra sau lưng, hơi uỡn ngực lên, hai vú căng và đứng. Từ thắt lưng cho đến quá đầu gối của con đàn bà được quấn một tấm vải thô màu lam, phần bắp chân lộ ra và bàn chân trần đứng vững chãi trên nền đất pha cát do con sông bồi những khi triều cường. Ánh sáng còn loáng thoáng trên mặt sông ẩn hiện sau cây cỏ ven bờ. Con đàn bà đang đứng nơi khá trống, nên người đàn ông nhìn rõ từng đường nét thân thể nó... “Chiến tranh nghĩa là phân ly, thù hận, chết chóc… Nghĩa là người ta đánh mất mình, bị giết hoặc không được sống để thương yêu. Người ta thất lạc nhau trong cuộc đời rộng lớn, hận thù rộng lớn. Người ta cũng có thể thất lạc nhau dưới cùng một mái nhà. Và thất lạc chính mình ngay trong cuộc đời của riêng mình. Đi tìm nhau và đi tìm chính mình, đó là những người đàn bà của Lý Lan trong Tiểu thuyết đàn bà”.
***
Tôi đọc “Tiểu thuyết đàn bà” của Lý Lan vào một ngày nào đó của tuổi 20 trôi qua tựa một đám mây nhẹ xốp, không âu lo, không vướng bận. Rồi đọc lại “Tiểu thuyết đàn bà” vào sinh nhật tuổi 25, khi bạn đem cuốn sách gói trong những lớp giấy màu xanh đỏ và viết nắn nót mấy lời đề tặng. Bạn bảo: “Hãy đưa tay nắm lấy số phận của chính mình”. Tôi cười bạn sao mà… sến.
30 tuổi, lại đọc “Tiểu thuyết đàn bà” trong một lần dọn dẹp tủ sách cũ. Chợt nhớ ngày 20 tuổi, lần nào ngồi chải mái tóc dài cho con gái, mẹ cũng thở dài: “Làm thân đàn bà khổ lắm con ơi…”. Chợt nhớ ngày 25 tuổi vẫn kiêu kì trước những chàng trai trồng cây si trước cửa, bố lại lắc đầu nhắc khéo: “Già kén kẹn hom”. Và 30 tuổi, như một chớp mi dài. 10 năm và 3 lần tái ngộ, vậy mà có lẽ ta vẫn chưa hiểu hết “Tiểu thuyết đàn bà”…
“Tiểu thuyết đàn bà” - ngay cái tên sách đã là một thành công. Khó có thể kiếm cho tác phẩm này một cái tên nào hay hơn thế, ngắn gọn hơn thế và bao trọn nội dung câu chuyện hơn thế. Đây là một cuốn tiểu thuyết, và không gì khác, nó viết về đàn bà, bằng một ngòi bút “rất đàn bà”.
Một cuốn tiểu thuyết có thể khiến cô gái 20 tuổi dửng dưng, cô gái 25 tuổi đau đầu, cô nàng 27 tuổi lướt qua một chút rồi quên bẵng, nhưng một người đàn bà 30 tuổi sẽ rất nhớ và rất “thấm”. Cuốn tiểu thuyết như một cây phả hệ đầy phức tạp và rối rắm, về 4 thế hệ đàn bà trong một gia đình. Băt đầu từ “bà ngoại” – một người đàn bà không tên đã sống non một thế kỷ cuộc đời nhưng chưa từng có ngày vui vì phải lo lắng cho 10 người con. Rồi đến những cô con gái, mỗi người một số phận, nhưng tựu trung lại đều không thoát khỏi chữ “bạc” của kiếp người. Đến đời những cô cháu gái, người ta lại gặp lại những “vết xe đổ”: Đen theo các cậu đi làm cách mạng rồi mất tích, Thoa bị tù Côn Đảo sau khi thất bại trong nhiệm vụ cách mạng, Liễu lấy phải một người chồng nhu nhược, mẹ chồng đối xử hà khắc và bị buộc phải xa đứa con trai, chỉ được ôm theo đứa con gái chưa đầy 8 tháng tuổi rời khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng...
Thế hệ phụ nữ thứ tư trong gia đình tưởng rằng sẽ “sáng sủa” hơn khi Không Bé xuất ngoại, lấy chồng Tây, nhưng dường như cái mệnh đề “làm đàn bà thì khổ” vẫn không ngừng đeo bám. Cô sống trong nỗi cô đơn nơi đất khách quê người, lạ lẫm với những khác biệt văn hóa và lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình.
"Tiểu thuyết đàn bà" đã nằm im lìm suốt 16 năm trong chồng bản thảo của nhà văn Lý Lan. Mãi đến năm 2001, khi sang Mỹ học, trong nỗi khắc khoải của người xa xứ, chị viết lại cuốn sách. Lý Lan đã từng nói về tác phẩm của mình: “Đây là một cuốn tiểu thuyết nói về chiến tranh, ở một mặt trận không có tiếng súng, đó là thành phố, nhưng thực chất là chiến tranh vẫn diễn ra hết sức khắc nghiệt…Trong cuộc chiến tranh đó, những nhân vật của tôi chỉ là những con người hết sức bình thường. Họ là đàn bà con gái nhưng không than thân trách phận, cũng không so bì, than vãn, biện bạch… Họ cứ sống giữa cuộc đời như vậy thật bình thường…”.
Và quả là một cuộc chiến đúng nghĩa. Cuộc chiến của Thoa chống lại những ám ảnh về một quá khứ đã lùi xa. Cuộc chiến của Liễu chống lại những hà khắc của người đời để bảo vệ con mình. Cuộc chiến của Không Bé chống lại thói gia trưởng và cục cằn của người đàn ông mang tên “chồng”… Và còn biết bao những thân phận phụ nữ khác nữa không được nhắc tên. Những người đàn bà đau khổ và bất hạnh, nhưng là những người đàn bà không cam chịu. Như lời của Thoa khuyên cô cháu gái Không Bé: “Mình phải tự quyết định cho dù số phận hay thế lực này nọ luôn áp đặt hay xô lệch con đường đời mình chọn”.
Không phải những cô gái tuổi teen vẽ cuộc sống màu hồng, Lý Lan viết “Tiểu thuyết đàn bà” bằng cái “đằm” của một người phụ nữ từng trải, một người đàn bà có chồng. Bởi thế, người đọc không chỉ tìm thấy trong cuốn sách những thân phận đàn bà, những cuộc đời đầy sống động, mà còn thấy cả những triết lý sống, những đúc kết mà chỉ một ngòi bút “thuần đàn bà” mới có thể viết ra: “Giáo dục chỉ cho chúng ta những lớp áo quần để mặc trong xã hội. Ai cũng mặc quần áo trước mặt người khác, dù là cha mẹ, anh em, bè bạn thân thiết. Chỉ có vợ chồng mới trần truồng với nhau. Chỉ có vợ chồng mới biết bản chất của nhau!” - Quả rất đúng và rất “thấm”!
30 tuổi, đọc “Tiểu thuyết đàn bà”, có lẽ ta mới nghiệm hết lời chúc năm nao của bạn ngày sinh nhật - “Hãy đưa tay nắm lấy số phận của chính mình”. Và ta tin, dù 20 hay 30, dù là một cô gái phơi phới tuổi xuân hay một người đàn bà đã ủ những nếp nhăn nơi khóe mắt, chẳng bao giờ là muộn cho một cái nắm tay.
Mời các bạn mượn đọc sách Tiểu Thuyết Đàn Bà của tác giả Lý Lan.