DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Bản dịch Nguyễn Thu Hồng


Shmuel Yosef Agnon
SHMUEL YOSEF AGNON
(1888-1970)SHMUEL YOSEF AGNON sinh năm 1888 1 và lớn lên trong một gia đình gồm những học giả tại Buczacz thuộc miền Đông Galicia (nay là vùng Tây Ukraina). Buczacz là một cộng đồng Do-thái không quá tám ngàn người và cũng là một trung tâm đào tạo các rabbi (thầy cả) Do-thái giáo. Agnon đã được hấp thụ nền văn hóa cổ truyền của Do-thái do thân phụ ông đích thân truyền dạy. Galicia lúc đó là một trong những trung tâm của nền văn chương tân Hy-bá. Ngay từ nhỏ Agnon đã khởi sự văn nghiệp trên báo chí tiếng Hy-bá và tiếng Yiddish 2 ở địa phương. Và kể từ năm 1907 tức là năm ông trở về Palestine, ông thôi không viết bằng tiếng Yiddish nữa.

Việc Agnon từ đó chuyên sáng tác bằng tiếng Hy-bá có lẽ phần nào đã do ảnh hưởng của phong trào phục quốc Zion của người Do-thái mà ông đã tham gia. Nếu nhìn vào số ngôn ngữ được sử dụng tại Israel ngày nay người ta sẽ thấy trong số hơn hai triệu dân, đã có tới một triệu tám sử dụng ngôn ngữ chính thức là tiếng Hy-bá. Lớp di dân đầu tiên từ các ngả trên thế giới trở về Israel còn nói hoặc hiểu được tiếng Yiddish và một số ngôn ngữ dùng trong các nghi lễ Do-thái giáo, nhưng hiện nay số thanh niên Israel chỉ dùng có ngôn ngữ Hy-bá ngày càng thêm đông đảo. Tuy vậy, thứ tiếng Hy-bá của Agnon không hẳn là thứ tiếng mà thế hệ trẻ hơn của Israel hiện sử dụng. Đúng hơn đó là ngôn ngữ của nền văn chương truyền thống Hy-bá với những nhà văn tiêu biểu như Bialik, Tchernichowsky và Shneur. Đứng giữa ngôn ngữ văn chương cổ truyền của dân tộc và tiếng Hy-bá hiện đại hóa, Agnon đã quyết định nối kết các thế hệ Do-thái bằng một nội dung đề cao truyền thống dân tộc, nhưng trong khi chờ đợi một nền văn chương ổn cố của ngôn ngữ Hy-bá hiện đại, ông đã lựa chọn diễn tả bằng thứ ngôn ngữ trang trọng của nền văn chương Hy-bá cổ truyền (xuất hiện từ thế kỷ XI và còn kéo dài cho đến ngày nay).

Agnon làm thơ từ năm lên 9 và bài thơ đầu tiên của ông được đăng vào năm ông mười sáu tuổi. Câu chuyện đầu tay của ông in tại Palestine là truyện "Agunot". Ngay từ năm 1913, Shalom Streit đã nói về tác phẩm này: “Một luồng điện chạy qua toàn thể cộng đồng chúng tôi khi đọc truyện ấy.” Cùng với "Agunot" có nghĩa là cô đơn, trơ trọi hoặc đơn độc, 3 ông khởi sự dùng bút hiệu Agnon thay vì tên thực là Czaczkes. Khi được hỏi là bút hiệu này có liên hệ với truyện trên hay không, Agnon đã xác nhận là có. 4

Những năm kế đó, tuần báo Hapo’el Hatza’ir của nhóm xã hội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Tolstoi và những tư tưởng địa dân (narodniki) đã đăng tải cuốn sách đầu của Agnon nhan đề Vehaya he’akov lemishor (Và những nơi cong queo sẽ được uốn ngay lại). Tác phẩm dài này đã làm say mê độc giả Do-thái đương thời không ít đến nỗi Joseph Haim Brenner đã phải dốc cạn túi tiền để xuất bản thành sách (1912). Đối với một người vô thần như Brenner thì đây là “tác phẩm đầu tiên của nền văn chương thế tục Hy-bá trong đó truyền thống đã trở thành phương tiện diễn đạt nghệ thuật thuần túy...”

Năm 1913 Agnon qua Đức. Ông định ở lại vài năm nhưng vì chiến tranh 5 nên mãi tới năm 1924 ông mới trở lại Jerusalem được. Tuy nhiên những năm ở Đức đã ảnh hưởng lớn lao đến văn nghiệp ông sau này. Ông tiếp xúc với văn chương châu Âu và yêu chuộng sự hoàn hảo đến độ các truyện sáng tác thường viết đi viết lại tới sáu, bảy lần. Trong thời kỳ này ông xuất bản rất ít, chỉ chăm lo sửa chữa các tác phẩm cũ và viết những truyện mới. Ông cũng làm khá nhiều thơ và viết một cuốn tiểu thuyết tự sự. Nhưng tới tháng Sáu năm 1924, căn nhà ông ở tại Homburg gần Frankfurt bị hỏa hoạn 6 và toàn bộ bản thảo, giấy tờ và tủ sách Hy-bá do ông sưu tập được đều biến ra tro. Biến cố này đã thay đổi hẳn con người Agnon. Ông thôi không sáng tác thi ca nữa và không bao giờ viết lại tác phẩm tự sự trên.

Năm 1929, sau khi ông đã trở về Palestine, căn nhà ông tại ngoại ô Jerusalem lại bị người Ả-rập cướp phá. 7 Lần này ông trở lại Galicia trong một chuyến thăm viếng ngắn ngủi và ở lại Đức tới gần một năm để chứng kiến bốn cuốn đầu gồm các tác phẩm mà ông đã thu thập, sửa chữa trong năm năm trời được ấn hành tại đây.

Cũng nên ghi nhận là Agnon là một nhà biên soạn các tuyển tập văn chương rất có tài. Trong những năm ở Đức, ông đã biên soạn hai tuyển tập bằng Đức ngữ. Ở Jerusalem ông đã bỏ khá nhiều ngày giờ để biên soạn ba tuyển tập văn chương. Trong tuyển tập đầu nhan đề Những ngày kinh sợ, gồm một kho tàng những chuyện cổ dân tộc, ông đã hài hước sắp thêm vào đó những mẩu truyện trích trong một tác phẩm tưởng tượng được mệnh danh là Kol Dodi (Tiếng nói của người tôi yêu dấu) và ghi chú rất tự nhiên ở phần thư mục là “một bản thảo mà tác giả hiện giữ”.

Trong ý định soạn những tuyển tập Do-thái này, Agnon cũng đã đồng ý cộng tác với một triết gia Do-thái là Martin Buber nhưng về sau tác phẩm chung của hai người bị thiêu hủy và Agnon không soạn lại tác phẩm đó nữa.

Công cuộc soạn thảo các tuyển tập này đã ảnh hưởng tới Agnon. Trong một số truyện, nhân vật chính của Agnon cũng là những học giả. Hình như hình ảnh tận tụy vô vọng của các học giả có một sức thôi miên tột độ đối với Agnon.

"Trăng trên thung lũng Jerusalem" (Ido và Eynam) 8cũng là một câu chuyện của một học giả; sự say mê tìm kiếm một thứ ngôn ngữ và những ca khúc mà thế nhân đã để lạc mất trong vô tận của sa mạc thời gian tưởng chừng như một việc phù phiếm, nhưng dưới ngòi bút của Agnon lại mang những ẩn dụ sâu sắc và tế nhị (luôn luôn dựa trên một sự hiểu biết căn bản về Do-thái giáo), gợi ra được cái khát vọng vô biên của những con người sống trong một thế giới Babel hiện đại, và có một sức chiêu dụ đến mê hoặc tột độ.

Gabriel Gamzou, nhân vật khó quên trong truyện này đã phản ảnh phần nào tác giả, một tâm hồn xao xuyến luôn khát vọng hợp nhất, sẵn sàng đương đầu với những tiếng nói của ngày Phán xét cuối cùng, như sách đã viết: “Ngay từ tiền sảnh, con hãy sửa soạn để đi vào phòng khách”. Với "Trăng trên thung lũng Jerusalem", câu chuyện thường được coi như là truyện ngắn đẹp nhất của Agnon, người đọc có thể tìm thấy qui tụ lại nhiều khía cạnh của tài năng Agnon và những chủ đề chính của ông: sự thiếu quân bình của cái hiện tại còn hoài niệm một thời đại vàng son khi mà “người Do-thái còn biết cầu nguyện và ngợi ca Chúa trong một niềm tin ngây thơ và chân thành”; sự xao xuyến cô đơn và nỗi sợ hãi phải mất nơi cư ngụ thể chất là mái nhà, hoặc nơi cư ngụ tinh thần là nhà nguyện; sau rốt là giấc mơ như một dự cảm hay sức hấp dẫn huyền diệu, mê hoặc, giữa sự sống và sự chết...

Quả thật, như giáo sư Gershom Scholem của viện Đại học Hy-bá ở Jerusalem đã viết, “Agnon đã khởi sự văn nghiệp bằng cách viết những truyện ngắn, và chính trong lối sáng tác này ông đã đạt được một sự hoàn hảo khiến người đọc phải theo rõi đến đứt hơi thở”.

"Trăng trên thung lũng Jerusalem" cùng với một số truyện ngắn khác của Agnon đã trở thành những tác phẩm cổ điển châu báu của dân tộc Israel ngay trong thế kỷ 20. Bí quyết chính của sự hoàn hảo này là Agnon đã khéo léo phong phú hóa tác phẩm bằng vô vàn chi tiết lọc lựa hết sức nghệ thuật trong một hình thức văn chương vô cùng giới hạn.

Trong tác phẩm của Agnon, những đam mê của con người chiếm phần quan trọng chính, nhưng Agnon có một lối viết, một ngôn ngữ diễn đạt điềm tĩnh lạ thường, khác hẳn thứ ngôn ngữ đầy xúc cảm của những nhà văn Hy-bá trước ông. Agnon cũng thường lưu tâm tới những con người hèn mọn, bình thường, mà cuộc sống với muôn vẻ đều bày ra những cảnh tượng hết sức thực mà đồng thời lại đầy những mầu sắc huyền bí.

Bởi thế mà rất nhiều khi trong truyện của Agnon một nỗi buồn khôn tả thường đi đôi với một niềm an ủi siêu nhiên. Trong một truyện ngắn của Agnon, một công nhân nghèo khổ nọ, một người đơn độc trơ trọi trên đời, đã cần mẫn dành dụm chút tiền để có thể trở về “Đất Thánh”. Nhưng không biết giấu tiền ở đâu cho chắc dạ, bác đã bỏ tiền vào một hộp lạc quyên đặt bên dưới cây thập tự ngoài đường lộ. Sau cùng, khi tìm đến lấy lại món tiền đã giấu thì bác bị bắt về tội ăn trộm của thánh. Bác bị tù và bị kết án tử hình, nhưng trong ngục bác được “Người” tới thăm viếng – trong tiếng Hy-bá “Người” đây chỉ Jésus – và đưa tới thành thánh Jerusalem nơi đồng bào bác nhận thấy bác đã chết.

Sau khi trở lại Jerusalem, 9 Agnon đã sáng tác một số tiểu thuyết dài. Những tác phẩm xuất sắc nhất của ông hợp thành một bộ ba cuốn mô tả đời sống Do-thái trong một trăm năm từ 1830 đến 1930. Ấy là những cuốn Của hồi môn của nàng dâu (1931), Người khách trọ một đêm (1940) và Cách đây không lâu (Tmol shilshom, 1946).

Của hồi môn của nàng dâu (Hakhnasat Kalla) kể lại những cuộc phiêu lưu của Thầy cả Jude Hasid, người đã phải lang thang khắp vùng Đông Galicia để thu thập chút của hồi môn cho ba cô con gái đi lấy chồng. Trong tác phẩm này Agnon không những đã mô tả tục lệ phải lo của hồi môn cho con đi lấy chồng của Do-thái mà còn vẽ lại một cách chính xác và đầy màu sắc lối sống thuần túy Do-thái ở thế kỷ 19, trước khi va chạm với thời hiện tại.

Tám mươi năm sau khung cảnh đã hoàn toàn thay đổi hẳn. Yitzhak Kummer, vai chính của Cách đây không lâu, là cháu của Thầy cả Judel. Tuy nhiên lý tưởng của thế hệ trẻ là xây dựng một xã hội mới, là tái tạo một dân tộc Do-thái nơi cố hương. Trong thời kỳ này, những nền tảng của xã hội cũ như tôn giáo, truyền thống đều bị lung lay. Mọi sự đều ở trong giai đoạn chuyển tiếp, bất ổn. Kummer tha thiết với ý tưởng phục quốc nhưng anh cũng không muốn chối bỏ truyền thống. Anh không tìm thấy chỗ đứng của mình giữa xã hội cũ ở Jerusalem và xã hội mới ở Tel Aviv và những nông trại. Anh luôn luôn cố gắng nối kết cuộc sống hiện tại với thế giới truyền thống đầy hứa hẹn an ủi nhưng mọi cố gắng dường như đều vô ích. Cuộc sống mới mà phong trào phục quốc Zion đề xướng chưa đạt được những kết quả mong muốn. Và lối sống cũ, với những vinh quang quá khứ, thì không sao tìm thấy đường về với hiện tại. Các truyện ngắn và tiểu thuyết của Agnon thường đi lại giữa hai thái cực không sao đạt tới được này. Ở cuối tác phẩm Cách đây không lâu, Agnon có hứa hẹn sẽ viết về đời sống của thế hệ trẻ ở Israel hiện tại, lẽ dĩ nhiên với những hình thái tích cực hơn của xã hội mới. Tuy nhiên cuốn tiểu thuyết này chưa xuất hiện.

Người khách trọ một đêm dường như là tác phẩm sầu muộn nhất của Agnon, một người sùng thượng thế giới đẹp đẽ cổ truyền của dân tộc ông. Ngược lại với Kummer đi tìm thế giới mới và chỉ gặp thấy trống rỗng trong sinh hoạt ở phần đất Palestine của Israel, người kể truyện trong Người khách trọ một đêm từ thế giới mới trở về thăm thế giới cũ của thị trấn Szybuscz sau hai mươi năm trời xa vắng. Và nơi chôn nhau cắt rốn giờ đây chỉ là một nơi khốn khổ, hoang tàn, thoi thóp những phút cuối cùng của đổ nát. Tất cả những cố gắng tái tạo dĩ vãng dường như cũng hoài công, vô vọng. Và trong dĩ vãng ấy của cố hương, người kể chuyện chỉ là một “khách trọ qua đêm”. Trong truyện nhân vật chính đã phải thốt ra như sau: “Khi còn trẻ tôi có thể thấy trong trí tất cả những gì tôi ao ước thấy; ngày nay tôi không thấy cả những gì tôi ao ước thấy lẫn những gì người ta chỉ cho tôi”. Với một tâm hồn yêu mến quá khứ như Agnon, nỗi buồn kia đã trở thành một ám ảnh vô cùng đau đớn.

Trong viễn tượng ấy của những khát vọng trần thế, những năm gần đây, Agnon đã khởi sự viết một tác phẩm tự sự thật kỳ lạ. Trong tác phẩm mới ông đã ngược dòng thời gian đến cả hàng ngàn năm và kể lại những cuộc thiên cư của tâm hồn ông qua mọi giai đoạn quan trọng của lịch sử kể từ những ngày Sáng thế. Tác phẩm tự sự có tích chất lịch sử-siêu hình này mang nhan đề là Hadom ve-Kissei(Ghế và Ngai) 10 cho đến nay vẫn chưa hoàn tất, tuy nhiên nhiều đoạn dài đã được trích đăng.

Năm 1934, Agnon được tặng giải thưởng Bialik nhờ cuốn Của hồi môn của nàng dâu.

Và giải thưởng Ussischkin cũng đã về tay ông với tác phẩm Cách đây không lâu.

Năm 1954, Agnon được bầu làm nhân viên Hàn lâm viện Hy-bá và cùng năm đó, toàn bộ tác phẩm của Agnon đã được giải thưởng Văn chương cao nhất của Do thái, Giải ISRAEL.

Agnon thường được coi như một nhà văn kiệt xuất đã nối kết được thế hệ đi tiền phong trong phong trào phục quốc Do-thái và thế hệ đương lên hiện tại ở Israel bằng một nội dung thâm trầm và sâu sắc nêu cao truyền thống dân tộc trong mọi tác phẩm.

Năm 1966, Agnon đã được Hàn lâm viện Thụy điển trao tặng giải thưởng Nobel văn chương cùng với nữ văn sĩ Nelly Sachs. Tác phẩm của ông đã được phiên dịch ra chừng 15 thứ ngôn ngữ trên thế giới.

Shmuel Yosef Agnon 11 không những là một nhà văn lớn của Israel mà còn là của toàn thế giới – như Edmund Wilson, người đã đề nghị trao tặng giải Nobel cho ông, đã nói: “... điều làm cho Agnon đáng kể như vậy và xứng đáng với giải thưởng Nobel là ở chỗ ông đã có thể thể hiện tới mức ấy trong thế giới Do-thái của ông, cái nhân loại tính chung của chúng ta...”

Mời các bạn đón đọc Trăng Trên Thung Lũng Jerusalem của tác giả ShmuelYosef Agnon & Nguyễn Thu Hồng (dịch).

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000