Yêu Người Tử Tù |
|
Tác giả | Gong Ji Young |
Bộ sách | |
Thể loại | Sách Nói |
Tình trạng | Sách Nói |
Định dạng | Sách Nói |
Lượt xem | 1685 |
Từ khóa | Audiobook Sách Nói mp3 full Gong Ji Young Tiểu Thuyết Văn học Hàn Quốc Văn học phương Đông |
Nguồn | |
Yêu người tử tù là câu chuyện cảm động về sự sám hối của người đàn ông trẻ tuổi bị kết án tử hình và người phụ nữ trẻ, xinh đẹp, giàu có. Cả hai đều đơn độc chịu đựng sự bạo hành cực điểm về thể xác, tình dục, tinh thần trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của họ.
Yoo Jeong đã từng cố gắng tự tử đến ba lần. Sự khinh bỉ của cô đối với mẹ và cảm giác dửng dưng về thế giới xung quanh đã ngăn cô đến với những cơ hội tìm được hạnh phúc. Cô có người cô tên là Monica. Cô Monica thường hay đến trại giam để gặp những nạn nhân chịu án tử hình. Trong lúc Yoo Jeong đang nằm viện sau lần tự tử thứ ba, sơ Monica đến và cho cô một lựa chọn: Yoo Jeong phải trải qua cuộc điều trị tâm lí hoặc cùng sơ thăm những người tử tù vào thứ năm mỗi tuần. Vì muốn tránh cuộc điều trị, Yoo Jeong miễn cưỡng chấp nhận lời đề nghị thăm tử tù của sơ Monica và người tử tù cô gặp là Yoon Soo, anh phạm cả hai tội: cưỡng hiếp và giết người.
Lần đầu tiên Yoo Jeong và Yoon Soo gặp gỡ nhau, họ không mở lòng ngay lập tức. Yoo Jeong có một gia đình giàu có và bây giờ cô đang là giáo sư đại học. Thế nhưng một sự kiện xảy ra đã khiến cô không còn biết đến hạnh phúc từ năm 15 tuổi. Trong khi đó, Yoon Soo lại có những kí ức tuổi thơ còn kinh khủng hơn cô. Anh bị cha mẹ bỏ rơi ở độ tuổi rất nhỏ và phải học cách sống ngoài đường phố cùng với việc cưu mang người em trai. Cuối cùng, anh phạm tội và lãnh án tử hình. Với sự khác biệt về hoàn cảnh sống như thế, Yoo Jeong và Yoon Soo vẫn tìm được cách kết nối với nhau vì cả hai đều phần nào cảm nhận được nỗi đau khổ của người kia. Dần dần, qua những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi mỗi tuần, họ đồng cảm với nhau hơn, họ bắt đầu tìm lại được lí do để sống. Thế nhưng đôi tay của Yoon Soo lúc nào cũng bị còng và người giám ngục luôn canh chừng cuộc gặp gỡ của họ, nhắc cả hai nhớ rằng họ không được quên một sự thật: khoảng thời gian hạnh phúc còn lại của họ rất ngắn ngủi. Và như thế, Yêu người tử tù cũng là một câu chuyện cảm động về sự tha thứ và được tha thứ, về yêu và được yêu, về thứ hạnh phúc mà người ta có thể tìm ra ở một nơi không ai ngờ tới.
Yêu người tử tù được kể song song dưới cả hai góc nhìn của Yoo Jeong và Yoon Soo. Cả hai lối kể được viết theo phong cách khác nhau. Phần kể của Yoon Soo trích từ những đoạn trong “nhật kí buồn” của anh tiết lộ cho độc giả biết bi kịch tuổi thơ mà Yoon Soo đã trải qua; phần này được viết với những câu văn ngắn gọn, đơn giản, súc tích. Trong khi đó, phần kể của Yoo Jeong lại là những diễn biến chính của truyện ở thời điểm hiện tại khi cô gặp Yoon Soo; ở phần này, Gong Ji Young thiên về mô tả tâm tư, suy nghĩ của Yoo Jeong với những câu văn dài, miên man, nhịp điệu chậm, buồn. Với lối kể song song như thế này, độc giả sẽ không hề cảm thấy nhàm chán khi không chỉ được đổi góc nhìn mà còn được thưởng thức văn phong khác nhau.
Thông điệp mà Gong Ji Young muốn gửi gắm qua Yêu người tử tù được thể hiện thật rõ ràng: không có ai hoàn toàn tốt, không có ai hoàn toàn xấu, bạo lực và ngược đãi chỉ càng sinh ra nhiều bạo lực hơn. Thông điệp này được thiết lập mạnh mẽ ngay từ những dòng đầu tiên đã khiêu gợi trí tò mò của độc giả: “Tôi muốn bắt đầu kể câu chuyện ấy ngay bây giờ. Đó là câu chuyện về một kẻ giết người. Hoặc cũng có thể gọi là câu chuyện kể về một gia đình không có gì khác ngoài sự đau khổ, một gia đình mà trong cuộc sống thường nhật chỉ toàn nghe thấy những tiếng chửi rủa, tiếng roi gậy hay tiếng kêu thét.” Độc giả sẽ gặp lại thông điệp này một lần nữa được nhấn mạnh hơn ở phần giữa sách, thông qua cuộc trò chuyện của Yoo Jeong và người cậu, một chuyên gia tâm lí trẻ em: “Đằng sau mỗi con người phạm những tội ác không thể tưởng tượng được là một người lớn đã dùng những hành vi bạo lực không thể tưởng tượng được đối với họ khi họ còn là một đứa trẻ. Như thể là, tất cả họ đều đã được sắp đặt sẵn trong một câu chuyện với cấu trúc tương tự như thế. Bạo lực sinh ra bạo lực, và sự bạo lực được sinh ra đó thậm chí còn bạo lực hơn.” Thông điệp này đã đặt ra một câu hỏi: liệu có phải dù người ta phạm tội ác ghê tởm như thế nào cũng đều xứng đáng để nhận được sự đồng cảm?
Yêu người tử tù đã thực sự tạo nên một dư luận lớn tại Hàn Quốc về vấn đề có nên bãi bỏ án tử hình hay không; đồng thời, sau khi sách xuất bản, tỉ lệ phần trăm người phản đối án tử hình cũng tăng lên. Vì thế, cuốn tiểu thuyết này đã giúp Gong Ji Young thắng giải Special Media Award lần thứ 9 của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International). Gong Ji Young cho biết đây là giải thưởng ý nghĩa nhất mà cô từng nhận được.
Gong Ji Young là một nhà văn nằm trong “làn sóng mới” gồm những người khởi xướng lối viết mới trên văn đàn Hàn Quốc nửa sau thế kỉ 20. Những tác phẩm của cô thường tập trung vào các vấn đề như: cuộc đấu tranh của phụ nữ trong một xã hội nhiều biến động, những con người ở ngoài lề xã hội…
*
Editorial Review
Choi Jae Bong – báo The Hankyoreh
Với sự giải thích về nguồn gốc xã hội của tội phạm kết hợp cùng cuộc điều tra mang tính triết học và tôn giáo về tội lỗi và sự cứu rỗi, tiểu thuyết này đã tạo được sức ảnh hưởng lớn. Nhưng bằng sự nhạy cảm của người viết, đặc biệt là trong những cảnh cao trào, tiểu thuyết này sẽ khiến độc giả phải rơi nước mắt.
Jo Yong Ho – báo Segye Ilbo
Nếu đối mặt thẳng thắn với vấn đề này, có lẽ tất cả chúng ta đều là những tù nhân đang giữ án tử hình, và cuộc sống của chúng ta là một trò hề khi mà ta sống trong nó với bản án tử hình nhưng lại tuyên án những người khác phải chết trước tiên. Bằng cách phơi bày sự giả vờ của chúng ta, những ý nghĩ sai lầm của chúng ta, và cả sự ngạo mạn của ta khi đứng trước cái chết, cuốn tiểu thuyết này đã tạo nên quyền năng khi lấy được những giọt lệ đồng cảm từ đôi mắt của chúng ta.
Jang Seok Su, tác giả quyển sách The Flâneur Takes A Stroll Through
Một câu chuyện tràn ngập cảm xúc và đầy tính giải trí. Một cuốn tiểu thuyết với tốc độ nhanh, thu hút sự chú ý của chúng ta vào những vấn đề đáng khám phá, Yêu người tử tù là tổng hợp hài hòa giữa các chủ đề như: nạn nhân và người phạm tội, tội ác và trừng phạt, tình yêu và sự tha thứ, án tử hình và công lí.
Son Jong Eop, tác giả quyển sách Literary Resistance
Biết cách khiêu khích độc giả những thứ họ muốn và hòa lẫn sự khao khát đó với mối quan tâm về những vấn đề mang tính phổ quát chung của cả một thế hệ – đó là sức mạnh ai cũng muốn có trong vai trò một người viết. Gong Ji Young có được cả hai ưu điểm này cùng một lúc – khơi gợi cảm xúc và tính giải trí cao. Có lẽ đó là lí do tại sao cô được độc giả yêu mến nhiều như thế. Cô rất giỏi trong việc hòa trộn những biểu tượng của thời đại chúng ta vào những câu chuyện của mình… Giới xuất bản đang trong cơn đình trệ và những tiểu thuyết Hàn bị tiểu thuyết Nhật lấn lướt, thế nhưng những cuốn sách của cô như Field of Stars, Our Happy Time (Yêu người tử tù), Things That Come After Love… vẫn tiếp tục đứng đầu danh sách bán chạy. Thật đáng ngạc nhiên.
Sự quan sát kĩ lưỡng của Gong vừa tinh tế vừa tỉ mỉ – cô thu nhặt từng chi tiết về nhân vật của mình như vết bẩn dính trên áo họ, tiếng giọt nước rơi xuống gót chân họ… Tình yêu cô dành cho chủ đề của mình cũng giống như một hơi thở ấm áp thổi nên sinh khí vào câu chuyện cô viết… Sự ảnh hưởng sâu sắc đó đưa chúng ta đến một nơi sâu hơn, nơi cốt lõi câu chuyện được cất giấu. Tôi đã nói điều này trước đây rồi và tôi sẽ nói lại lần nữa: Gong Ji Young là một người kể chuyện tuyệt vời.
Publisher Weekly
Nhiều độc giả sẽ nhận thấy đôi khi giọng văn quá thuyết giảng, nhưng sự chân thực của Gong nhiều lúc đã phá vỡ lối viết nặng tính giáo huấn đó.
Hết.
Kodaki
dịch và tổng hợp từ nhiều nguồn
***
Một cuốn sách khá hay nhưng đã hết trước khi chạm được kì vọng ban đầu của tôi, khi phần tôi yêu thích là phần tự thuật của Yoon Soo quá ít, suy nghĩ của Yoo Jeong thì hơi lan man lặp lại, còn tình yêu của hai người được nhắc đến trong tựa sách thì có phần mờ nhạt khiến tôi hơi hoài nghi rằng phải chăng tình cảm Yoo Jeong dành cho Yoon Soo chưa đạt đến ngưỡng để gọi là tình yêu, và “Yêu người tử tù” có vẻ là tên ai đó đặt theo chủ quan chứ không phải được dịch từ tựa gốc (mà tôi thường thích sách được giữ nguyên tựa gốc hơn).
Khai thác mối quan hệ trớ trêu đầy nghịch lý giữa Yoo Jeong – cô gái đã hơn một lần tìm cách tự giết chính mình, và Yoon Soo – một kẻ giết người đang chờ ngày thi hành án tử trong trại giam, Yêu người tử tù khiến tôi nhớ đến Xuyên thấu của Ryu Murakami với cặp nhân vật có nhiều nét tương đồng. Chỉ có điều, khác với sự bệnh hoạn được khai thác triệt để trong Xuyên thấu khiến người đọc đôi lúc ghê tởm sợ hãi, Yêu người tử tù hướng đến góc nhìn nhân văn và gần gũi với cuộc sống hơn.
Chúng ta thường chỉ quan tâm đến những vụ án động trời bằng con mắt nhiều tia nhìn phán xét của người ngoài cuộc và có lúc dành tất cả sự chỉ trích cay nghiệt ta có cho kẻ thủ ác, cũng như thường đặt câu hỏi “vì sao hắn làm vậy” chỉ bởi muốn thỏa mãn sự tò mò tọc mạch của bản thân rồi vô tình đem lợi nhuận về cho mấy bài báo giật title vô trách nhiệm, thay vì thực sự muốn hiểu điều gì dẫn đến những hành động man rợ đó. Khi một bản án được thành lập cũng là lúc khán giả – những kẻ không liên quan – rời khỏi khán đài. Còn đối với kẻ tội đồ, tất cả vẫn còn tiếp diễn ít nhất là cho đến ngày hắn ta tiếp nhận bản án tử hình.
Mạch truyện Yêu người tử tù bắt đầu từ khi người tù ấy đang “chờ chết”, cộng với người đọc được cung cấp (dù cũng không nhiều) điểm nhìn của chính Yoon Soo, nên ác cảm đối với anh ta phần nào được xoa dịu. Thay vào đó là sự thương xót và có thể là cả đồng cảm, giống như những gì Yoo Jeong đã cảm thấy. Tất nhiên không phải tên tù nào cũng giống Yoon Soo. Có những trường hợp ta cho rằng không thể thông cảm được. Nhưng tôi cho là đúng khi nhân vật nào đó trong truyện nói rằng một kẻ có ác đến mấy thì cũng không phải khi nào anh ta cũng ác. Đứng trước thòng lọng, những tên từng là kẻ giết người không ghê tay nhất cũng có thể sẽ khóc nấc lên cầu cứu như một đứa trẻ con.
Trước đây khi đọc Thánh giá rỗng của Higashino, tôi vẫn cho rằng tử hình là hình phạt xứng đáng đối với một số kẻ. Nhưng bỗng dưng một trích dẫn trong Yêu người tử tù (ôi thật sự là tôi không thích cái tựa này một tí nào) làm tôi lật lại vấn đề để suy nghĩ thêm một chút:
“Trừ những người bị nhận hình phạt ra,
Thì chế độ tử hình là chế độ chẳng có liên quan gì đến những người bình thường như chúng ta cả.
Vì nó chỉ có ý nghĩa với những người bị nhận hình phạt đó.
Họ phải chịu đựng sự đau đớn về mặt tinh thần nhiều tháng trời,
Cũng như họ tuyệt vọng vì thể xác và tinh thần của họ sẽ buộc phải chia làm đôi.
Còn chúng ta – chúng ta không cần bất kỳ một ý nghĩa nào của chế độ tử hình.
Nhưng chúng ta cần biết bản chất của chế độ tử hình là gì.
Chúng ta hãy công nhận rằng bản chất của chế độ tử hình, đó là sự-trả-thù.”
Albert Camus – Suy nghĩ về tội tử hình
Nếu đúng là vậy thì chúng ta có thực sự cần đến tội tử hình – treo cổ, xử bắn, tiêm thuốc độc hay một cái ghế điện… – để làm nguôi đi phẫn nộ nhất thời của ta? Và nếu kẻ phạm tội đã thật sự hối cải, y có xứng đáng được nhận thêm một cơ hội sống dù chỉ là một cuộc sống gò bó trong nhà đá đến hết đời – chắc chắn có những người chỉ ước ao có vậy?
Tất nhiên vấn đề không thể chỉ nghĩ ngây thơ đơn tuyến như vậy được, nhất là khi tôi chỉ là tay mơ trên lĩnh vực tư pháp, quản lí nhà nước… vân vân mây mây. Nhưng cũng đáng để nghĩ ngợi đấy chứ!
Thực ra cuốn tiểu thuyết của Gong Jiyoung không nhằm giải quyết những câu hỏi lớn lao đến vậy. Nó chỉ là một mẩu chuyện nhỏ của một cá thể bé mọn nào đó trong hàng trăm hàng ngàn câu chuyện xung quanh song sắt nhà tù, chưa kể những góc khuất mà có khi ta chết rục xương dưới mồ rồi cũng không được đưa ra ánh sáng… Nhưng đúng là nó có sức gợi thế đấy, hoặc đột nhiên tôi trở nên hơi đa cảm. Cũng chẳng biết, tự dưng lại lan man thế này đây.
Quay về Yêu người tử tù, mặc dù mối quan hệ giữa Yoo Jeong và Yoon Soo chưa đến mức làm tôi bị cuốn theo rồi nước mắt tuôn rơi, không muốn nói rằng kì thực là nó hơi bị mờ nhạt so với kì vọng mà cái tựa (tiên sư cái tựa, again) vẽ ra cộng với mấy thứ kể lể ở đoạn đầu, thì những nhân vật cùng hành động nội tâm của họ cũng đủ duyên dáng để tôi đọc xong sách và thấy tương đối hài lòng.
Hình như có phim, để tìm xem thử. Đọc truyện cũng có cảm giác như đang xem phim vậy, nhưng nếu có phim thì tôi muốn nó phải cô đọng, nổi bật chi tiết hơn thế này.