Cuộc Đời của Pi |
|
Tác giả | Yann Martel |
Bộ sách | 100 Cuốn sách giá trị nhất thế giới |
Thể loại | Sách Nói |
Tình trạng | Sách Nói |
Định dạng | Sách Nói |
Lượt xem | 5440 |
Từ khóa | Audiobook Sách Nói mp3 full Yann Martel 100 Cuốn sách giá trị nhất thế giới Lãng mạn Tiểu thuyết Tình cảm Văn học phương Tây |
Nguồn | |
Mình đọc quyển sách này, ban đầu vì tò mò, rằng đây là một cuốn sách có hơi hướng tôn giáo, rằng năm Dần thì đọc một cuốn sách có hổ thì cũng thú vị đấy. Và sau là đọc vì cuốn này được bác Trịnh Lữ dịch, mà mình thì mê cái độ trải đời, điềm đạm của bác trong podcast Have a Sip lắm.
Về nội dung, cuốn sách có thể được tóm gọn trong 2 câu ở bìa trong:
Một mặt là chuyện thám hiểm, một minh chứng về việc hoàn cảnh cùng quẫn làm thay đổi con người thế nào. Mặt khác là sự suy ngẫm sâu xa về vai trò của tôn giáo trong đời sống, về bản chất của động vật, thiên nhiên và con người.
Về hình thức, sách chia làm 3 phần, với chẵn 100 chương:
Phần một – Toronto và Pondicherry: Đây là phần truyện khiến mình cảm thấy hơi “khó nuốt”, vì tác giả viết nhiều về chuyện các tôn giáo – mà mình thì là đứa không có tôn giáo, cũng không hiểu gì mấy về tôn giáo – nên không thực sự “cảm” được. Pi – nhân vật chính của tác phẩm – là tín đồ của 3 tôn giáo khác nhau, và điều này khiến mọi người xung quanh cậu đều không-tưởng, và khuyên ngăn cậu không nên như vậy, giống như việc tay chấp lạy, miệng nói Amen hay tay làm dấu thánh giá, miệng nói Nam mô. Câu lý lẽ của cậu bé: “Bác Gandhi có dạy rằng mọi tín ngưỡng đều là chân lý. Con chỉ mong được yêu thương Thượng đế mà thôi” khiến mình chợt liên tưởng tới câu nói viral dạo gần đây “Yêu 2-3 người cũng được. Miễn mình thật lòng”. Mặt khác, phần này cứu vớt chiếc mood đọc của mình bởi những câu chuyện thú vị về vườn thú, về động vật (hoang dã), khiến mình chỉ muốn book ngay một vé đi Công viên Thủ Lệ hay Thảo cầm viên để quan sát, kiểm chứng mọi điều hay ho đó.
Phần hai – Thái Bình Dương: Đây là phần mình (và có lẽ đa số mọi người) thích nhất. Phần này kể về chuyện Pi đã trải qua vụ đắm tàu và sống lên đênh trên xuồng cứu nạn hơn 7 tháng (227 ngày) cùng con hổ Richard Parker ra sao. Những phân cảnh tả biển cả và những sinh vật sống ở đó (tác giả tả đẹp lắm), kể chuyện lênh đênh, chống trọi trên biển, chuyện đánh bắt những chú cá dorado, đánh bắt rùa… khiến mình nhớ ngay tới truyện “Ông già và biển cả” mà mình mới đọc hôm Tết. Không chỉ vậy, 1/3 cuối của phần hai này, mình cực kỳ thích thú về câu chuyện hòn đảo kỳ lạ đã hồi sinh Pi, tưởng như Thượng đế đã dõi theo và làm “quỹ nhân phù trợ” Pi đúng lúc vậy.
Phần ba – Trạm xá Benito Juarez, Tomatlan, Mexico: Đây là phần ngắn nhất trong 3 phần, cũng là phần rùng rợn và man rợ nhất (phần này mình chấm 5 sao). Phần mà sau khi đọc xong, ta thực sự chả biết phải tin vào câu chuyện nào. Đọc một bài phân tích khác, người viết có chỉ ra chi tiết ẩn dụ cho lời thoại “Cảm ơn ông, thượng đế cũng nghĩ như các ông”, rằng: Con người có thể chọn riêng câu chuyện của mình, và câu chuyện ấy lại có thêm một vị thần thánh đức tin nào đó.
Gấp lại cuốn sách, nhìn một cách tổng quát, kết hợp với hành trình đọc cuốn này, mình xin đánh giá 5⭐. Cũng vì cảm xúc vẫn còn hơi lâng lâng từ buổi đọc tối qua nên mình đã quyết định viết ngay post chia sẻ ngắn này, dù khả năng viết của mình cũng hạn chế. Có thời gian, có dịp, nhất định mình sẽ tìm bản chuyển thể thành phim để xem.
Đọc tác phẩm này, mình chợt nhớ ngay tới câu hỏi kinh điển của chị Thùy Minh trong các số Have a Sip: “Nếu một ngày bạn phải lên hoang đảo không biết ngày trở về, chỉ được đem theo 1 cuốn sách thì bạn sẽ đem theo cuốn sách nào?”. Mình cũng không chắc sẽ mang cuốn nào theo, nhưng mình có thể hình dung hành trình trên hoang đảo đó có thể cũng giống hành trình gian nan nhưng đầy thú vị mà Pi đã trải qua, và đây có thể là 1 trong những đầu sách mình xem xét sẽ mang theo nếu có bị ném lên hoang đảo thật.
P/s: Một trích đoạn mình rất thích:
… Thượng đế phải được bảo vệ bên trong lòng chúng ta, không phải ở bên ngoài. Họ nên hướng cơn giận của họ vào chính bản thân. Bởi lẽ cái ác ở ngoài kia chỉ là cái ác ở bên trong đã được sổng ra ngoài. Bãi chiến trường để giành giật cái thiện không phải quảng trường công cộng kia mà ở khoảng rừng thưa nhỏ bé trong trái tim ta. Trong khi đó, số phận những người quả phụ và lũ trẻ vô gia cư thật đã phũ phàng làm sao, và chính là để bảo vệ họ, chứ không phải Thượng đế, mà những người công chinh phải khẩn trương lên.
(Còn có nhiều đoạn trích, nhiều câu khá hay mình muốn chụp, muốn lưu lại tại post này, nhưng như vậy là spoil, sẽ khiến cảm xúc của các bạn khi đọc tác phẩm không thực sự vẹn nguyên cho lắm)
Review của độc giả Khóm Dứa thơm
***
Đã bao giờ tâm trí bạn đầy ắp thắc mắc về sự tồn tại của Chúa trời? Về ảnh hưởng của ngài trong cuộc sống thường nhật? Và hơn thế nữa là sự cần thiết của tôn giáo trong dòng chảy cuộc sống hiện đại? Với thông điệp cũ nhưng được thể hiện dưới giọng văn đầy sáng tạo cùng những cảnh phim mãn nhãn đầy màu sắc, Life Of Pi của Lý An đã đưa ra một câu trả lời thỏa đáng về sự tồn tại của đức tin và 2 mặt bản chất của con người.
Life of Pi là câu chuyện về cuộc đời của nhân vật Piscine Molitor Patel, gọi tắt là Pi. Theo từng bước chân của nhà văn người Canada, xuyên suốt quá trình phỏng vấn Pi, dọc ngang từng ngóc ngách ngỏ hẹp, từng hàng ghế, bóng râm bờ kè, bức tranh về một cuộc đời đầy thăng trầm của Pi được hé mở. Cả bức hoạ là 2 phần đối lập: bình yên và giông tố được phân biệt bởi nét cắt ngang đẫm đau thương, sự kiện đắm tàu chia cắt gia đình Pi mãi mãi. Trước khi những đau thương mất mát xảy ra, đó là cuộc sống bình thường của cậu bé tên Piscine Patel, cha là chủ sở thú, mẹ là nhà thực vật và cậu còn có thêm một người anh trai, Ravi. Tuổi thơ của cậu gắn liền với vườn tược cây cối của sở thú với những loài động vật hoang dã. Dẫu Pi cũng đối mặt với những vấn đề ở trường, sự châm chọc của những đứa bạn cùng lứa về cái tên của cậu, nhưng lớn lên với sự hoang dã xung quang đã tạo nên một nỗi hoài nghi về tôn giáo và đức tin, hệ quả là cậu theo 3 tôn giáo khác nhau, một cơn khát niềm tin mãnh liệt. Trong cái bình thường đó, cậu tìm thấy được tình yêu của mình trên đất Ấn độ, quê hương cậu. Rồi, việc làm ăn khó khăn với cái đe chính trị, cha Pi quyết định chuyển cả nhà cùng sở thú đến với miền đất hứa Canada nhiều cơ hội hơn trên con tàu định mệnh. Tàu đắm bởi một cơn giông khiến Pi lênh đênh trên biển cùng những tạo vật hoang dã từ sở thú của cha: con hổ, ngựa vằn, đười ươi và linh cẩu. Rồi con linh cẩu giết chiết đười ươi và ngựa vằn, con hổ giết con linh cẩu. Chỉ còn Pi và con hổ, vốn bị nhầm tên từ "Khát" thành "Richard Parker", lênh đênh trên cùng một con xuồng cứu hộ. Và cả hai cùng bắt đầu cuộc hành trình sinh tồn để trở về đất liền.
Ngón tay lật từng trang sách, miết dọc theo từng con chữ, cảm nhận chất liệu, ngửi cái vị thơm của giấy, rồi thì một ngày cho chương 1, nửa ngày cho chương 2, thật khủng khiếp, chúng nó đang thực sự lảm nhảm về thế giới động vật, từng con chữ, giọng văn, từng trang sách chỉ xoay quanh trong cái vòng quay thế giới hoang dã. Nhưng đó chính là điểm mấu chốt của toàn bộ Life of Pi, như một quyển chỉ dẫn du lịch để độc giả từ từ thâm nhập vào cái thế giới nội tâm rực rỡ của Pi, để rồi những chương tiếp theo là sự thần tốc. Tác giả như muốn tận dụng cái tuổi thơ rừng rậm xanh mướt, đan xen vào những chi tiết so sánh với con người, để miêu tả rõ ràng hơn dáng hình của cái ác, phần con trong Pi. Đó là những lời miêu tả thực, không rườm rà về vẻ ngoài, mà là cách chúng nó nghĩ, lối tư duy của động vật, qua đó đánh bật lên nét hoang dã tiềm tàng của phần con trong Pi.
Những chương tiếp theo là sự hỗn loạn về niềm tin và nền tảng giá trị sống của thanh niên Ấn Độ trẻ. Về bản chất của cái tốt và xấu. Với những nỗi hoài nghi vô tận, cứ thế, Pi để lại dấu chân tinh thần ở mỗi tôn giáo cậu bước qua. Với một sự tiếp nhận vào giáo phái mới, Pi lại thấy sự mâu thuẫn ở đức Chúa trời. Những so sánh và khác biệt của các tôn giáo đã tạo ra nỗi ngờ vực to lớn trong đức tin của Pi. Tôn giáo là trò bịp? Và Chúa trời thực đã thử thách đức tin của cậu. Ngài đánh chìm con tàu Nhật Bản chở cả gia đình cậu và sở thú. Để Pi lênh đênh một mình trên biển cả cùng loài hoang dã khát máu. Một hành trình đi tận sâu vào cái bản chất của Pi nói riêng và của con người nói chung khi lâm vào cảnh hoạn nạn.
Có lẽ phân thú vị nhất của Life Of Pi, dĩ nhiên là cả ở nguyên tác lẫn chuyển thể, bởi lẽ Lý An đã quá xuất sắc trong việc đưa lên cả màn ảnh rộng một nguyên bản tóm gọn mà ko có chi tiết thừa nào cả, chính là phần giữa của phim, hình ảnh Pi lênh đênh trên biển cả mênh mông cùng với 4 con thú: hổ, ngựa vằn, linh cẩu, đười ươi. Lần đầu lướt qua đoạn này, mà không tới được phần cuối phim, Life of Pi chợt hóa ra đơn giản lạ kì. Câu chuyện về cậu bé nhìn đám vật hoang dã đánh nhau đến tử vong duy con dữ nhất là còn sót lại, con hổ, lênh đênh cùng Pi cho đến khi cậu được cứu. Pi và Hổ trải qua bao sóng gió, thử thách mà biển cả, hay đơn giản là Chúa đem lại. Và Pi sống sót được cứu, Hổ biến mất vào rừng. Thế nhưng, chính cuối phim, một câu chuyện khác hé lộ, một cú twist bất ngờ đến xây sẩm mặt mày. Và chỉ ở giây phút đó, câu chuyện thứ 2 được kể đã chỉ đơn thuần đưa Life Of Pi lên hàng đẳng cấp cao hơn cả.
Ở cuối phim, Pi đã khẳng định cậu kể cho nhà chức trách nghe 2 bản thể của cả hành trình sống sót ấy. Một thì đơn giản, đẹp đẽ. Một thì hiện thực, tàn khốc.
Bản thể đơn giản: Sau đắm tàu, Pi chứng kiến con linh cẩu ăn thịt con ngựa vằn đang bị thương, con đười ươi phản đối hành động đó và sau khi xô xát, cũng bị thương chờ chết. Sau đó con hổ Bengal, tên Richard Parker vùng ra khỏi miếng bạt và hất văng con linh cẩu xa mãi ngoài biển khơi.
Hiện thực phức tạp: Bốn người sống sót, gã đầu bếp và thủy thủ đã lên thuyền. Gã thủy thủ ném cho Pi một cái phao và kéo cậu lên bờ. Mẹ cậu bám vào một buồng chuối và dạt vào thuyền cứu sinh. Gã đầu bếp kinh tởm ăn thịt chuột, vũ phu nhưng tháo vát. Người thủy thủ là người đã mang cơm và thịt đến nhưng bị gãy chân và nhiễm trùng. Cuối cùng người thủy thủ cũng ra đi theo cái cách mà bọn chuột đã ra đi. Người mẹ lên tiếng phản đối và bị gã đầu bếp đánh trả. Người mẹ bị giết và vứt xuống biển làm mồi cho cá mập. Pi giết gã đầu bếp và khi đó lương thực cũng đã cạn. Pi cũng giống như gã đầu bếp. Ăn.
Thật đơn giản để nhận ra đâu mới là câu chuyện thật, đâu mới là bản thể của sự thật. Linh cẩu chính là đầu bếp. Ngựa vằn là thủy thủ, đười ươi là hoá thân của người mẹ. Và Pi, là chính Pi trên con xuống ấy và cũng là Richard Parker, con hổ.
Pi đã từng nói: "Nhưng đau lòng hơn cả, hắn đã lôi cái ác trong tôi ra". Pi, với hình dạng con người là hiện thân cho phần người, những phần tốt đẹp của cậu. Còn con hổ Richard Parker, đó là hiện thân cho phần con của Pi, cho bản năng hoang dã sinh tồn, làm mọi thứ để tồn tại. Sự hiện diện của cả hai phần ấy xuất hiện đan xen rồi lại hội ngộ với nhau cho đến khi được cứu sống:
Những hình ảnh ẩn dụ cứ đan xen với nhau, thấp thoáng qua từng khung hình, trang giấy để làm bật lên cái ác trong Pi, hành trình đối mặt với nó. Nhưng có lẽ hình ảnh ẩn dụ đẹp nhất, giàu ý nghĩa nhất chính là Pi, Richard Parker trên hòn đảo hình người mẹ. Hòn đảo cho Pi thức ăn từ chính bản thân nó. Cho Pi nước uống. Phải chăng đó là hình ảnh ẩn dụ cho việc Pi ăn thịt người. Thức ăn được cho vào ban ngày thì ban đêm hòn đảo sẽ lấy lại. Hòn đảo trở thành kẻ ăn thịt người, Ở trên hòn đảo ấy, cũng đã từng có người ở, và xác ông ta cũng đã mục rữa tại nơi đó. Phải chăng, hình ảnh người chết đó là ngụ ý cho tương lai tăm tối cho lương tâm của Pi, sự tha hóa. Cũng có những ý kiến khác cho rằng, hòn đảo người mẹ là hình ảnh ẩn dụ cho đức tin.
Rồi Pi và Richard Parker, cập được vào bờ biển Mexico. Richard Parker bỏ đi. Pi cũng ở đó. Cái bản năng hoang dã ra đi. Ở lại là Pi, phần người nhưng không còn vẹn nguyên như Pi thuở 15 nữa. Một Pi rất từng trải.
Và rồi Life of Pi kết thúc, dĩ nhiên là với cuộc phỏng vấn của tay viết người Canada. Pi hỏi:
"Vậy anh thích câu chuyện nào hơn
"Câu chuyện với con hổ. Đó là câu chuyện hay hơn"
"Cảm ơn. Giờ đó là câu chuyện của anh" - Pi nói.
Rồi Pi cười. Một nụ cười thanh thản. Một nụ cười mà từ đầu phim, ta không một lần được chứng kiến. Đó là nụ cười của sự lạc quan. Cả Pi và nhà văn, họ đều có cùng một góc nhìn, một góc nhìn lạc quan. Họ lạc quan về cuộc sống sắp tới. Nhưng hơn hết, Pi cười, thanh thản nhẹ nhàng đến vậy, đó là đón nhận sự tha thứ từ nhà văn, bỏ qua cái sự thật kinh tởm. Phải chăng đây là đây là của cuộc đời. Sinh ra, lớn lên, mất mát rồi đau khổ. Nhưng sau cùng tất cả chỉ quy tụ lại ở cách chúng ta nhìn nhận về nó. Lạc quan hay chìm vào trong hố sâu của tội lỗi và đau khổ suốt phần đời còn lại. Để có thể sống tiếp. Chúng ta cần niềm tin. Pi đã được thử thách. Anh chọn câu chuyện thứ nhất. Đó là cách đức tin anh lên tiếng. Anh tin vào những thứ tốt đẹp. Dẫu Pi không thể trả lời được câu hỏi: Chúa đã ở đâu khi anh cần người nhất.
“Có quá nhiều thứ trong đó, để hình dung toàn bộ có ý nghĩa gì.
“Tại sao nó phải mang ý nghĩa gì chứ”
Một sự chua chát về cuộc đời của Pi. Anh mất tất cả: gia đình, bạn bè, tình yêu đầu đời vầ cả vườn thú. Anh thấy được cái ác sâu bên trong bản thân. Dĩ nhiên Pi cũng muốn biết được câu trả lời cho toàn bộ câu hỏi: Nó mang ý nghĩa gì? Toàn bộ những bi kịch anh trải qua, liệu nó mang ý nghĩa như thế nào? Pi không biết. Anh không tìm ra được. Không có một câu trả lời nào thỏa đáng. Mọi việc cứ theo lẽ tự nhiên mà xảy ra, nó không cần phải có nghĩa.
“Nếu nó xảy ra, nó xảy ra, tại sao nó phải mang ý nghĩa gì chứ? “
Như khi ta thất tình, những câu hỏi tại sao, taị sao tình yêu không được đáp trả, tại sao hy sinh nhiều nhưng nhận lại là sự thờ ơ. Hay khi cuộc đời vẫn bỏ lửng chúng ta sau những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, không có gì là có nghĩa cả. Chỉ có nghĩa khi chúng ta cho phép gán cho nó một ý nghĩa. Và khi đó, ta thấy được niềm tin, đức tin mãnh liệt. Ta chọn một ý nghĩa để có thể sống tiếp qua những đau khổ đó. Để tiến về phía trước. Cũng như ta chọn cho nó một ý nghĩa để ta vượt qua được nỗi đau thất tình hay tiếp tục cố gắng. Đó là cái ý nghĩa mà ta ban cho nó, ở chính trong ta.
Và đó là khi Pi thấy Chúa ở trong mình. Pi đủ mạnh mẽ để đánh bại cái ác bên trong. Sống sót trở về. Anh cũng đủ mãnh mẽ cả về đức tin lẫn tinh thần để sống tiếp. Để nhìn vào mặt tốt của cuộc sống của loài người. Chúng ta cần niềm tin. Như là một cách để biết rằng chúng ra vẫn đi đúng hướng trên con đường học cách làm người đầy gian nan. Dẫu đâu đó có cả dân tộc là con của Thiên Chúa. Đâu đó có đoàn người đổ máu chiến đấu vì một lòng đức tin Hồi Giáo. Đâu đó những số phận tựa như chiếc lông vũ trong gió phảng phất với trái tim hướng về nơi Đức Phật ngự tại. Chẳng phải tất cả điều đó là một đức tin, một thứ niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Vậy phải chăng có một chúa và chỉ duy một chúa. Người, muôn hình vạn trạng, là đích đến, là con đường soi sáng cho số phận và lẽ phải, dẫn dắt chúng ta đến cuộc sống vẹn toàn. Đúng vậy, chúng ta, cũng như Pi, có lẽ đều cần một niềm tin, để có thể sống tiếp khi vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Cần lời chỉ dạy, để vẽ nên làn ranh giới rạch ròi giữa cái đúng và sai, tốt và xấu.
Pi theo cả 3 tôn giáo nhưng tựu chung, khi gặp nhà văn, anh nói anh là người của Hindu Thiên chúa, thờ rất nhiều vị thần. Rất nhiều cũng là một cách để nói cho một. Pi có riêng một chúa cho anh. Của riêng anh và tồn tại bên trong anh.
Tổng kết:
Life of Pi, cả nguyên tác lẫn chuyển thể, là một câu chuyện hoàn hảo. Những hình ảnh ẩn dụ dày đặc xuyên suốt, về tôn giáo và cả về bản chất con người đã đánh bật lên câu trả lời cho phần đầu của bài. Tôn giáo là gì? Phải chăng nó là một cái áo để ta khoác lên mình như những ông thầy cả đầu truyện (Pi theo 3 tôn giáo, mỗi tôn giáo một thầy cả). Họ, những người truyền giáo, Thầy cả, huyễn hoặc bản thân bằng việc khoác lên mình chiếc áo của tôn giáo và lầm tưởng tầm vóc bản thân chính là thiên thần với đôi cánh bay muôn nơi ban phát đức tin, nhưng hễ khi có dịp, tụ lại bên nhau, mỗi thầy với một tín ngưỡng của riêng mình, lại ra sức hạ thấp, có phần sỉ nhục tôn giáo khác để lôi kéo tín đồ, Piscine. Những người này, họ đã sa đà vào cái việc được cảm thấy đặc biệt mà quên khuấy đi cái bản chất của tôn giáo, đó chính là sự học để kìm nén cái ác bên trong, cái ác mà họ cứ thao thao bất tuyệt thuyết giảng về nó. Hơn hết, đó chính là cách nhìn. Chúng ta có chọn tin vào chúa?
“Những người này không chịu nhận ra rằng Thượng đế phải được bảo vệ bên trong lòng chúng ta, không phải ở bên ngoài. Họ nên hướng cơn giận của họ vào chính bản thân. Bởi lẽ cái ác ở ngoài kia chỉ là cái ác ở bên trong đã được sổng ra ngoài.”
“Tôn giáo là nơi giúp chúng ta giữ được nhân phẩm của mình chứ không phải để hạ nhục nó.”
Và chỉ có vậy. Vẻ đẹp của Life of Pi rực sáng. Trong mỗi chúng ta, vẫn hiện diện cái ác. Nó nằm ngay bên trong chúng ta. Con đường của mỗi người có lẽ chính là tìm ra nó và đối mặt với nó. Có lẽ tác giả phần nào muốn nhấn mạnh quan điểm sống của bản thân. Không phải tiền bạc hay danh vọng địa vị. Tự do, tự do tuyệt đối với cái ác, triệt tiêu nó như cách mà Pi đã làm, mới chính là mục đích sống trọn vẹn nhất. Và điều đó phải xuất phát từ sự tha thứ:
“Tôi đoán rằng, toàn bộ cuộc sống trở thành một màn diễn của sự buông tay. Nhưng cái điều luôn gây đau đớn nhất, là không có thời gian để nói lời tạm biệt.”
Pi tha thứ cho bản thân và cả cuộc đời nữa. Qua đó cũng thấy được thông điệp mà tác giả đã lồng ghép vào phim, bỏ qua mọi vấn đề tôn giáo, đức tin và triết lí: hãy sống khi còn có thể, trân trọng cuộc sống và yêu thương. Để mỗi phút giây là quý giá và không phải nuối tiếc khi chia biệt.
Ngoài ra, ở nguyên tác, việc đi sâu vào bản chất của động vật, tác giả như muốn đi vào cái bản chất cốt lõi của mọi loài sinh vật trên trái đất, bản năng của sự hoang dã, là cái bản năng đã cứu Pi, giúp anh sinh tồn. Nhưng cái phần người, là cái phần với những đức tin và sự khao khát, tình yêu chính là điểm khác biệt để phân biệt “con” người và những giống loài khác của địa cầu. Sự so sánh giữa khoa học và tôn giáo ở đầu phim cũng là để làm bật lên sự quan trọng của niềm tin. Dù khoa học có phát triển đến nhường nào, tầm hiểu biết có xa xôi rộng lớn đến bao thì vẫn không thể so sánh được với sự huyền bí của cuộc đời. Khoa học cần tôn giáo làm nền để phát triển, như là một mảnh vườn màu mỡ để khoa học có thể đâm chồi.
Nhìn chung, với khả năng diễn xuất tốt của cả 3 diễn viên vào vai Pi, cùng với những cảnh quay đẹp mê li, khả năng chuyển thể đầy kinh ngạc của Lý An. Chắt chiu, kĩ càng trong khâu lựa chọn từng chi tiết từ nguyên tác để tái hiện lên màn ảnh bự đã làm cho Life Of Pi trở nên cô đọng, súc tích và giữ được tinh thần chủ đạo của phim. Life of Pi xứng đáng nhiều hơn là một giải Oscar.
Tác giả: Quốc Bảo