Người Trong Đêm Hè là cuốn tiểu thuyết đã góp phần đưa giải Nobel Văn học năm 1939 về cho Frans Emil Sillanpää và về cho đất nước Phần Lan. Chính Sillanpää đã gọi "đứa con tinh thần" này là "chuỗi thơ mang tính tự sự" bởi sự đan kết tự nhiên giữa bốn mươi tám văn khúc tả cảnh, đối thoại, độc thoại, có lúc đầy kịch tính, khi lại man mác, nên thơ.
Tuy là một tác phẩm ngắn trong địa hạt tiểu thuyết, Người trong đêm hè vẫn dựng được tuyến nhân vật phong phú và sinh động. Trước hết, Sillanpää dành nhiều trang viết cho những phụ nữ ở miền quê: cô thiếu nữ Helka đang trải qua quãng đời thanh xuân yên bình; còn hai người vợ - Hilja và Santra - mỗi người đối diện với một hoàn cảnh, đeo nặng một tâm tư. Song hành cùng các nhân vật nữ, dĩ nhiên, là bóng hình những người đàn ông: chàng sinh viên Arvid hào hoa (bạn trai Helka); anh nông dân Jalmari ngu ngơ, vụng về (chồng Hilja); Jukka - người chồng thờ ơ của Santra. Họ cùng xuất hiện trên nền bối cảnh điền trang, một không gian tưởng chừng đơn sơ, yên ả song lại làm nảy lên bức tranh nội tâm sâu kín, đa chiều.
***
Frans Sillanpää sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, thuộc xứ đạo Hämeenkyrö. Cuộc sống vất vả khiến bố mẹ ông chỉ có thể nuôi ông ăn học trong 5 năm đầu tại trường trung học Tampere, 3 năm sau đó ông phải tự kiếm tiền để học tiếp. Năm 1908, ông đỗ vào Đại học Helsinki, ngành sinh vật học, với số điểm loại ưu. Nhưng chỉ theo học được một thời gian ngắn, ông đã phải bỏ, về nhà mở cửa hàng văn phòng phẩm kiếm sống. Ở nhà, ông bắt đầu viết truyện và ngay từ truyện ngắn đầu tiên, ông đã được tổng biên tập một tờ báo lớn đánh giá cao và mời cộng tác. Tiểu thuyết đầu tay của ông là Elämä ja aurinko (Cuộc sống và mặt trời), in năm 1916. Năm 1919, tiểu thuyết Hurskas kurjuus (Cái nghèo thanh cao) đã đưa ông vào hàng ngũ những nhà văn danh tiếng, khiến một nhà xuất bản nổi tiếng đề nghị ông viết sách cho họ và sẵn sàng ứng tiền để ông chuyên tâm vào công việc; từ năm 1920 ông được chính phủ Phần Lan trao một khoản trợ cấp trọn đời. Tiểu thuyết đỉnh cao giúp ông đoạt giải Nobel năm 1939 là Nuorena nukkunut (Thiếu nữ chết trẻ), kể về số phận bi thảm của những gia đình nông dân Phần Lan bị những mối quan hệ tư bản thâm nhập vào nông thôn tàn phá.
Cuối đời ông viết nhiều tiểu luận và hồi ký tự thuật.
Trong các tác phẩm của mình, Frans Sillanpää luôn khẳng định sức mạnh bản năng và tư tưởng thần bí, bi quan. Năm 1936, ông được Đại học Helsinki trao bằng Tiến sĩ Danh dự và năm 1939 được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel. Do chiến tranh, buổi lễ trao giải không tổ chức được nhưng ông đã nhận bằng trong một cuộc họp của Viện Hàn lâm Thụy Điển vào tháng 12 năm 1939. Thời gian này, sức khỏe của ông giảm sút, ông rơi vào trạng thái trầm cảm nặng vì vợ mất và đất nước bị chiến tranh tàn phá, phải điều trị tại bệnh viện tâm thần đến năm 1943. Tác phẩm cuối cùng của ông là bộ hồi ký gồm ba cuốn xuất bản từ năm 1953 đến năm 1956.
Frans Sillanpää được toàn thể nhân dân Phần Lan yêu quý, ông thường được mời phát biểu trên đài phát thanh. Ông mất ở Helsinki năm 66 tuổi.
Tác phẩm:
- Elämä ja aurinko (Cuộc sống và mặt trời, 1916), tiểu thuyết
- Ihmislapsia elämän saatossa (Những con người trong đường đời,1917), tập truyện
- Hurskas kurjuus (Cái nghèo thanh cao, 1919), tiểu thuyết
- Rakas isänmaani (Tổ quốc yêu dấu, 1919), tiểu thuyết
- Hiltu ja Ragnar (Hiltu và Ragnar, 1923), tiểu thuyết
- Enkelten suojatit (Sự bảo trợ của các thiên thần, 1923), tiểu thuyết
- Omistani ja omilleni (Về chính tôi và cho chính tôi, 1924), tiểu thuyết
- Maan tasalta (Từ độ cao của Trái Đất, 1924), tiểu thuyết
- Töllinmäki (Ngọn đồi ổ chuột, 1925), tiểu thuyết
- Rippi (Xưng tội, 1928), tiểu thuyết
- Kiitos hetkistä, Herra... (Cảm ơn Chúa đến đúng lúc..., 1930), tiểu thuyết
- Nuorena nukkunut (Thiếu nữ chết trẻ, 1931), tiểu thuyết
- Miehen tie (Con đường của người đàn ông, 1932), tiểu thuyết
- Virran pohjalta (Dưới đáy sông, 1933), tiểu thuyết
- Ihmiset suviyössä (Người trong đêm hè, 1934), tiểu thuyết
- Viidestoista (Thứ mười lăm, 1936), tiểu thuyết
- Elokuu (Tháng Tám, 1944), tiểu thuyết
- Ihmiselon ihanuus ja kurjuus (Hạnh phúc và đau khổ của đời người, 1945), tiểu thuyết
- Poika eli elämäänsä (Cậu bé đã sống cuộc đời mình, 1953), hồi ký
- Kerron ja kuvailen (Tôi kể chuyện và tôi mô tả, 1954), hồi kí
- Päiva korkeimmillaan (Ngày cực điểm, 1956), hồi kí
***
Review SP:
Tác phẩm văn học “Người trong đêm hè” – bản giao hưởng cho mùa hạ trắng Phương Bắc.Tiểu thuyết cũng đã nhận được nhiều giải thưởng cũng như đánh giá tích cực của công chúng.
“Mùa Hè phương Bắc gần như không có đêm, chỉ có ánh sáng mờ ảo ngập ngừng, chầm chậm trôi qua. Nhưng trong chạng vạng vẫn ngời lên tia sáng không ngôn từ nào có thể tả nổi. Đó chính là lời thì thầm của sáng Hè đang đến gần. Khi giai điệu hoàng hôn lắng lại thành nốt mềm xanh tim tím màu hoa violet, mê say dịu dàng ngân dài ngay trong quãng ngắt ngắn ngủi, là lúc violon chính bừng tỉnh và bắt vào giai điệu cao nghiêng nghiêng, để cho violon xen nhanh chóng hòa nhịp. Ta cảm nhận được từ trong sâu thẳm tâm hồn bức tranh giai điệu đó” trích Tiểu thuyết, tác phẩm văn học, “Người trong đêm Hè” của Frans Emil Sillanpää, (người dịch: Tiến sĩ Bùi Việt Hoa)
Tiểu thuyết hay còn được gọi là “chuỗi thơ mang tính tự sự” với 48 bài văn dài ngắn khác nhau của nhà văn Frans Emil Sillanpää (1888 – 1964) cùng với những sáng tác trước đó đã đem giải Nobel văn học đầu tiên vào năm 1939 và cho đến giờ vẫn là giải Nobel duy nhất của Phần Lan.
Mùa Hè, tháng Bảy ở Phần Lan, đất nước Cực Bắc của châu Âu, gần như không có đêm nên thường được gọi là mùa hạ trắng với những đêm trắng khi mặt trời gần như không ngủ và thiên nhiên được miêu tả đẹp như tranh vẽ. Tại vùng nông thôn, thiên nhiên êm đềm, không gian tĩnh lặng, trong lành, cũng có nhiều người không ngủ với nhiều lí do khác nhau. Có những lí do rất đẹp và lãng mạn như khi đôi lứa yêu nhau, cô gái mải suy tư mà không dỗ được giấc ngủ, có người mải chèo thuyền trên hồ và đi ngắm nghía đất đai, người đi dự tiệc đính hôn, người trò chuyện, khiêu vũ, người trở dạ sinh con, và có cả những thương đau như đứa trẻ không được chào đời hay người đàn ông mắc tội giết người, người chồng đi không trở về …
Người kể chuyện, kể về các cảnh khác nhau với những giọng điệu khác nhau từ trẻ tới già, từ giàu tới nghèo, từ người không có học đến người học thức, có cả mặt tốt và mặt xấu. Ngôn ngữ của tác giả rất chân thật, biểu cảm và giàu chất thơ ngay từ những đoạn văn khởi đầu của cuốn tiểu thuyết mini đã tạo nên một tấm gương phản chiếu đời sống nông thôn điển hình của Phần Lan những năm 30’ nơi thiên nhiên và con người gần như hòa làm một, nơi mọi hoạt động đều chứa đựng nhiều xúc cảm, nơi trong sinh, yêu và tử có đan xen trong niềm vui, nỗi đau, sự trăn trở, tiếc nuối, những khát khao giới tính kỳ lạ…
”Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trong Người trong đêm Hè thiên nhiên mới là nhân vật trung tâm xuyên suốt tiểu thuyết. Ánh sáng và âm thanh, mặt trời và đêm trắng, cánh đồng lúa, rừng cây, mặt hồ nước, trang viên… một vùng quê với đủ mọi thăng trầm và cuộc sống của những người dân đủ mọi tầng lớp trong ánh sáng mờ ảo của đêm Hè hiện lên thật hoàn hảo dưới ngòi bút của Sillanpää. Đây là tác phẩm văn xuôi mang tính trữ tình đậm đặc nhất, nhiều tính nhạc nhất của nhà văn”. Dịch giả Bùi Việt Hoa, người đã có nhiều năm sống và làm việc ở Phần Lan, nghiên cứu văn hóa và văn học Phần Lan, cho biết.
Tác phẩm văn học không chỉ đem đến những áng văn tả cảnh tuyệt đẹp, những câu chuyện đời sinh động, chân thực mà còn nêu ra những triết lý vô cùng đơn sơ mà sâu sắc: “Trên thế gian này ai cũng có lúc nghĩ họ đau khổ nhất trần gian – khi không nghĩ đến người khác, mà chỉ chăm chăm nghĩ về mình”.
Chỉ một năm sau khi ra đời, tác phẩm văn học Người trong đêm Hè đã được dịch và xuất bản ở Thụy Điển năm 1935 và hai năm tiếp theo được dịch và xuất bản ở Estonia (1936), Đan Mạch (1937), Na Uy (1937) và Latvia (1937), Anh (1966). Cho đến nay, tiểu thuyết này đã được dịch ra 17 thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Tiểu thuyết được chuyển thể thành phim cùng tên vào năm 1948 và nhận được nhiều giải thưởng cũng như đánh giá tích cực của công chúng.
Mời các bạn đón đọc
Người Trong Đêm Hè của tác giả
Frans Emil Sillanpää.